Pháp muốn Ấn Độ trở thành đối tác an ninh-kinh tế số 1, trong khi Ấn Độ tìm kiếm hỗ trợ từ Pháp nhằm đối trọng với Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Ấn Độ Norendra Modi (ngoài cùng bên trái). Ảnh: AP
“Cơn mưa” hợp đồng
Ấn Độ đón chào Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và đoàn doanh nghiệp Pháp ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm (9/3) bằng một cơn mưa hợp đồng.
20 hợp đồng, tổng trị giá 13 tỷ euro, cùng 200 triệu euro đầu tư của Pháp được ký kết và cam kết. Nổi bật nhất là gói thầu xây dựng một nhà máy điện hạt nhân và cung cấp 6 lò phản ứng EPR mà tập đoàn Safran giành được, trị giá 12,5 tỷ euro. Bên cạnh đó, là các hợp đồng mang tính mở đường trong các lĩnh vực môi trường, giao thông hay xây dựng đô thị thông minh.
Đối với Pháp, các hợp đồng kinh tế này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ ở số tiền mà còn ở việc đây có thể sẽ là bệ phóng để các doanh nghiệp Pháp xâm nhập sâu hơn vào thị trường có gần 1,3 tỷ dân của Ấn Độ.
Hiện tại, quan hệ kinh tế giữa Pháp và Ấn Độ, 2 cường quốc lớn trên thế giới, hết sức nhỏ bé so với tiềm lực của cả hai nước. Kim ngạch thương mại hai bên chỉ ở mức trên 10 tỷ euro, Ấn Độ chỉ là đối tác kinh tế đứng thứ 18 của Pháp và ngược lại, Pháp cũng chỉ đứng thứ 20 trong các nước xuất khẩu vào Ấn Độ.
Đây là những con số mờ nhạt nếu đặt trong so sánh trao đổi thương mại của Ấn Độ với Anh hay của Pháp với một vài cường quốc khác ở châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản.
Vì thế, lợi ích đầu tiên mà chuyến thăm của ông Macron đến Ấn Độ mang lại, đó là nâng cao mối quan hệ kinh tế, biến Pháp và Ấn Độ trở thành các đối tác lớn của nhau trong về kinh tế, chứ không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng. Với Pháp, ý định lâu dài là muốn cạnh tranh trở thành đối tác hàng đầu tại châu Âu của Ấn Độ, cạnh tranh vị trí với nước Anh vốn đang ít nhiều suy yếu do Brexit.
Ấn Độ thì muốn thông qua hợp tác với Pháp để thu hút vốn và đặc biệt là công nghệ bởi Ấn Độ đang rất khát công nghệ cao của phương Tây trong các lĩnh vực năng lượng hay chế tạo máy.
Anh-Pháp: “Về ngoại giao mềm dẻo: tỉ số là 1-0 nghiêng về ông Macron“ VOV.VN -Quan hệ khăng khít bấy lâu giữa Anh và Pháp trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng sẽ được tiếp tục duy trì sau Brexit.
Cường quốc Ấn Độ Dương
Nhưng đặt các con số kinh tế sang một bên, câu chuyện gây chú ý nhất trong các cuộc gặp giữa ông Macron và Thủ tướng Ấn Độ Norendra Modi vẫn là một thỏa thuận quốc phòng. Cụ thể, hai bên ký kết một thỏa thuận về hỗ trợ hậu cần quân sự, qua đó cho phép Ấn Độ tiếp cận và sử dụng các căn cứ hải quân của Pháp ở Ấn Độ Dương.
Có một thông tin cần nhấn mạnh trước tiên: nước Pháp không chỉ có lãnh thổ của mình tại châu Âu. Pháp có 2 vùng lãnh thổ hải ngoại với 1,7 triệu dân nằm ở Ấn Độ Dương là đảo Réunion và đảo Mayotte và nhờ đó, Pháp có chủ quyền ở một vùng biển rộng đến 11 triệu km2 ở Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, Pháp cũng là nước châu Âu duy nhất có sự hiện diện quân sự ngay bờ Ấn Độ Dương, gồm 1 căn cứ quân sự tại Djibouti và 1 tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), chưa kể các căn cứ trên lãnh thổ của mình là đảo Réuion. Vì vậy, có thể nói là Pháp cũng chính là một cường quốc có vai trò địa chính trị quan trọng ở Ấn Độ Dương, bên cạnh Ấn Độ.
