Thursday, January 16, 2025
Trang chủBiển nóng30 năm ngày 14-3: Bài báo đầu tiên về thảm sát Gạc...

30 năm ngày 14-3: Bài báo đầu tiên về thảm sát Gạc Ma

Ngày 14-3, khi ở đất liền người dân Việt Nam đang cử quốc tang nguyên thủ quốc gia, thì tại Gạc Ma súng địch đã nổ và những người con đất Việt đã ngã xuống máu nhuộm đỏ một vùng Biển Đông.

Bài tường thuật đầu tiên về sự kiện Gạc Ma của nhà báo Ngọc Đản trên báo Nhân Dân ngày 24-3-1988 – Ảnh: L.Đ.DỤC chụp lại

Lật chồng báo Nhân Dân của 30 năm trước, trên trang nhất số báo ra ngày 15-3-1988 là hình ảnh và bài tường thuật lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức vụ như thủ tướng hiện nay) nước CHXHCNVN.

Trang báo chạy tít đậm màu đen: “Hôm qua, 14-3-1988, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, lễ viếng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng cử hành trọng thể”.

Nước mắt trên bờ, máu loang ngoài biển

Nghĩa là buổi sáng hôm đó, 14-3, khi ở đất liền người dân Việt Nam đang cử quốc tang nguyên thủ quốc gia của mình, thì cùng thời điểm đó tại Gạc Ma súng địch đã nổ và những người con đất Việt đã ngã xuống máu nhuộm đỏ một vùng Biển Đông.

Nỗi đau đất liền, nỗi đau ngoài biển cùng chồng chất. 30 năm đã trôi qua nhưng trên trang báo đã ố vàng màu thời gian, tất cả bối cảnh lịch sử vẫn lặng im ngưng đọng ở đó.

Từng trang, từng trang, suốt 90 số báo Nhân Dân của quý 1-1988 không số báo nào không nhắc tới Trường Sa. 

Bởi từ giữa năm 1987 đến đầu năm 1988, Trung Quốc đã có nhiều động thái gây hấn trên vùng biển này, cản trở hoạt động các tàu của hải quân Việt Nam, lần lượt tìm cách chiếm đóng trái phép các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền Việt Nam. 

Ngày 31-1, Trung Quốc cho quân đổ bộ chiếm đóng Đá Chữ Thập, ngày 18-2 chúng đổ bộ chiếm bãi Châu Viên và đỉnh điểm là cuộc thảm sát các chiến sĩ công binh hải quân Việt Nam để cướp đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988.

Tuy nhiên bài báo đầu tiên tường thuật tương đối chi tiết và đầy đủ nhất về sự kiện Gạc Ma lại đăng sau đó chừng mười ngày, ngày 24-3-1988. 

Bài báo có cái tựa khá dài “Cuộc tiến công bằng tàu khu trục mang tên lửa của Trung Quốc vào ba tàu vận tải không có vũ khí tiến công của ta ở vùng đảo Sinh Tồn” của nhà báo Ngọc Đản, bấy giờ là phóng viên mảng an ninh – quốc phòng của báo Nhân Dân.

Bài tường thuật…

Đã xấp xỉ tuổi 70, nghỉ hưu gần mười năm nay nhưng nhắc lại những ngày đưa tin về Trường Sa và Gạc Ma, lửa nghề vẫn hừng hực trong tim của nhà báo Ngọc Đản. 

Hẳn nhiều người đã từng biết đến ông với tấm hình “cô Nhíp” – cô gái biệt động dẫn đường cho xe tăng quân giải phóng vào Sài Gòn hôm 30-4-1975. 

Đưa tin kịp thời và ra được Trường Sa ngay sau sự kiện Gạc Ma với Ngọc Đản là một cơ hội nghề nghiệp hiếm có.

Ông kể: Từ đầu tháng 3, sau khi Trường Sa bắt đầu nóng lên với các hoạt động khiêu khích có hệ thống của hải quân Trung Quốc, ông được cơ quan phân công vào Cam Ranh, tìm cách theo tàu để ra quần đảo Trường Sa.

Vào “nằm vùng” ở khu vực lữ đoàn 146, Ngọc Đản được phân công ở cùng với lữ đoàn phó Trần Đức Thông, khi đó cũng vừa trả phép trước thời hạn nửa tháng từ Hà Nam vì đơn vị triệu tập khẩn cấp. 

Ngọc Đản bảo ông đã được bố trí cho phép đi theo chuyến tàu gần nhất ra Trường Sa. Kế hoạch đã được duyệt thì chuyến tàu đưa anh em công binh ra xây dựng đảo ở lại lâu dài tới vài ba tháng, tình hình như thế thì phóng viên Ngọc Đản không thể đi cùng.

Ông không ngờ chỉ mấy hôm sau, tin về cuộc thảm sát ở Gạc Ma dội về. Tất cả thông tin vẫn chỉ từ những dòng tin điện từ Trường Sa. Anh em ai mất, ai còn… chưa thể biết. 

Cứ ngày ngày Ngọc Đản chạy lên phòng tác chiến để ngóng tin tức và chờ đợi chuyến tàu anh em thương binh và những chiến sĩ còn sống trở về. 

Trên báo Nhân Dân những ngày ấy có thể thấy dồn dập các bài báo ký tên Ngọc Đản viết về Trường Sa. 

Phải sau khi gặp được những nhân chứng trở về từ trận chiến, bài báo tường thuật chi tiết về buổi sáng 14-3 ở Gạc Ma mới được viết ra. 

Hai tuần sau, Ngọc Đản nằm trong danh sách đoàn phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình và điện ảnh do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức đi ra Trường Sa, tiếp cận với khu vực cụm đảo Sinh Tồn, nơi con tàu HQ505 vẫn còn “ủi bãi” trên Cô Lin, con tàu HQ605 vẫn nằm dưới thềm biển của đảo Len Đao và rìa đảo Gạc Ma, dưới đáy biển là con tàu HQ604 đang còn thi thể của anh em cán bộ chiến sĩ công binh hải quân.

Đặt mình trong bối cảnh chiến sự và Biển Đông luôn sẵn sàng nóng lên, thậm chí địch sẵn sàng nổ súng mới biết để có mặt trong chuyến đi ấy cần có lòng dũng cảm và tình yêu Tổ quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới