Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước: Vì sao truyền thông...

Bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước: Vì sao truyền thông TQ đột ngột im lặng?

Theo ông Wang Xiangwei, cựu tổng biên tập báo SCMP, sự im lặng của Trung Quốc sẽ phản tác dụng và tiềm ẩn nhiều vấn đề lớn về địa chính trị.

Một nhà báo tại phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) hôm 3/3. Ảnh: EPA.

Nhân viên Tân Hoa Xã có nguy cơ bị kỉ luật?

Tân Hoa Xã (THX) là cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề xuất sửa đổi Hiến pháp hôm 25/2 vừa qua. Bài đăng với tiêu đề “NÓNG: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đề xuất thay đổi điều khoản quy định giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước trong Hiến pháp”cùng thông tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính là người đưa ra đề xuất trên, đã trở thành vấn đề khiến dư luận xôn xao trong những ngày qua.

THX không chỉ là cơ quan ngôn luận thông thường. Với quyền lực ngang cấp bộ, THX được coi là cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước, và đảm đương nhiệm vụ công bố các tài liệu và báo cáo quan trọng của lãnh đạo Trung Quốc. Điều này có nghĩa là THX luôn phải đảm bảo tính chính xác về mặt chính trị đối với các bài đăng của mình.

Gần đây có thông tin rằng một số biên tập viên lâu năm của THX sắp bị kỉ luật vì đăng tải thông tin trước khi báo cáo chính thức được công bố. Điều này không chỉ thể hiện sự nhạy cảm của đề xuất sửa đổi Hiến pháp, mà quan trọng hơn, nó còn khiến quan ngại quốc tế gia tăng.

Các độc giả lâu năm của THX, cả bản tiếng Anh và tiếng Trung, đều biết rằng báo này thường cập nhật những báo cáo chính sách quan trọng và thay đổi quan chức nhà nước trên bản tiếng Anh sớm hơn bản tiếng Trung Quốc khoảng một vài giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, lần này, có thể họ đã hiểu nhầm chỉ thị của lãnh đạo ĐCSTQ. Dường như các lãnh đạo không hề muốn thu hút nhiều sự chú ý vào sự kiện này, nhưng điều đó là bất khả thi. Bởi ngay cả khi THX chỉ đơn thuần đăng tải bản dịch tiếng Anh của báo cáo gồm 21 đề xuất sửa đổi Hiến pháp (trong đó việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ là đề xuất thứ 14), thì truyền thông và báo chí nước ngoài vẫn sẽ khai thác và đào sâu vấn đề giới hạn nhiệm kỳ.

Có thể các lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm bởi THX có vị thế đặc biệt, và việc cơ quan này đăng tải thông tin sớm có thể khiến dư luận hiểu nhầm rằng đây là điều các lãnh đạo ĐCSTQ muốn nhấn mạnh và tuyên bố với thế giới.

Trung Quốc im lặng

Bất luận lí do của các lãnh đạo Trung Quốc là gì, thì việc muốn giữ im lặng về một trong những thay đổi quan trọng nhất đối với chính trị nước này đều sẽ phản tác dụng.

Tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 được tổ chức hồi tháng 10/2017, ông Tập Cận Bình đã tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSTQ trong nhiệm kỳ thứ 2. Đồng thời, đại hội này cũng đã thông qua đề xuất đưa “Tư tưởng Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” vào Hiến pháp.

Hôm 11/3 vừa qua, Quốc hội Trung Quốc lại tiếp tục thông qua đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước, nghĩa là ông Tập sẽ được tiếp tục tại nhiệm sau năm 2023 và có thể lâu hơn nữa. Điều này khiến giới phân tích khá bất ngờ, bởi họ nghĩ rằng đề xuất này sẽ được đưa ra trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ 2 của ông Tập.

Trong phiên khai mạc Nhân Đại hôm 5/3, ông Vương Thần, Phó Chủ tịch Nhân Đại đã báo cáo trước toàn thể đại hội rằng chính ông Tập Cận Bình đã đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong cuộc họp của Bộ Chính trị hồi tháng 9/2017, trước khi Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 diễn ra.

Ông Vương Thần cho biết, sau Đại hội Đảng lần thứ 19, ĐCSTQ đã tổ chức các cuộc tham vấn nội bộ để kêu gọi sự đồng thuận và ủng hộ từ các quan chức cấp cao. Ông này cũng cho rằng các thay đổi trong Hiến pháp sẽ giúp duy trì quyền lực của người lãnh đạo, điều này có lợi cho việc củng cố và cải tiến hệ thống lãnh đạo của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông này không hề nhắc đến lợi ích của việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với sự phát triển quốc gia.

Sau vấn đề của THX, các cơ quan ngôn luận Trung Quốc đã hạn chế đưa tin về quyết định này. Hôm thứ Tư (6/3) vừa qua, các đại biểu tham dự Nhân Đại và Chính Hiệp đã tiến hành thảo luận kín về những đề xuất thay đổi Hiến pháp và không có sự xuất hiện của báo giới.

Một trong những hình ảnh ít ỏi xuất hiện trên các kênh truyền thông là ông Tập cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác lên tiếng nhất trí ủng hộ những thay đổi này, và khẳng định chúng thể hiện ý chí của ĐCS và nhân dân Trung Quốc.

Dường như các nhà chức trách Bắc Kinh đang rất thận trọng trong việc kiểm duyệt các thông tin và ý kiến bình luận được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

TQ im lặng, phương Tây đưa tin rầm rộ

Sự im lặng của Trung Quốc trái ngược hẳn với những thông tin rầm rộ được truyền thông phương Tây đăng tải.

Tuy nhiên, phản ứng kì lạ nhất có lẽ phải kể đến lời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump đã công khai ca ngợi đề xuất của ông Tập, thậm chí còn muốn thử áp dụng đề xuất ấy tại Mỹ.

Đến nay, cơ quan ngôn luận trung ương vẫn khá im lặng trước những bình luận trên báo chí phương Tây.

Nếu phía Trung Quốc tiếp tục im lặng, phương Tây có thể “được nước lấn tới” và tìm cách kiềm chế Trung Quốc.

Mới đây, một số chính trị gia Mỹ có ảnh hưởng và nhà phân tích đã lập luận rằng việc cho phép Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một sai lầm. Theo họ, Trung Quốc đã nhận được quá nhiều quyền lợi để phát triển kinh tế, trong khi chưa thực hiện được những cam kết mở cửa thị trường theo WTO.

Còn trong báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia được Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 1 năm nay, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc phá hoại trật tự quốc tế và sử dụng chiêu “kinh tế săn mồi để ép buộc tái định hình trật tự các nước láng giềng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm phục vụ lợi ích riêng.

Hiện tại, ông Trump đang tập trung vào khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc, tuy nhiên, về lâu dài, chính sự “thâm hụt niềm tin” của các nước phương Tây và các nước láng giềng (Mỹ, Ấn Độ) đối với Trung Quốc mới tiềm ẩn nhiều vấn đề lớn về địa chính trị.

RELATED ARTICLES

Tin mới