Cục phòng chống tham nhũng cho biết “chỉ chờ lệnh là vào cuộc”, Bộ GTVT thì khẳng định “sẵn sàng phối hợp”.
Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo
Bà Bùi Thị An – nguyên ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông liên tục lùi, hoãn (6 lần lùi, hoãn), đội vốn (đội vốn hơn 300 triệu USD) là vấn đề bất thường, cần phải được làm rõ.
Trách nhiệm này, theo bà An trước hết thuộc về Bộ GTVT – đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án.
“Bộ GTVT phải có trách nhiệm báo cáo, thông tin rõ ràng về nguyên nhân đội vốn, lý do chậm, lùi, giãn tiến độ dự án là vì sao? Việc đội vốn, lùi, hoãn đó là đúng hay sai? Bộ GTVT đã chấp nhận ở mức độ nào và phải chịu trách nhiệm tới đâu?… “, bà An nói rõ.
Theo bà An, sau khi có báo cáo của Bộ GTVT thì Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc thực hiện thanh tra toàn diện dự án để khẳng định những báo cáo của Bộ GTVT có phù hợp hay không? và ai sẽ phải chịu trách nhiệm cuối cùng?
Đồng tình với nhận định trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thám (Đại học Xây dựng Hà Nội) đánh giá, đây là dự án đường sắt nội đô đầu tiên Việt Nam thực hiện, do đó, yêu cầu thanh tra là cần thiết.
Theo vị PGS, thanh tra nhằm mục đích làm rõ những tồn tại, yếu kém của dự án để tránh lặp lại tình trạng tương tự tại các dự án sau.
Thẳng thắn nhìn nhận, vị PGS nói rõ sự chậm trễ của dự án có lỗi từ công tác quản lý.
“Ở đây là công tác quản lý, sử dụng vốn không hiệu quả; trình độ quản lý yếu kém nên bị nhà thầu lái theo, không kiểm soát được tiến độ, dự án liên tục gặp sự cố, mắc sai phạm, mắc lỗi… nhưng không xử lý được nhà thầu. Trong khi đó, nguồn vốn phải đi vay, chúng ta vẫn phải trả nợ hàng triệu USD cho phía Trung Quốc, gánh nặng rất lớn.
Tôi nói rõ, đây là trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân”, PGS Nguyễn Đình Thám thẳng thắn.
“Sẵn sàng”
Như vậy, đã có rất nhiều ĐBQH và giới chuyên gia đồng loạt lên tiếng kiến nghị Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện dự án để làm rõ những nguyên nhân dẫn tới lùi, hoãn, đội vốn của dự án. Quan trọng hơn theo các ĐBQH, việc thanh tra còn nhằm mục đích tìm ra người chịu trách nhiệm cho việc quản lý một dự án hàng tỷ USD mà không hiệu quả, gây bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, về nguyên tắc, Thanh tra Chính phủ sẽ vào cuộc khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng tại dự án. Tuy nhiên, để thực hiện thanh tra toàn diện thì cần phải có chỉ đạo của Thủ tướng và phải có kế hoạch cụ thể.
Đối với dự án Cát Linh – Hà Đông, đây là dự án lớn nhưng đã có dư luận nghi ngại về nguyên nhân chậm, hoãn, đội vốn của dự án và các ĐBQH đã lên tiếng thì kiến nghị này cũng nên được xem xét.
“Cục Chống tham nhũng luôn sẵn sàng và hoàn toàn có thể làm được. Chúng tôi chỉ chờ có chỉ đạo là sẽ vào cuộc. Tôi cho rằng, với dự án có quá nhiều lùm xùm như vậy, yêu cầu thực hiện thanh tra để trả lời rõ những khúc mắc trước dư luận là cần thiết”, ông Đạt nói.
Trước những kiến nghị của ĐBQH và quan điểm của Cục chống tham nhũng, Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, đơn vị này luôn sẵn sàng làm việc nếu Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
“Hiện chưa có kế hoạch thanh tra cụ thể nhưng nếu tổ chức thanh tra, Bộ sẽ sẵng sàng làm việc”, ông Đông nói.
Về bức xúc của ĐBQH khi thực hiện giám sát dự án nhưng không được tiếp cận với nguồn tin, số liệu nào liên quan tới dự án, ông Đông khẳng định: “Chúng tôi vẫn cung cấp và báo cáo đầy đủ. ếu cơ quan nào quan tâm, chúng tôi sẽ cung cấp lại báo cáo”.