Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNhật sẽ sớm có tàu sân bay mang F-35B, liên tiếp hạ...

Nhật sẽ sớm có tàu sân bay mang F-35B, liên tiếp hạ thủy chiến hạm và tàu ngầm

Chính phủ Nhật Bản quyết định năm nay sửa đổi Đại cương kế hoạch phòng vệ, tập trung vào vấn đề triển khai các trang bị có khả năng tấn công căn cứ đối phương như tàu sân bay.

Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina

Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy sửa đổi Đại cương kế hoạch phòng vệ, đề cập đến máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) đã đưa ra dự thảo kiến nghị yêu cầu mua sắm máy bay chiến đấu tiên tiến nhất có khả năng cất hạ cánh cự ly ngắn – trang mạng hiệp hội truyền thanh Nhật Bản gần đây đã tiết lộ như vậy.

Tiêu điểm quan tâm của kế hoạch này là việc triển khai những trang bị “có khả năng tấn công căn cứ đối phương” như tàu sân bay. Trong bối cảnh này, Ủy ban khảo sát bảo đảm an ninh của Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản đưa ra bản dự thảo kiến nghị.

Bản dự thảo chỉ ra, quốc gia bán đảo (Triều Tiên) phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Trung Quốc mở rộng hoạt động trên biển, môi trường an ninh của Nhật Bản đã trở nên nguy hiểm lớn nhất sau Chiến tranh, do đó cần thực hiện thể chế phòng vệ “thông dụng, có hiệu quả thực tế” thế hệ mới.

Khi đề cập đến máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, bản dự thảo đề nghị mua sắm máy bay chiến đấu tiên tiến nhất có thể cất hạ cánh cự ly ngắn, đồng thời yêu cầu cải tạo các tàu sân bay trực thăng như Izumo để thực hiện cất hạ cánh máy bay chiến đấu trên tàu.

Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản dự định trình dự thảo kiến nghị lên chính phủ Nhật Bản vào tháng 5/2018. Xung quanh vấn đề mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình F-35B và cải tạo thành tàu sân bay, đảng đối lập vẫn có tiếng nói phản đối cho rằng những việc làm này đi ngược lại quan điểm “chuyên phòng vệ”. Trong thời gian tới, nội dung dự thảo kiến nghị sẽ được đảng cầm quyền và đảng đối lập thảo luận.

Ngoài tàu sân bay, gần đây, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã được biên chế liên tiếp những tàu nổi, tàu ngầm mới. Theo tờ Jane’s Defense Weekly Anh, vào ngày 7/3, trong một buổi lễ tổ chức ở tỉnh Nagasaki, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã biên chế chiếc tàu khu trục tên lửa lớp Asahi đầu tiên.

Lực lượng Phòng vệ Biển cho biết chiếc tàu chiến dài 151 m này có tên là JS Asahi số hiệu 119, cách đây không lâu được bàn giao từ hãng đóng tàu Công nghiệp nặng Mitsubishi, hiện đã biên chế cho hạm đội hộ vệ số 2, Lực lượng Phòng vệ Biển đóng ở Sasebo. Tàu JS Asahi hạ thủy vào tháng 10/2016, bắt đầu chạy thử vào giữa năm 2017.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản dự tính sẽ sở hữu tổng cộng 4 tàu khu trục lớp Asahi. Chiếc thứ hai lớp Asahi là JS Shiranui DD-120 đã hạ thủy vào ngày 12/10/2017.

Căn cứ vào Niên giám tàu chiến Jane’s, lượng giãn nước tiêu chuẩn của tàu khu trục lớp Asahi là 5.100 tấn, sử dụng hệ thống đẩy điện tua bin khí phức hợp, gồm 2 tua bin chạy ga của công ty General Electric.

Tàu khu trục lớp Asahi có thể đạt tốc độ cao nhất là 30 hải lý/giờ, có thể mang theo 230 người, sàn tàu có thể mang theo 1 máy bay trực thăng săn ngầm Mitsubishi SH-60.

Tàu khu trục lớp Asahi đã trang bị một khẩu pháo Mk45 127 mm và 2 hệ thống pháo phòng thủ gần 20 mm Mk15 Phalanx. Tàu lớp này đã lắp thiết bị phóng có thể phóng tên lửa chống hạm Type 90 và tên lửa phòng không RIM-162B cải tiến Sea Sparrow Block 1.

Ngoài ra, ngày 12/3, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản còn tổ chức lễ biên chế tàu ngầm diesel-điện loại tấn công lớp Soryu thứ chín ở tỉnh Hyogo, miền trung Nhật Bản.

Lực lượng Phòng vệ Biển cho biết tàu ngầm dài 84 m này có tên là JS Seiryu số hiệu SS-509 được hãng đóng tàu công nghiệp nặng Mitsubishi bàn giao cách đây không lâu, nay biên chế cho hạm đội tàu ngầm số 2 của Lực lượng Phòng vệ Biển đóng ở Yokosuka.

Tàu ngầm JS Seiryu hạ thủy vào tháng 10/2016, là tàu ngầm lớp Soryu thứ 5 do công ty công nghiệp nặng Mitsubishi chế tạo.

Tàu ngầm lớp Soryu thứ 10 là JS Shoryu số hiệu SS-510 hạ thủy vào tháng 11/2017, do công ty công nghiệp nặng Kawasaki chế tạo. Công ty Kawasaki đã chế tạo 4 chiếc tàu ngầm lớp Soryu khác, tàu JS Shoryu dự tính sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2019.

Lực lượng Phòng vệ Biển có kế hoạch đến tháng 3/2021 sở hữu tổng cộng 12 tàu ngầm lớp Soryu. Ngân sách năm tài khóa 2016 Nhật Bản đã phê chuẩn tài chính cho chiếc tàu ngầm thứ 12.

Căn cứ vào Niêm giám tàu chiến Jane’s, tàu ngầm lớp Soryu rộng 9,1 m, độ sâu mớn nước của thân tàu là 8,4 m, lượng giãn nước khi nổi là 2.947 tấn, lượng giãn nước khi lặn là 4.100 tấn, tốc độ khi lặn cao nhất có thể đạt 20 hải lý/giờ, tốc độ khi nổi cao nhất là 12 hải lý/giờ.

Tàu ngầm lớp Soryu trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể phóng ngư lôi hạng nặng Type 89 do Nhật Bản nghiên cứu phát triển. Mỗi chiếc tàu ngầm còn có thể phóng tên lửa chống hạm tầm trung UGM-84C Harpoon đối với tàu chiến mặt nước đối phương.

Những động thái phát triển trang bị mang tính “tấn công” của Nhật Bản luôn gây lo ngại và bị Trung Quốc theo dõi chặt chẽ. Nhìn ở góc độ Nhật Bản thì nước này phải tiếp tục tăng cường sức mạnh phòng vệ để thực hiện “cân bằng” với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới