Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCải cách cơ cấu chính phủ TQ thời ông Tập có thoát...

Cải cách cơ cấu chính phủ TQ thời ông Tập có thoát “cái dớp” hơn 10 lần trước đó?

Ngày 18/3 và 19/3/2018, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc Khóa 13 đã thông qua cơ cấu Chính phủ mới gồm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Ủy viên quốc vụ và các Bộ, Ủy ban, cơ quan ngang Bộ.

(Ảnh: Reuters/J.Lee)

Đây là cải cách cơ cấu lớn nhất từ trước tới nay nhằm đảm bảo Trung Quốc thực hiện được mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa”, đặt ra tới giữa thế kỷ này.

Đặc điểm cải cách cơ cấu lần này

Ngày 18/3 và 19/3/2018, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc Khóa 13 đã thông qua cơ cấu nhân sự Chính phủ mới, trong đó ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng liên nhiệm do Chủ tịch Tập Cận Bình giới thiệu.

Cải cách và sắp xếp nhân sự lần này trên thực thế nhằm thực hiện Nghị quyết “Đi sâu cải cách cơ quan đảng và Nhà nước” với 8 nội dung – do Hội nghị toàn thể trung ương 3 Khóa 19 đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua ngày 28/2/2018. Mục tiêu cải cách cơ cấu chính phủ nhằm thực hiện công cuộc cải cách sâu rộng hiện đại hóa hệ thống quản lý quốc gia, hoàn thiện chế độ lãnh đạo toàn diện của ĐCSTQ, thống nhất việc quản lý xã hội gồm đảng, Chính quyền, Quân đội và các tổ chức quần chúng.

Chính phủ Trung Quốc nhiệm kỳ 2018-2023 do ông Lý đứng đầu, cùng các Phó Thủ tướng gồm các Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Hàn Chính, các Ủy viên Bộ chính trị Tôn Xuân Lan, Hồ Xuân Hoa, Lưu Hạc.

Bốn ủy viên Quốc vụ (chức danh ở cấp trên Bộ trưởng, dưới Phó Thủ tướng) là Ngụy Phượng Hòa kiêm Bộ trưởng Quốc Phòng, Vương Dũng, Vương Nghị kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Tiêu Tiệp kiêm Tổng thư ký Chính phủ và Triệu Khắc Chí kiêm Bộ trưởng Công an.

Sau cải tổ, chính phủ Trung Quốc còn lại 26 Bộ, uy ban và cơ quan ngang Bộ, so với trước đây giảm 3 bộ, giảm 8 chức danh cấp Bộ trưởng và 7 chức danh cấp Thứ trưởng. Đáng lưu ý là cải cách lập ra các Bộ và cơ quan mới, như Bộ tài nguyên thiên nhiên, Bộ môi trường sinh thái, Bộ quân nhân xuất ngũ, Bộ quản lý ứng phó khẩn cấp, Tổng cục phát triển và hợp tác quốc tế nhà nước, Cục quản lý di trú…, đồng thời tiến hành cải tổ một số Bộ như Bộ Khoa học kỹ thuật, Bộ tư pháp…

Trong số 29 quan chức cấp Bộ trưởng khóa trước, chỉ có 4 người còn lưu nhiệm là Ngoại trưởng Vương Nghị, Bộ trưởng công nghệ và tin học Miêu Khư, Hoàng Thu Hiền – nguyên Bộ trưởng Bộ giám sát – nay chuyển sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Dân chính, và Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Hàn Trường Phú.

Cơ cấu chính phủ mới của Trung Quốc được đánh giá là mang đặc trưng “Thời đại Tập Cận Bình”, thể hiện vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ, vấn đề sắp xếp nhân sự được ghi nhận là chú trọng về toàn cục, mang sứ mệnh và tổng phương châm phát triển tới năm 2050, nhất là trong hai lĩnh vực kinh tế và đối ngoại. Trong đó, thủ tướng Lý Khắc Cường được trao trọng trách quản lý kinh tế, còn Phó chủ tịch mới đắc cử – ông Vương Kỳ Sơn – sẽ thúc đẩy ngoại giao nhà nước.