Việc Ấn Độ và Pháp ký kết thoả thuận quốc phòng cho phép tàu chiến hai bên được tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau, là sự kiện có ý nghĩa chiến lược với cả hai. Nhờ thoả thuận này, Ấn Độ có thể mở rộng phạm vi tuần tra và kiểm soát của mình ra xa hơn, về phía Tây của Ấn Độ Dương, nơi tiếp giáp khu vực Trung Đông và Đông Phi. Ngược lại, Pháp cũng có thể tận dụng các cơ sở hậu cần của Ấn Độ để đi xa hơn về phía Đông của Ấn Độ Dương.
Hai bên có thể bổ trợ cho nhau để kiểm soát chặt chẽ hơn Ấn Độ Dương, là nơi trung chuyển của hàng hoá từ Âu-Á và chiếm đến 25% giao thương của toàn thế giới.
Ngoài ra, thoả thuận quốc phòng này cũng giúp hai bên thắt chặt hơn quan hệ quốc phòng đang tiến triển thời gian qua. Pháp đặc biệt coi trong quan hệ quốc phòng với Ấn Độ vì đây là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trong một thập kỷ qua, Pháp đã bán cho Ấn Độ những vũ khí hiện đại mang tầm chiến lược như 6 tàu ngầm Scorpene hay 36 máy bay chiến đấu Rafale.
Ấn Độ thì tìm đến Pháp để đa dạng hoá nguồn cung vũ khí và đặc biệt quan trọng là tiếp cận được công nghệ quốc phòng của Pháp, nước phương Tây duy nhất ngoài Mỹ chủ động phát triển được tất cả các vũ khí chiến lược cho riêng mình.
Ám ảnh Trung Quốc
Đối với Ấn Độ, lo ngại thường xuyên, lâu dài và lớn nhất của nước này luôn là sự cạnh tranh với Trung Quốc. Sự lo ngại đó không chỉ là về cạnh tranh kinh tế, tranh giành ảnh hưởng chính trị trong khu vực mà còn cả rủi ro an ninh.
Trên đất liền, Ấn Độ có các mâu thuẫn luôn chực chờ bùng nổ với Trung Quốc về biên giới. Trên biển, Ấn Độ đang ngày càng lo lắng về nguy cơ đánh mất kiểm soát trên biển ở Ấn Độ Dương, vùng biển mà Ấn Độ luôn coi là sân nhà có ý nghĩa sống còn với an ninh quốc gia của mình.
Nỗi lo này của Ấn Độ đang lớn hơn từng ngày khi hải quân Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trong khu vực, từ việc xây căn cứ quân sự ở Djibouti, kiểm soát các cảng biển ở Pakistan, Sri Lanka, Myanmar… cho đến việc tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc đã gia tăng tần suất tuần tra trên Ấn Độ Dương.
Vì thế, việc thắt chặt quan hệ với Pháp là nước đi của Ấn Độ nhằm tìm kiếm thêm sự ủng hộ cũng như các lợi thế về mặt hậu cần quân sự, và xa hơn là công nghệ quân sự, nhằm cạnh tranh với sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Ấn Độ cho nước Pháp cơ hội bước chân sâu hơn vào sân chơi địa chính trị của khu vực, qua đó duy trì và gia tăng được ảnh hưởng, điều mà nước Pháp không dễ gì, nếu không muốn nói là không thể làm được, nếu đơn phương hành động.
Về tổng thể, cái bắt tay Ấn Độ-Pháp cũng không nằm ngoài bức tranh địa chính trị khu vực đang diễn biến vô cùng phức tạp, với một bên là một nước Trung Quốc đang trỗi dậy với rất nhiều tham vọng, với một bên là các cường quốc cũ ở phương Tây như Mỹ, Pháp, Australia… muốn duy trì trật tự cũ.
Trong cuộc chơi này, Ấn Độ là nhân tố quan trọng đang được lôi kéo mạnh về phía các nước phương Tây nhằm tạo đối trọng, và xa hơn là bao vây Trung Quốc.
Tất nhiên là việc này cũng nằm trong lợi ích quốc gia của Ấn Độ bởi quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, Trung Quốc luôn là đối thủ chiến lược và là nỗi ám ảnh mọi mặt đối với Ấn Độ.