Thursday, January 9, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXây nhà máy nhiệt điện bằng vốn TQ: Sao chưa tỉnh?

Xây nhà máy nhiệt điện bằng vốn TQ: Sao chưa tỉnh?

Vì sao đã có rất nhiều bài học đau đớn từ việc vay vốn, hợp tác với nhà thầu Trung Quốc mà vẫn chưa tỉnh?

Đi đường ngược?

Về đề xuất vay vốn Trung Quốc xây nhiệt điện, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ngạc nhiên vì sau bao nhiêu sự cố, bao nhiêu bài học có liên quan tới việc hợp tác xây dựng với nhà thầu Trung Quốc đã xảy ra mà tới nay vẫn có những đề xuất tương tự.

PGS Tuấn cho biết, liên danh Tập đoàn Geleximco – Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) muốn làm nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2 nhưng lại đưa phương án vay tới 80% vốn từ các ngân hàng Trung Quốc, như vậy sẽ phụ thuộc hoàn toàn về vốn, công nghệ, nhân công và cả nhà thầu của nước này.

“Khi vay vốn ODA của nước nào sẽ phải dùng nhà thầu, công nghệ, và cả đội ngũ chuyên gia, thậm chí là lao động của nước đó.

Điều tôi ngạc nhiên là, Trung Quốc đã có quyết định hạn chế phát triển nhà máy nhiệt điện than. Có rất nhiều nhà máy đã bị đóng cửa và đang phải tháo dỡ thiết bị, công nghệ. Nếu đề xuất này thành công thì khả năng cao những thiết bị công nghệ lạc hậu, cũ kỹ đang bị tháo bỏ kia sẽ được nhập ngược lại cho Việt Nam. Điều này rất đáng lo ngại”, ông Tuấn lo ngại.

Theo vị chuyên gia, từ nhiều năm trước, ông đã phản đối mạnh mẽ việc phát triển nhà máy nhiệt điện chạy than vì nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Nhất là trong trường hợp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu thì mức độ nguy hại từ các nhà máy này có thể cao hơn gấp nhiều lần.

Ông cho rằng, dù Việt Nam còn nghèo cũng phải có một tỷ trọng nhất định. Trong khi các nước đang chú trọng đầu tư năng lực tái tạo thì Việt Nam lại lội ngược vũng bùn mà thế giới đang phải từ bỏ.

“Trung Quốc chính là bài học ngay trước mắt, khi thành phố Bắc Kinh liên tục đứng Top đầu thế giới về ô nhiễm môi trường do bị ảnh hưởng từ các nhà máy nhiệt điện than.

Trong khi, ở Việt Nam hầu hết các nhà máy nhiệt điện than đều có bóng dáng của nhà đầu tư Trung Quốc, và ở đó, đều sử dụng công nghệ lạc hậu, không hiệu quả của nước này”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, trong năm 2017, Tập đoàn điện lực (EVN) và UBND tỉnh Long An định xin chủ trương đầu tư trung tâm điện lực ở Cần Giuộc, nhưng ông đã kịch liệt phản đối.

Vì khu vực đó là đầu hướng gió, nếu đầu tư dự án này, TP.HCM sẽ phải hứng chịu toàn bộ nguy cơ phát thải của nhà máy này.

Chính vì những lo ngại trên, PGS Nguyễn Đinh Tuấn kiến nghị Bộ Công thương phải thận trọng cân nhắc, không nên dễ dàng tin vào những lời hoa mỹ các nhà đầu tư vẽ ra.

“Tôi còn nhớ, khi ông Vũ (ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen) xin đầu tư dự án nhà máy thép Cà Ná, ông ấy có mạnh miệng tuyên bố: Nếu có sự cố xảy ra ông sẽ đền bù.

Tôi đồng ý, có thể ông Vũ không nói đùa và có thể ông Vũ sẽ đứng ra đền bù nếu có sự cố thật. Thế nhưng, nếu bán toàn bộ tài sản ông Vũ đang có liệu có khắc phục được hậu quả không? Nhà đầu tư khi muốn đầu tư bao giờ họ cũng tô vẽ cho dự án thật đẹp, thật tốt nhưng là cơ quan quản lý Nhà nước thì phải tỉnh táo, không  nên thụ động, chạy theo nhà đầu tư”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Vì sao chưa tỉnh?

 Từ góc độ quản lý, PGS.TS Đặng Đình Đào (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, chỉ nhìn qua đã thấy dự án không hiệu quả.

Theo vị PGS, số lượng các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam đã rất nhiều, trong khi đó, đặc điểm chung của lĩnh vực này là chủ yếu sử dụng than, đây là vấn đề lớn.

Than của Việt Nam hiện nay đang thiếu, không thể đủ phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện than. Nếu tiếp tục phát triển ồ ạt lĩnh vực này sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Về việc vay vốn, Việt Nam đã có nhiều bài học và phải trả giá đắt như: đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy bột giấy Phương Nam… không nên lặp lại sai lầm cũ.

Bên cạnh đó, vấn đề công nghệ, lao động cũng là điểm đáng ngại. Đã từng có chuyện ở đâu có dự án nhà thầu Trung Quốc thi công là ở đó có cả phố người Trung sinh sống, gây mất ổn định về văn hóa, xã hội.

Về đề xuất hợp tác theo hình thức PPP của Geleximco, theo vị chuyên gia, đây là hiểm họa.

Công tác quản lý, giám sát của Việt Nam tại các công trình Trung Quốc thi công vẫn luôn gặp vấn đề. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nhà thầu giao gì chúng ta nhận lấy nghĩa là chúng ta đã phải nhận tất cả những nguy cơ rủi ro có thể gây thiệt hại rất lớn. Vị chuyên gia lấy ví dụ điển hình từ nhà mấy bột giấy Phương Nam, việc đánh tráo công nghệ đã khiến nhà máy này rơi vào bế tắc, không hoạt động được, đầu tư hàng nghìn tỉ rồi đắp chiếu bỏ đấy.

“Lâu nay dư luận vẫn nói Trung Quốc hiểu văn hóa Việt Nam, giỏi “đi đêm”, đây là lý do hầu hết các dự án quan trọng đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Liệu đây có phải lý do, dù đã có rất nhiều bài học đau đớn nhưng vẫn có những đề xuất muốn được hợp tác với nhà thầu Trung Quốc không? Đồng ý, vay vốn, đầu tư, phát triển là cần thiết nhưng đầu tư, hợp tác với ai cũng phải tính tới yếu tố hiệu quả là hàng đầu.

Nếu còn đầu tư những dự án nghìn tỷ song lại đắp chiếu để đấy thì mối lo ngại về nợ công sẽ ngày càng nghiêm trọng”, PGS Đặng Đình Đào cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới