Hôm 14/3, kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc gây tội ác đẫm máu, chiếm đảo Gạc Ma-quần đảo Trường Sa- của Việt Nam, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng bài: “Trận chiến cuối cùng Trung Quốc đánh, người Việt Nam miêu tả khiến tôi kinh ngạc” của tác giả Bổ Nhất Đao, do Lý Lâm Chi biên tập. Vẫn những luận điệu cũ rích, trắng trợn vu khống Việt Nam.
Bài báo viết: “Ngày này 30 năm về trước, 14/3/1988 đã xảy ra xung đột vũ trang giữa Hải quân Trung Quốc với Hải quân Việt Nam để tranh đoạt quyền kiểm soát bãi đá Gạc Ma (Trung Quốc gọi là đá / mỏm Xích Qua).
Quy mô xung đột không lớn và chỉ diễn ra trong 28 phút rồi kết thúc, Hải quân Trung Quốc đã giành thắng lợi tuyệt đối. Đây là trận chiến cuối cùng mà Trung Quốc đánh. Tuy nhiên sự kiện diễn ra cụ thể như thế nào không phải người Trung Quốc nào cũng nắm rõ”…
Đoạn tiếp theo tiếp tục bịa đặt: “Hãy bắt đầu từ năm 1987, lúc đó Trung Quốc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ủy thác xây dựng 5 trạm quan trắc hải dương, trong đó trạm quan trắc ở Trường Sa đặt tại Chữ Thập (…) Phía Việt Nam lập tức tỏ ra không vui, không ngừng phái hàng loạt tàu thuyền đến quấy rối, thậm chí chớp thời cơ chiếm các đảo, đá.
Hơn 1 giờ sáng ngày 14/3/1988, 7 chiến sĩ của chúng ta vượt sóng đổ bộ lên bãi Gạc Ma và cắm cờ Trung Quốc. Hơn 6 giờ sáng khi thủy triều rút, phía Việt Nam bắt đầu đổ bộ, cũng cắm cờ Việt Nam lên bãi Gạc Ma.
Hai bên vừa tìm cách đoạt cờ đối phương và giữ cờ của mình, binh sĩ hai phía liên tục đối đầu nhau.
Trong quá trình tìm cách đoạt cờ của nhau, quân Việt Nam cướp cò nổ súng bị quân ta tự vệ đánh trả (theo hồi ức của cựu binh Tôn Minh Viễn trực tiếp tham gia trận Gạc Ma).
Toàn bộ cuộc chiến diễn ra vỏn vẹn 28 phút, 3 tàu hộ vệ và 1 binh lính quân ta bị thương là cái giá phải trả để bắn chìm 1 tàu Việt Nam, 1 tàu trọng thương, bắn chết hơn 60 binh lính Việt Nam để giành thắng lợi tuyệt đối”…
“Chỉ huy trận Gạc Ma lúc đó là tham mưu trưởng căn cứ Du Lâm, Trần Vĩ Văn, trong hồi ký của mình cho biết: Lúc đó cấp trên truyền đạt nguyên tắc chiến đấu được tổng kết thành “5 không 1 đuổi”. 5 không là: không chủ động gây sự, không nổ súng trước tiên, không tỏ ra yếu đuối, không chấp nhận thua thiệt, không để mất thể diện; 1 đuổi là, nếu quân địch chiếm các đảo đá của ta, phải lập tức đuổi địch”.
Với sự bịa đặt trắng trợn như thế, Thời báo Hoàn Cầu đã đưa ra “cái bẫy núp danh UNESCO”. Bởi vì, việc Trung Quốc thiết lập 5 trạm quan trắc hải dương, trong đó có trạm quan trắc ở Trường Sa đặt tại đá Chữ Thập theo một thỏa thuận của UNESCO năm 1987. Thỏa thuận này không có nghĩa là UNESCO công nhận yêu sách “chủ quyền” mà Trung Quốc tuyên bố ở Trường Sa.
Còn về vấn đề bên nào nổ súng trước trên bãi Gạc Ma sáng 14/3/1988?
Cho đến nay, hai bên có quan điểm khác nhau.
Chúng tôi cho rằng, dù bên nào nổ súng trước cũng không làm thay đổi bản chất sự kiện là một cuộc thảm sát. Lính Trung Quốc đã nhằm vào 64 chiến sĩ công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tác giả Bổ Nhất Đao và các học giả Trung Quốc đã dựa vào hồi ký của một cựu binh Trung Quốc tham gia sự kiện này để kết luận “ai nổ sung trước”.
Xin trích dẫn một đoạn bình luận của nhà báo Bill Hayton trong sách “Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á” do nhà nghiên cứu Phan Văn Song dịch: “Tối 13/3, Hải quân Việt Nam phái 3 tàu chia nhau đi tới đá Gạc Ma, đá Cô Lin và đá Len Đao. Thật không may cho những người trên tàu, các con tàu cũ rỉ sét này đã bị phía Trung Quốc phát hiện. Lập tức họ đã chạy tới ngăn chặn với một lực lượng lớn hơn và trang bị vũ khí nhiều hơn. Rạng sáng ngày 14/3/1988, Việt Nam chiếm được đá Cô Lin và Len Đao. Hiện tại nước này vẫn duy trì sự kiểm soát ở đó.
Việt Nam đổ bộ trước trên một chiếc thuyền nhỏ chở đầy các dụng cụ xây dựng, và cắm cờ trên san hô. Sau đó quân Trung Quốc đến và đã nhổ bỏ các lá cờ. Hai bên to tiếng với nhau và sau đó xô xát.
Các tường trình phía Trung Quốc nói rằng một lính Việt Nam nổ súng và làm bị thương một lính Trung Quốc, sau đó họ rút lui khi các tàu Việt khai hỏa bằng súng máy.
Phía Việt Nam thì nói ngược lại: Trung Quốc bắn chết phó chỉ huy của lực lượng đổ bộ Việt Nam và rút lui trước khi tàu của họ nổ súng.
Điều này một bộ phim tuyên truyền do Hải quân Trung Quốc công bố năm 2009 để chào mừng kỉ niệm lần thứ 60 của hải quân cho thấy phiên bản của Việt Nam đáng tin hơn!
Sau đó nhiều cột nước lớn tung toé xung quanh các binh sĩ Việt Nam khi tàu Trung Quốc đồng loạt nổ súng.
Trong vài giây hàng người mong manh đã hoàn toàn biến mất. 64 chiến sĩ đã chết trong sóng nước. Các khẩu súng máy là của Trung Quốc và các nạn nhân là Việt Nam.”
Trở lại bài viết của tác giả Bổ Nhất Đao trên Hoàn Cầu và thông tin mà các học giả Trung Quốc nêu ra xung quanh vũ khí, trang bị của Việt Nam chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, họ bác bỏ cụm từ hải quân Việt Nam “tay không tấc sắt”. Có nghĩa là họ vẫn xưng xưng nói rằng hải quân Việt Nam được trang bị vũ khí và nổ súng trước.
30 năm trôi qua. Nhân loại không thể nào quên cuộc thảm sát, cuộc ăn cướp đảo dã man trong lịch sử nửa sau thế kỷ 20 mà kẻ gieo gió chính là chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Thế nhưng trên một tờ báo “nhánh” của Nhân Dân Nhật Báo, họ vẫn xưng xưng đặt điều cho Việt Nam. Liệu có sự đê tiện nào hơn thế. Không chỉ đê tiện, đó là tội ác!