Cải cách cơ cấu chính phủ Trung Quốc qua các thời kỳ

Kể từ khi lập nước năm 1949 tới nay, Trung Quốc tiến hành tới hơn 10 lần cải tổ chính phủ. Kể từ khi cải cách mở cửa năm 1982, Trung Quốc đã tiến hành tới 5 lần cải tổ chính phủ, nhưng chưa giải quyết được tình trạng bộ máy “phình ra”, không hợp lý, hoạt động chưa hiệu quả.

Giai đoạn năm 1951 – 1953 sau cải cách còn lại 42 Bộ và Ủy ban cơ quan ngang bộ, nhưng tới năm 1956 lại mở rộng tới 81 Bộ và cơ quan ngang bộ. Năm 1959 giảm xuống còn 60, nhưng năm 1965 lại tổ chức 79 Bộ và cơ quan ngang bộ.

Đỉnh cao nhất là năm 1981, Trung Quốc có tới 100 Bộ và cơ quan ngang bộ. Tới năm 1993 giảm xuống còn 59 Bộ và cơ quan ngang bộ. Tới năm 1998, qua cải cách cơ cấu từ 40 Bộ và cơ quan ngang bộ giảm xuống còn 29.

Năm 2003 tiến hành điều chỉnh lại một số cơ quan như Ủy ban kinh tế kế hoạch nhà nước đổi thành Ủy ban cải cách và phát triển, năm 2008 thành lập Bộ công nghệ tin học, năm 2013 bãi bỏ Ủy ban sinh đẻ kế hoạch.

So với những lần cải tổ trước, cuộc cải cách năm nay được nhiều học giả Trung Quốc cho rằng mang tính toàn diện hơn, và gọi đây là “cuộc đại phẫu” chính phủ.

Đánh giá về cải cách cơ cấu lần này

Đánh giá ngày 14/3/2018 trên tờ Nhân dân Nhật báo của ông Đinh Tiết Tường, Chánh văn phòng trung ương ĐCSTQ viết: “Cơ cấu trước đây có tình trạng trùng lặp, chức trách chồng chéo, không ai chịu trách nhiệm, sắp xếp không khoa học, sai lệch, vượt quyền. Bởi vậy, cải cách cơ cấu lần này nhằm thích ứng với sự thay đổi chủ yếu của mâu thuẫn xã hội, giải quyết tình trạng mất cân đối trong phát triển, phù hợp với Nghị quyết đi sâu cải cách cơ cấu đảng và nhà nước của Trung ương”.

Tân Phó thủ tướng Lưu Hạc cho rằng cải tổ chính phủ “mang tính cách mạng cao, không lảng tránh vấn đề phân chia lại lợi ích và quyền lực, săp xếp lại bố cục lợi ích”.

Bên cạnh “mang tính cách mạng quan trọng, giúp cho pháp lệnh được thực hiện thông suốt, phòng ngừa rủi ro kinh tế tài chính”, nguyên nhân quan trọng hơn là cuộc cải tổ cho phép ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực và thể hiện quyền uy lãnh đạo.

Bài học kinh nghiệm quá khứ của Trung Quốc cho thấy tình trạng “đâu lại vào đấy” sẽ xảy ra vài năm sau cải tổ, khi cơ cấu, biến chế các cơ quan, ban ngành lại “phình ra” và lại hoạt động chồng chéo không hiệu quả.

Liệu lần cải cách này còn lặp lại tình trạng trên hay không thì còn phải chờ hoạt động thực tế của bộ máy trả lời, nhưng thông qua cuộc chiến chống tham nhũng 5 năm qua, dư luận Trung Quốc đang đặt nhiều kỳ vọng vào hoạt động hiệu quả-thực chất của chính phủ khóa mới, như hứa hẹn “làm trong sạch bộ máy của đảng và nhà nước” mà ông Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo khác đã nêu.

RELATED ARTICLES

Tin mới