Thursday, January 16, 2025
Trang chủBiển nóngTrường Sa và câu chuyện sức mạnh của ASEAN

Trường Sa và câu chuyện sức mạnh của ASEAN

Ngày 14/3/1988 là một ngày vô cùng đặc biệt đối với nhiều người Việt Nam. Khi các chiến sĩ công binh đang trên đường tới một số cấu trúc tại Trường Sa để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại khu vực này, hải quân Trung Quốc đã tấn công các chiến sĩ công binh, 64 chiến sĩ của Việt Nam đã hy sinh trong sự kiện này.

Sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988

Trung Quốc đã thấy được vai trò của biển và đại dương trong việc phát triển quyền lực chính trị của họ, Tôn Trung Sơn đã từng viết rằng: “Ai chi phối biển cả thì người ấy sẽ chi phối được thương mại thế giới, ai chi phối thương mại thế giới người ấy sẽ chi phối nguồn tài nguyên khổng lồ của thế giới, ai chi phối được nguồn tài nguyên khổng lồ ấy thì chi phối được cả thế giới… Phải gia tăng công nghiệp đóng tàu để mở rộng lực lượng hải quân, hãy dùng lực lượng hải quân của chúng ta để trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới. Cách duy nhất để Trung Quốc thịnh vượng là phát triển vũ khí quân sự”.

Dưới cách nhìn đó, Trung Quốc đã luôn tận dụng cơ hội để chi phối các khu vực biển, thậm chí dùng vũ lực để lấn lướt.

Biển Đông là khu vực quan trọng nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và là khu vực biển rất giàu tài nguyên. Hơn nữa nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tại khu vực này cũng rất phong phú. Chỉ tính riêng khu vực Trường Sa, phía Mỹ ước tính trữ lượng khoảng 5,4 triệu thùng dầu, hàng tỉ m3 khí gas; còn phía Trung Quốc ước tính trữ lượng là 125 tỉ thùng dầu, 500 ngàn tỉ m3 khí gas.

Chính vì nguồn tài nguyên giàu có của Biển Đông cùng với việc kiểm soát được khu vực biển này sẽ đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới nên khu vực biển này luôn bị Trung Quốc dòm ngó.

Trung Quốc luôn ngụy biện là họ đã có chủ quyền trên khu vực biển này hàng ngàn năm nay, nhưng cho đến trước năm 1988, Trung Quốc không có bất kỳ sự hiện diện nào tại khu vực quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cảm thấy bất lợi khi không kiểm soát bất kỳ cấu trúc nào tại khu vực Trường Sa. Chính vì vậy, từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã nỗ lực cho hải quân xâm chiếm bất hợp pháp nhiều cấu trúc trên quần đảo Trường Sa. Lúc này, mặc dù đang trong tình trạng khó khăn, nhưng Việt Nam đã cố gắng cho các đội công binh đi xây dựng tại Trường Sa, và trong bối cảnh đó, đã dẫn tới sự đụng độ giữa hải quân Trung Quốc và công binh Việt Nam, cuối cùng đã dẫn đến sự kiện hải quân Trung Quốc đã thảm sát 64 chiến sĩ công binh Việt Nam và chiếm đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.

ASEAN và COC

Sự kiện Gạc Ma cho thấy Trung Quốc luôn có xu hướng dùng vũ lực để tấn công, giành lợi thế trên các khu vực biển quan trọng.

Trong sự kiện Gạc Ma 1988, các nước ASEAN và thế giới đã bị truyền thông Trung Quốc dẫn dắt và thao túng, cho rằng đây chỉ là xung đột nội bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nên không hề lên tiếng.

Sau khi Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực tấn công và chiếm bãi Vành Khăn từ tay quân đội Philippines năm 1995, lúc này ASEAN mới bừng tỉnh, sau đó ASEAN đã tạo sức ép ngoại giao, và Trung Quốc – từ vị trí không kiểm soát cấu trúc nào trên Trường Sa, đã chiếm đoạt và kiểm soát thành công bảy cấu trúc tại quần đảo này, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ASEAN ký kết một bản Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC 2002), để chứng tỏ với thế giới là Trung Quốc “luôn sẵn sàng thỏa hiệp” nhưng chỉ khi Trung Quốc đã chiếm lợi thế.

Trong suốt những năm gần đây, Trung Quốc luôn có những hành động gây căng thẳng trên biển Đông, đe dọa các quốc gia khác, ví dụ như cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam năm 2011, dùng chiến thuật “cải bắp” để giành quyền kiểm soát Scarborough của Philippines… Đặc biệt, năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt một giàn khoan khổng lổ vào ngay vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rồi năm 2017 đe dọa, buộc tàu thăm dò dầu khí của công ty Repsol phải rút khỏi khu vực thăm dò trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Song song với các hành động đó, từ năm 2014 đến nay, tại 7 cấu trúc mà Trung Quốc đã chiếm đoạt bất hợp pháp ở Trường Sa, Trung Quốc đã bồi lấp hàng trăm ngàn m2 để biến các cấu trúc này thành các căn cứ quân sự hiện đại nhằm mục đích dùng sức mạnh quân sự để chi phối khu vực biển này. Mặc dù phán quyết của Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc đã khẳng định rằng việc Trung Quốc có các hành động ngăn chặn, đe dọa các tàu của Philippines trên vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là vi phạm Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, cũng như việc Trung Quốc bồi lấp các cấu trúc tại Trường Sa thành các đảo nhân tạo là vi phạm luật pháp quốc tế, tàn phá môi trường biển khu vực này, nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả.

Trước sự hung hăng của Trung Quốc, các nước ASEAN đã muốn cùng nhau buộc Trung Quốc ký kết một văn bản pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng xung đột leo thang tại khu vực biển Đông. Văn bản này chính là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Mặc dù Trung Quốc và ASEAN đã ký DOC từ năm 2002, nhưng việc ký kết một COC hiện chưa thể tiến hành, chủ yếu là do Trung Quốc cố tình trì hoãn và một số thành viên ASEAN khác cũng không coi đây là một vấn đề cấp bách.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Trung Quốc muốn ký COC vì các lý do sau: Thứ nhất, sau khi đã bồi lấp và quân sự hóa nhiều cấu trúc địa lý trên Biển Đông mà họ đang kiểm soát, Trung Quốc tỏ ra muốn hòa hoãn, nhằm tiếp tục ve vãn các nước ASEAN tham gia vào Sáng kiến “Vành đai và con đường” của họ. Mặt khác, do Trung Quốc đã hoàn tất việc quân sự hóa nên thông qua COC, họ có thể ngăn cản các quốc gia khác làm giống họ. Thêm vào đó, thông qua COC, Trung Quốc có thể củng cố các lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, hợp pháp hóa những yêu sách của họ và giảm bớt sự quan tâm hay can thiệp của cộng đồng quốc tế. Cuối cùng, Bắc Kinh nhận thức được rằng COC sẽ không gây bất lợi cho những lợi ích chủ chốt của họ bởi đây không phải là một công cụ pháp lý được chỉ định để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc vẫn đang cố tình trì hoãn việc ký kết COC vì họ muốn buộc các nước ASEAN phải nhượng bộ các yêu cầu của họ nhằm tiếp tục gia tăng vị thế của mình trên Biển Đông.

Vai trò của ASEAN là rất quan trọng trong vấn đề Biển Đông. ASEAN phải chứng tỏ cho thế giới thấy được sự vững vàng trước tình trạng hung hăng của Trung Quốc. Toàn bộ ASEAN cần đoàn kết, thống nhất để vượt qua các thử thách. Điều này liên quan tới các cuộc đàm phán đang diễn ra hướng tới COC. Nếu Trung Quốc ủng hộ việc ký kết COC, thì ASEAN phải đảm bảo các thỏa thuận cụ thể nhằm đảm bảo sự tuân thủ của Trung Quốc…

Nếu ASEAN kiên quyết vì lợi ích của cả khối, thì dù Trung Quốc có mạnh mẽ, hung hăng đến đâu cũng sẽ phải chùn bước. Vì thế, hy vọng trong thời gian sắp tới, ASEAN sẽ thể hiện được sức mạnh đoàn kết của mình, thông qua những quyết sách thực chất và hiệu quả, để bảo vệ và giữ vững lợi ích của toàn khối tại khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới