Thursday, January 16, 2025
Trang chủBiển nóngHải chiến Gạc Ma: tinh thần quả cảm vì chủ quyền biển...

Hải chiến Gạc Ma: tinh thần quả cảm vì chủ quyền biển đảo

Ba mươi năm sau trận hải chiến Gạc Ma, tình hình đã thay đổi đáng kể. Từ không có tấc lãnh thổ nào ở Trường Sa, Trung Quốc đến nay đã xây dựng được những tiền đồn kiên cố phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự. Sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng, củng cố thêm tham vọng độc chiếm, bá quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, quân và dân Việt Nam không vì đó mà lung lạc ý chí, cần noi theo tấm gương quả cảm của các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam trong trận hải chiến Gạc Ma để cùng nhau đoàn kết, quyết tâm bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Vị trí của Gạc Ma

Gạc Ma là một rạn đá ngầm màu nâu được bao bọc bởi vành đai san hô trắng nằm ở đầu mút phía Nam cụm Sinh Tồn, trung tâm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đa phần đá này chìm dưới nước, chỉ có vài đá nổi lên mặt nước. Trung Quốc, Đài Loan và Philippines cũng yêu sách đối với Gạc Ma.

Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc ngày 12/7/2016 khẳng định Gạc Ma là đá không đủ điều kiện cho người dân sinh sống hoặc có điều kiện kinh tế riêng theo điều 121(1) của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 nên chỉ có 12 hải lý lãnh hải, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Tinh thần dân tộc trong trận hải chiến Gạc Ma

Đầu năm 1988, trong lúc Việt Nam bảo vệ các thực thể ở Trường Sa, Trung Quốc đưa quân chiếm Chữ Thập (31/1), Châu Viên (18/2), Ga Ven (26/2), Tư Nghĩa (28/2) và Xu Bi (23/3). Sau đó, Trung Quốc điều các tàu chiến hoạt động ở Trường Sa, có lúc lên đến 9-12 tàu gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháp, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pô tông lớn.

Trước tình hình đó, hải quân Việt Nam cử tàu vận tải HQ-604ra bảo vệ Gạc Ma (11/3), tàu HQ-605ra bảo vệ Len Đao (12/3) và tàu HQ-505 từ đảo Đá Lớn tiến đến hỗ trợ Gạc Ma và giữ Cô Lin (13/3) trước mưu đồ mở rộng xâm chiếm ở Trường Sa của Trung Quốc.

Đúng như dự liệu, Trung Quốc tiến hành đánh chiếm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Ngày 14/3/1988, trận hải chiến Gạc Ma diễn ra ác liệt. Trung Quốc điều 03 tàu khu trục trang bị đầy đủ hỏa lực đại bác cỡ lớn có thể bắn vào mục tiêu cách xa 10km, gồm tàu 502 Nam Sung (nặng 1.400 tấn, trang bị 3 pháo 100 mm và 8 pháo 37 m), tàu 556 Tương Đàm (nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 2 pháo 37 mm) và tàu 531 Ưng Đàm (nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 8 pháo 37 mm) đến Gạc Ma. Binh lính của Trung Quốc khiêu khích nổ súng tấn công tàu và chiến sỹ Việt Nam đang xây dựng tại Gạc Ma.

Trong khi đó, 03 tàu vận tải HQ-604, HQ-505 và HQ-605của Việt Nam chỉ có trọng lượng 500 tấn và không có vũ trang nên không thể chống chọi tàu khu trục của Trung Quốc. Các thủy thủ của Việt Nam chỉ có súng AK-47 và RPG-7 tầm bắn chỉ được vài trăm mét, chỉ có thể bắn xuồng đổ bộ của Trung Quốc.

