Theo Hiến pháp Liên bang Nga, Tổng thống Nga vừa là Nguyên thủ quốc gia, vừa là người nắm quyền hành pháp cao nhất và điều hành hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước.
Ảnh: CNN/Getty Images.
Điều 80 trong Hiến pháp quy định nhiệm vụ chính của người chủ điện Kremlin là bảo vệ nhân quyền, dân quyền và tự do của công dân Nga, đồng thời bảo vệ an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga.
Khi nhậm chức, Tổng thống Nga sẽ đặt tay phải lên Hiến pháp Liên bang và trịnh trọng tuyên thệ:
“Tôi xin thề sẽ sử dụng quyền lực của Tổng thống Liên bang Nga để bảo vệ các quyền và tự do của nhân dân, tuân thủ và bảo vệ Hiến pháp của Liên bang Nga để bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, và trung thành phục vụ nhân dân”.
Vậy, Tổng thống Nga sở hữu trong tay những quyền lực gì để thực hiện lời tuyên thệ đó?
Quyền hành pháp
Hiến pháp Nga trao quyền quyết định các chính sách đối ngoại và đối nội của đất nước cho Tổng thống – người đích thân giám sát việc thực hiện các chính sách đối ngoại của Nga, tiến hành đàm phán, kí kết các hiệp ước quốc tế và phê chuẩn các văn kiện. Tổng thống Nga có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm các đại sứ ở nước ngoài với sự tham vấn của Hội đồng Liên bang.
Tổng thống Nga còn là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tức là người sở hữu chiếc vali hạt nhân quyền lực. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga, Tổng thống có thể áp dụng thiết quân luật trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Tổng thống cần thông báo quyết định này cho Quốc hội – tức Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia (Hạ viện Nga).
Điều 83 của Hiến pháp Nga quy định Tổng thống có quyền đề cử và cách chức Thủ tướng với sự thông qua của Duma Quốc gia và chủ trì các cuộc họp chính phủ. Tương tự, Tổng thống Nga có quyền đề xuất và bãi nhiệm các chức vụ quan trọng khác, bao gồm: Phó Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Liên bang Nga, các bộ trưởng, Thẩm phán Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tối cao, Tổng Chưởng lý, nhân sự trong điện Kremlin, v.v…
Ngoài ra, Tổng thống Nga còn là người thành lập và đứng đầu Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cơ quan phụ trách giám sát các chính sách an ninh và quốc phòng của nước này.
Quyền lập pháp và các quyền khác
Tổng thống Nga cũng được trao nhiều quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, như ban sắc lệnh tổ chức bầu cử hay giải thể Duma quốc gia trước kì hạn. Tổng thống là người phê duyệt các điều luật liên bang, và có thể đề xuất dự thảo luật pháp trước Duma Quốc gia.
Tổng thống Nga có quyền ban hành các sắc lệnh và mệnh lệnh hành pháp áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, các sắc lệnh và mệnh lệnh này cần tuân thủ theo Hiến pháp Nga và luật pháp liên bang Nga.
Ngoài ra, theo Hiến pháp Nga, Tổng thống Nga còn có quyền ban bố tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ nước Nga. Quyết định này chỉ có hiệu lực khi được cả Hội đồng Liên bang và Duma phê chuẩn. Quy định tương tự cũng áp dụng với việc kí kết hiệp ước hòa bình.
Tổng thống Nga cũng có quyền giải quyết các vấn đề về quốc tịch, nhập cư, trao huy chương, huân chương, đồng thời có quyền ân xá và đặc xá cho bất kì người nào ở Nga.
Vị thế của Tổng thống Nga
Như vậy, theo Hiến pháp, Tổng thống Nga là người vô cùng quyền lực, thậm chí còn quyền lực hơn nhiều lần so với Tổng thống Mỹ hay nguyên thủ của các quốc gia khác.
Tổng thống Nga vừa là người đứng đầu nhà nước, nhà hoạch định chính sách đối ngoại, an ninh, chỉ huy lực lượng vũ trang, và nắm quyền kiểm soát Chính phủ. Trên thực tế, Văn phòng Tổng thống Nga là cơ quan quyền lực nhất trong hệ thống chính trị nước này.
Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin luôn được bình chọn là nhà lãnh đạo quyền lực và có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Trong 4 năm liên tiếp (từ 2013-2016), ông Putin đã giữ vững vị trí quán quân trong bảng xếp hạng các nhân vật quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes.
Theo Forbes, ông Putin đã phủ sóng ảnh hưởng của nước Nga đến gần như mọi ngõ ngách trên toàn thế giới, từ trong nước đến chiến trường Syria, và cả ở Mỹ.
Nhà báo Fareed Zakania của CNN lại cho rằng quyền lực của nguyên thủ quốc gia được tính bằng sức mạnh của quốc gia đó, và khả năng vị nguyên thủ ấy sử dụng sức mạnh của đất nước, mà không bị các thể chế, đảng phái hay thế lực chính trị khác ngăn trở. Nếu áp dụng định nghĩa này, thì quả thực Tổng thống Putin chính là vị lãnh đạo quyền lực nhất trong các nguyên thủ thế giới.