Tuesday, January 7, 2025
Trang chủĐàm luậnẤn Độ tăng cường đối phó với tham vọng trên biển của...

Ấn Độ tăng cường đối phó với tham vọng trên biển của TQ

Thời gian qua, Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường liên kết với một số nước để đối phó với tham vọng trên biển của Trung Quốc bằng cách cũng gia tăng quyền ảnh hưởng đối với một số khu vực trên Ấn Độ Dương.

Theo báo Asahi, Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/3 đã nhất trí về việc ký kết Hiệp định sử dụng căn cứ song phương. Nhờ đó, tàu chiến Ấn Độ có thể cập cảng và tiếp dầu tại một số căn cứ quân sự của Pháp như tại lãnh thổ hải ngoại Reunion trên Ấn Độ Dương, tại Abu Dhabi ở Trung Đông và Djibouti tại châu Phi. 

Ấn Độ cũng đồng thời tập trung vào việc mở rộng và củng cố các căn cứ trên Ấn Độ Dương. Trong tháng 1/2018, Ấn Độ đã ký hiệp định xây dựng căn cứ tại đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương, theo đó New Dehli sẽ được đặt căn cứ tại đây trong vòng 20 năm tới. Tháng 2/2018, Ấn Độ và Oman đã kí kết thỏa thuận cho phép hải quân Ấn Độ sử dụng cơ sở vật chất ở cảng Duqm thuộc Oman, khu vực mà một khu công nghiệp Trung Quốc cũng sắp được xây dựng. 

Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 2/2018, Tổng thống Iran Hassan Rohani đã nhất trí cho phép New Delhi thuê một phần cảng biển chiến lược Chabahar ở phía Đông Nam Iran. Cảng này do Ấn Độ đóng góp khoảng 25% vốn và đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2017. Cảng Chabahar được cho là sẽ mở ra thị trường ở Afghanistan và Trung Á cho hàng hóa Ấn Độ mà bỏ qua Pakistan, quốc gia có quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang hỗ trợ Iran xây dựng một tuyến đường sắt dài 500 km nối cảng Chabahar tới sát biên giới giữa Iran và Afghanistan. 

Nằm ở phía Tây Nam của Pakistan và cách cảng Chabahar 150 km, cảng Gwadar của Pakistan đã được Trung Quốc giành quyền sử dụng trong 40 năm kể từ năm 2015. Do vậy, Ấn Độ đã nhanh chóng thiết lập một tuyến đường nhập khẩu tài nguyên mới từ Trung Á và Afghanistan mà không đi qua Pakistan, nước đối địch với mình, đồng thời cũng là cách ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. 

Sở dĩ Ấn Độ nhanh chóng củng cố và mở rộng các cứ điểm trên biển xuất phát từ việc Trung Quốc đang hình thành vòng vây trên biển bao quanh Ấn Độ. Tháng 12/2017, Trung Quốc cũng giành quyền thuê cảng Hambantota tại Sri Lanka trong vòng 99 năm. Theo nghiên cứu viên Harsh Pant của Tổ chức nghiên cứu Observer Research thì để đối phó với các động thái tiến nhanh trên biển của Trung Quốc, Ấn Độ không có cách nào khác là liên kết với các nước để tăng cường năng lực trên biển. 

Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Modi cũng rất đau đầu trong đối phó với nước láng giềng Trung Quốc do mối quan hệ song phương về kinh tế ngày càng mật thiết. Do đó, có những lúc New Delhi cũng phải “mềm mỏng” trong quan hệ với Bắc Kinh. Điều này thể hiện qua cách chính quyền Modi đối xử với người lưu vong Tây Tạng tại nước này. 

Ngày 31/3, chính quyền lưu vong Tây Tạng đã tổ chức lễ “Cảm ơn Ấn Độ” vì đã cho phép lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 lưu vong tại vùng đất Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ, trong 60 năm qua. Phát biểu tại đây, Thủ tướng chính quyền lưu vong Tây Tạng Lobsang Sangay tuyên bố “Nhờ có sự hỗ trợ của Ấn Độ thì Tây Tạng mới lưu giữ được những nét văn hóa và tôn giáo của mình”. Vốn dĩ sự kiện này được lên kế hoạch tổ chức tại thủ đô New Delhi với sự tham gia của một số quan chức Chính phủ Ấn Độ. Tuy nhiên, theo một số tờ báo Ấn Độ, chính quyền New Delhi từ cuối tháng 2/2018 đã thông báo không cho phép giới chức Ấn Độ tham gia sự kiện này, đồng thời không cho phép tổ chức sự kiện tại thủ đô. Phát biểu với giới truyền thông, tuy không nói rõ nhưng Thủ tướng lưu vong Tây Tạng Sangay cũng ngầm ám chỉ rằng phía Ấn Độ đã yêu cầu dừng sự kiện này. Mặc dù sự kiện sau đó được phép tổ chức nhưng đã không được diễn ra tại thủ đô New Delhi. 

Theo lý giải của một số chuyên gia phân tích, sở dĩ Ấn Độ không muốn làm mếch lòng Bắc Kinh là để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Thủ tướng Modi. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động dân chủ bắt đầu đặt câu hỏi liệu có phải New Delhi cũng đang bắt đầu chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh. 

RELATED ARTICLES

Tin mới