Với tương quan sức mạnh chênh lệch như vậy, Trung Quốc hoàn toàn chiếm thế áp đảo. Trung Quốc cưỡng chiếm được Gạc Ma. 64 chiến sỹ Việt Nam anh dũng hy sinh. Tàu HQ-604 bị tàu hộ vệ của Trung Quốc bắn cháy và chìm gần Gạc Ma. Tàu HQ-650 chìm gần Len Đao. Tàu HQ-505 bị bắn vào đuôi, chạy về phía Cô Lin và bị cháy.

Tuy không giữ được Gạc Ma, nhưng các chiến sỹ hải quân Việt Nam đã kiên cường bám trụ, quyết hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ được Cô Lin và Len Đao. Các chiến sỹ hải quân Việt Nam đã chặn đứng đà xâm chiếm của Trung Quốc ở Trường Sa. Đến nay, Việt Nam giữ vững 21 đảo và 33 điểm đóng quân ở Trường Sa.

Tinh thần chiến đấu quả cảm của các chiến sỹ hải quân Việt Nam trong trận Gạc Ma phản ánh truyền thống quật cường của dân tộc Việt Nam nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Quyết không lùi bước

Sau 30 năm từ trận hải chiến Gạc Ma, sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc tăng nhiều. Từ năm 2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, năm 2017 GDP tăng 6,9%, và dự báo vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới vào năm 2030.

Sức mạnh về kinh tế tăng mạnh kéo theo tham vọng biển của Trung Quốc gia tăng. Trung Quốc thấy cần phải trở thành một “cường quốc biển” để vươn ra thế giới. Để hiện thực hóa tham vọng này, Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến Vành đai và Con đường, lấy đây làm công cụ chính khuếch trương sức mạnh và ảnh hưởng, mua chuộc các nước liên quan. Từ giữa năm 2016, các công ty của Trung Quốc đã công bố những khoản đầu tư trị giá khoảng 20 tỷ USD vào các cảng lớn ở nước ngoài. Đến tháng 9/2017, các công ty của Trung Quốc đã nắm quyền đầu tư hoặc sở hữu cảng biển tại 34 quốc gia.

Đồng thời, Trung Quốc tăng cường mở rộng kiểm soát và biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình. Bên cạnh việc xâm chiếm các cấu trúc bằng quân sự, Trung Quốc còn sử dụng chiết thuật “cải bắp”, phối hợp các lực lượng hải quân, hải cảnh và tàu cá (gồm tàu cá ngụy trang) để xâm nhập vào vùng biển nhạy cảm nơi đường lưỡi bò chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển khác. Một số sự kiện tiêu biểu có thể kể đến là việc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (2014), tàu hải cảnh giải phóng tàu cá bị Indonesia bắt giữ được cho là đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Natuna của Indonesia (3/2016) và 100 tàu cá của Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần bãi cạn Luconia thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia (3/2016).

Những hành động này không gây ra cuộc chiến cục bộ giống như trường hợp Gạc Ma. Nhân tố giúp giữ căng thẳng không bùng phát thành xung đột nóng là do sự kiềm chế của các nước ven biển khác. Hải quân của Trung Quốc luôn thường trực phía sau, sẵn sàng tham chiến nếu lực lượng ven biển của các nước khác manh động. Bên cạnh đó, Trung Quốc cải tạo mạnh các thực thể chiếm đóng ở Trường Sa, biến thành các căn cứ lưỡng dụng, phục vụ phát huy sức mạnh từ xa và làm thay đổi cán cân lực lượng ở Biển Đông.

Tuy nhiên, dù trong bất cứ bối cảnh nào và dù đối phương có mạnh đến cỡ nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không vì đó mà e sợ. Dù sức mạnh của Trung Quốc ngày một tăng, nhưng Trung Quốc cũng phải chùn bước trước một dân tộc quật cường. Bài học Gạc Ma cho thấy tinh thần quả cảm của các chiến sỹ Việt Nam trong trận hải chiến Gạc Ma cần được đẩy cao tạo mặt trận lòng dân vững chắc, quyết tâm bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới