Một nhà nghiên cứu Trung Quốc khẳng định: “Hệ thống chính trị mới của Trung Quốc có thể vượt qua tất cả những bất cập mà những hệ thống cũ không đủ khả năng giải quyết”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters/Jason Lee.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố trước toàn thế giới rằng Trung Quốc sẵn sàng tiên phong về những vấn đề như thương mại tự do và biến đổi khí hậu. Gần đây, lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục muốn đưa mô hình hệ thống chính trị của mình ra toàn thế giới.
Cụ thể, tại kỳ Lưỡng hội 2018 (gồm Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc), ông Tập đã phát biểu trước toàn thể đại biểu rằng các quốc gia khác nên học theo “mô hình hệ thống chính trị mới” của Trung Quốc.
Mô hình chính trị mới của Trung Quốc
Trung Quốc luôn khẳng định nước này sẽ không bao giờ bắt chước hệ thống chính trị của các quốc gia khác, đặc biệt là mô hình dân chủ phương Tây. Tuy nhiên, dưới thời ông Tập – nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong vòng 4 thập kỉ qua – Bắc Kinh lại cho rằng các nước khác nên học tập mô hình chính trị của mình.
Cụm từ “mô hình hệ thống chính trị mới” được nhắc đến lần đầu tiên trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước các nhà cố vấn chính trị hôm 4/3 vừa qua. Đây không phải lần đầu tiên mô hình chính trị Trung Quốc được ông Tập đề xuất áp dụng tại các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, lần này, tuyên bố của ông được báo chí tập trung khai thác sâu hơn để nhấn mạnh tầm quan trọng của đề xuất này.
Ông Wang Xiaohong, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Xã hội Chủ nghĩa Trung ương, cho biết: “Trước đây, những người thiếu tự tin thường lấy học thuyết chính trị phương Tây làm hình mẫu để chỉ trích hệ thống chính trị của Trung Quốc”.
Ông Wang cho rằng hệ thống chính trị phương Tây có nhiều bất cập và “hệ thống chính trị mới của Trung Quốc có thể vượt qua tất cả những bất cập mà những hệ thống cũ không đủ khả năng giải quyết”.
Tại Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản cầm quyền còn tồn tại 8 chính đảng dân chủ khác, bao gồm: Ủy ban Cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc (Dân Cách), Đồng minh Dân chủ Trung Quốc (Dân Minh), Hội Kiến quốc Dân chủ Trung Quốc (Dân Kiến), Hội Xúc tiến Dân chủ Trung Quốc (Dân Tiến), Đảng Dân chủ Nông công Trung Quốc (Nông Công đảng), Đảng Trí công Trung Quốc (Trí Công đảng), Học xã Cửu Tam và Đồng minh Tự trị Dân chủ Đài Loan (Đài Minh).
Các chính đảng này là các tổ chức độc lập và cùng tồn tại theo “chế độ hợp tác đa đảng phái và chính trị hiệp thương dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc”.
Tháng 3 hàng năm, một hội nghị tập trung thành viên của ĐCSTQ và các đảng phái khác được tổ chức tại Bắc Kinh. Tại đó, đại biểu các đảng sẽ phát biểu ý kiến về những vấn đề nổi cộm như dịch vụ y tế, chương trình xóa đói giảm nghèo.
Việc quốc tế hóa mô hình hệ thống chính trị của Trung Quốc đã sớm được khởi động trước khi ông Tập phát biểu hôm 4/3 vừa qua. Kể từ năm 2014, ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thường niên ở Bắc Kinh và mời các nhà lãnh đạo đảng phái chính trị trên toàn thế giới đến nghe kinh nghiệm của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường tạo điều kiện cho các chính trị gia trẻ tuổi người châu Phi đến Trung Quốc tập huấn.
Hôm 8/3 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước này sẽ “tham gia chủ động hơn nữa” trong việc tái định hình nền quản trị toàn cầu và giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Tại kỳ Lưỡng hội năm nay, Quốc hội Trung Quốc có khả năng sẽ thông qua đề xuất xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Nếu đề xuất này được thông qua, lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình có cơ hội tiếp tục được tại nhiệm sau năm 2023.
Đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ đang là vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận và nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều tại Trung Quốc và trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi đề xuất này và ông thậm chí còn muốn thử áp dụng đề xuất ấy với nước Mỹ.