Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay trao đổi với Thủ tướng Hun Sen về vấn đề người gốc Việt tại Campuchia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 4/4 gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen bên lề Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Công quốc tế tại Siem Reap, Campuchia, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Hai Thủ tướng trao đổi những vấn đề như biên giới, người gốc Việt tại Campuchia; biểu dương những nỗ lực của Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền hai nước đã hoàn thành khối lượng lớn công việc và mong muốn hai bên hoàn thành công tác này trong thời gian sớm nhất. Hai nước cũng nhất trí phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý của người gốc Việt tại Campuchia trên cơ sở luật pháp của Campuchia và tinh thần hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Lãnh đạo hai bên nhất trí duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao; phối hợp tổ chức tốt Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học kỹ thuật tại Hà Nội ngày 16 – 18/5.
Bộ Nội vụ Campuchia tháng 10 năm ngoái thông báo sẽ tịch thu giấy tờ tùy thân “cấp sai và không đúng quy định” cho 70.000 người, đa số là người gốc Việt, trong số đó có nhiều người sinh ra và lớn lên ở Campuchia và nói ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Khmer.
Khi đó, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định “cộng đồng người Campuchia gốc Việt sinh sống ở Campuchia đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Campuchia, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước”. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ mong muốn Campuchia tiếp tục tạo điều kiện pháp lý thuận lợi và có biện pháp phù hợp để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người Campuchia gốc Việt.
Campuchia hồi đầu tháng ba thông báo kế hoạch cấp giấy tờ định cư ngắn hạn cho những người gốc Việt chứng minh được rằng họ đến Campuchia trước năm 2012. Đại diện Việt Nam ở Campuchia sau đó cho biết họ đang hợp tác với cơ quan chức năng sở tại để tạo điều kiện cho người Campuchia gốc Việt từng bước hoàn thiện giấy tờ pháp lý, được đảm bảo quyền lợi hợp pháp, sinh sống ổn định lâu dài tại Campuchia.