Một quan chức Nga vừa lên tiếng tố cáo phương Tây đang phát động một chiến dịch lớn với mục tiêu nhằm đá Nga ra khỏi Hội đồng Bảo an – cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc.
Bình luận về việc Anh đang đổ mọi tội lỗi cho Nga về vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal, Thượng nghị sĩ Nga Sergey Kalashnikov cho rằng, phương Tây đang phát động một chiến dịch quy mô lớn nhằm loại bỏ Nga ra khỏi Hội đồng Bảo an – cơ quan chính trị quan trọng nhất trong Liên Hợp Quốc.
“Phương Tây đang phát động chiến dịch lớn nhằm loại Nga ra khỏi Hội đồng Bảo an. Nga hiện tại đang là một người chơi khó chịu đối với các nước phương Tây, và điều này giải thích cho tất cả những cuộc tấn công gần đây nhằm vào đất nước chúng tôi”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Kalashnikov cáo buộc.
Thượng nghị sĩ Nga tin rằng, để loại bỏ vị trí của Nga, sẽ có một nỗ lực nhằm tìm cách cải tổ cơ quan chính của Liên Hợp Quốc – Hội đồng Bảo an. Hội đồng Bảo an là cơ quan có nhiệm vụ duy trì an ninh và hòa bình quốc tế. Vị Thượng nghị sĩ Nga nhắc lại rằng, Liên Xô và giờ đây là Nga là một phần không thể thiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ khi tổ chức lớn nhất thế giới này được thành lập năm 1946.
Trước đó, ngày hôm qua (14/3), trong một phiên họp Quốc hội, nghị sĩ Đảng Lao động của Anh – ông Chris Leslie đã đề cập với Thủ tướng Anh May về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm giới hạn các quyền của Nga trong cơ quan này.
Ông Leslie đưa ra lập luận rằng, Nga “ngày càng trở nên giống với một nước gây rối” và rằng “chúng ta hiện tại cần phải bắt đầu nói đến một cuộc cải tổ” trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Nga không thể được phép ngồi đó cho đẹp, thò mũi vào phần còn lại của cộng đồng thế giới và cảm thấy rằng họ được miễn không phải thực thi luật pháp quốc tế”, nghị sĩ Leslie gay gắt nói.
Thủ tướng May đáp lại bằng phát biểu, ông Leslie không phải là người duy nhất nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có những thay đổi trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bà này cam kết rằng “đó sẽ là một điều mà chúng ta sẽ phải xem xét”.
“Chúng tôi đã nói với Liên Hợp Quốc về vấn đề cải tổ đối với cơ quan này trong một loạt khía cạnh. Tất nhiên, bất kỳ quyết định nào đều cần phải được Hội đồng Bảo an thông quan thì mới có thể tiến hành. Và cũng là điều tất nhiên khi nó có thể là chủ đề bị Nga dùng quyền phủ quyết bác bỏ”, Thủ tướng Anh bày tỏ.
Trước đó cùng ngày, chính phủ Anh cho hay, họ đang yêu cầu Hội đồng Bảo an tiến hành một cuộc họp khẩn về vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Vụ việc này đang gây lùm xùm trong quan hệ không chỉ của riêng Nga với Anh mà của cả Nga với phương Tây.
Hồi đầu tháng này đã xảy ra một vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh ở Salisbury, cách thủ đô London khoảng 154km. Nạn nhân của vụ đầu độc là cựu điệp viên hai mang của Nga – ông Sergei Skripal và con gái ông này. Ông Skripal và con gái được tìm thấy bất tỉnh nhân sự trên một chiếc ghế đá ngoài công viên. Gần hai chục người đã phải điều trị y tế vì có liên quan đến vụ đầu độc. Giới chức tin rằng, số người bị nhiễm độc từ vụ việc có thể lên tới 500 người.
Ông Skripal – nạn nhân của vụ đầu độc, từng làm việc cho một cơ quan tình báo quân sự của Nga và sau đó là Bộ Ngoại giao Nga. Ông này bị bắt ở Moscow năm 2004 và đã thú nhận bị cơ quan tình báo Anh lôi kéo làm việc cho họ gần 10 năm trước. Ông này bị kết án 13 năm tù vào năm 2006, nhưng đã được tha tội như một phần của kế hoạch trao đổi điệp viên giữa Mỹ và Nga.
Con gái 33 tuổi của ông Skipal được cho là người thân duy nhất còn sống của ông này sau khi vợ và con trai ông chết.
Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, “rất có khả năng” Nga đã tiến hành vụ đầu độ. Bà May cho biết, chất độc được sử dụng là Novichok – một loại chất độc thần kinh cấp độ quân sự được Liên Xô phát triển vào những năm 1970.
“Chúng tôi sẽ không dung thứ cho một hành động giết hại dân thường vô tội một cách trắng trợn như vậy trên đất của chúng tôi”, Thủ tướng Anh gay gắt tuyên bố.
Nga cho biết, họ để ngỏ khả năng hợp tác với Anh trong vụ đầu độc Skripal nếu vụ án được tiến hành điều tra đúng theo luật quốc tế và Moscow được đối xử công bằng như một đối tác trong cuộc điều tra. Nga cũng chính thức đề nghị phía Anh cung cấp mọi bằng chứng liên quan đến vụ việc nhưng lời yêu cầu này đã bị từ chối.