Các kế hoạch cho cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong năm nay sẽ giảm những rủi ro đối với sự an toàn trên Biển Đông, một điểm nóng tại châu Á, các chuyên giá tin rằng đề xuất này có thể xoa dịu nỗi lo sợ về vai trò thống trị của Bắc Kinh trong vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tư liệu: Tấm ảnh chụp ngày 21/4/2017 cho thấy một phi đạo, nhiều cấu trúc và tòa nhà trên đảo nhân tạo Subi do TQ xây tại quần đảo Trường Sa.(AP Photo/Bullit Marquez, File)
Một tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Singapore, nước nắm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, cho biết là tại một cuộc họp hồi tháng 2, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN “hoan nghênh” triển vọng tổ chức tập trận hàng hải với Trung Quốc trước cuối năm 2018. Theo tuyên bố này thì các bộ trưởng ASEAN đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn một cách “không chính thức”.
Fabrizio Bozzato, một chuyên gia về các vấn đề Đông Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, đánh giá xác xuất diễn ra cuộc tập trận chung trong năm nay là rất cao.
“Lần này, Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách tăng sự tự tin và vai trò của ASEAN, lấy hiệp hội các nước Đông Nam Á làm nền tảng cho cuộc đối thoại, là giải pháp chọn lựa của Trung Quốc.”
Giảm nguy cơ xảy ra xung đột
Nhiều binh sĩ hải quân đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam vào những năm 1974 và 1988. Và năm 2014, tàu Trung Quốc và Việt Nam đâm vào nhau sau khi Trung Quốc lôi một tàu khoan dầu nước sâu vào Biển Đông, nơi Việt Nam coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Làm giảm rủi ro xảy ra một cuộc xung đột mới dẫn tới chương trình nghị sự chính trị Trung Quốc-ASEAN hồi năm ngoái, khi lãnh đạo các nước đồng ý thiết lập một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông. Bộ quy tắc này, bước tiến kế tiếp của Tuyên bố ký kết năm 2002, vạch ra những cách đề có thể ngăn ngừa những tai nạn trên biển. Dự kiến các bên sẽ ký văn kiện này trong năm nay.
Theo nhà nghiên cứu Bozzato thì một cuộc tập trận chung sẽ góp phần củng cố bộ quy tắc ứng xử. Giới phân tích tin rằng các nước sẽ phái các sĩ quan quân đội ưu tú nhất tới dự cuộc tập trận, mô phỏng một cuộc xung đột trên vùng biển rộng 3,5 triệu cây số vuông kéo dài từ Borneo đến Hồng Kông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippine Delfin Lorenzana trong tháng này gợi ý nên bắt đầu với một cuộc tập trận “trên bàn”, có nghĩa là mô phỏng các tình huống khẩn cấp mà không đưa tàu ra biển.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của trường Đại học New South Wales, Úc, nói: “Các cuộc tập trận nên tạo cơ hội cho các nước trao đổi kỹ năng để dập tắt hỏa hoạn và giải cứu người sau các vụ va tàu, đồng thời giúp xây dựng các mối quan hệ giữa các giới chức quân đội mà sau này có thể gặp nhau trong một vụ đụng độ trên biển, và nhờ đã có quan hệ với nhau, có thể giải quyết vụ việc nhanh chóng.
Giáo sư Thayer nói: “Về mặt lý thuyết, trong một cuộc khủng hoảng hoặc tình huống bất ngờ, nếu có được sự tin cậy và mọi người biết họ đang đối phó với ai, thì đó được coi là một phần quan trọng về mặt quân sự, và đối với các con tàu, thì lại càng quan trọng hơn nữa bởi vì các tàu này ở trong tình trạng bị cô lập hơn so với các đơn vị trên mặt đất.”
Giáo sư Thayer nói Trung Quốc đã nhanh chóng hưởng ứng đề nghị tập trận chung để tăng sự tự tin của các nước và bảo vệ tàu thuyền của mình. Theo ông Thayer thì các cuộc tập trận này được Trung Quốc coi là một “vụ thu hoạch sớm” trong quan hệ hợp tác dài hạn với khối ASEAN.
Nếu bị Trung Quốc tấn công trên biển, các nước Đông Nam Á có thể quay sang Hoa Kỳ để xin hỗ trợ. Washington không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng thường xuyên phái tàu chiến vào vùng biển này để khẳng định lập trường rằng Biển Đông phải được mở rộng cho tự do hàng hải.
Trung Quốc thường nổi giận khi Hoa Kỳ, nước có sức mạnh quân sự vượt trội Trung Quốc, điều tàu vào Biển Đông. Tháng này, Trung Quốc báo động khi tàu sân bay USS Carl Vinson ghé qua Philippines và Việt Nam.
Ông Jonathan Spangler, Giám đốc một thinktank ở Đài Loan, nói: “Một cuộc tập trận chung giữa các bên đòi chủ quyền vùng biển đang tranh chấp, tự nó, đánh dấu một diễn biến quan trọng trong các quan hệ khu vực”.
Nhưng theo ông, cải thiện các mối quan hệ rộng hơn sẽ mất nhiều thời gian.
“Tất cả đều phụ thuộc vào liệu Trung Quốc và ASEAN có thể giữ được đà tích cực như thế này hay không. Bởi vì các vụ tranh chấp về cơ bản chưa được giải quyết, điều đó có thể khó khăn về lâu về dài.”