Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCái giá phải trả để kinh doanh tại TQ

Cái giá phải trả để kinh doanh tại TQ

Đối với nhiều công ty quốc tế hàng đầu, Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng, nhưng cái giá để có thể kinh doanh tại đây không hề thấp.

“Lợi ích kinh tế của chúng ta với Trung Quốc đang tăng lên đáng kể. Trung Quốc là thị trường trị giá 600 tỉ USD đối với nền kinh tế Mỹ”, Jacob Parker, Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung Quốc, nói.

Nhưng chính phủ Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng vì nhu cầu từ phía các công ty nước ngoài muốn tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới. Chính quyền Tổng thống Donald Trump nói rằng những hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh là lý do khiến Mỹ đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, với giá trị hàng hóa khoảng 50 tỉ USD.

Theo CNN, các công ty quốc tế thường than phiền rằng Bắc Kinh đã yêu cầu họ phải trao đổi bí mật thương mại nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc. Trong một số lĩnh vực, nước này chỉ cho phép các công ty nước ngoài hoạt động thông qua liên doanh với những doanh nghiệp địa phương, trong đó phần lớn cổ phần do các đối tác Trung Quốc nắm giữ.

“Đào tạo đối thủ cạnh tranh tương lai”

Đây là trường hợp trong ngành công nghiệp ô tô, lĩnh vực mà nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như General Motors (GM), Volkswagen và Toyota đã hợp tác với các đối thủ địa phương, thay vì phải trả mức thuế nhập khẩu cao. Quan hệ đối tác thương mại thường mang lại doanh số khổng lồ, nhưng điều này cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng các công ty Trung Quốc đã nắm bắt được công nghệ của các hãng nước ngoài.

Theo Mary Lovely, Giáo sư tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, các nhà sản xuất quốc tế đang “đào tạo đội ngũ đối thủ cạnh tranh của chính họ trong tương lai và chỉ nhận được một phần nhỏ trong số những gì mà sở hữu trí tuệ của họ mang lại” nếu họ được phép hoạt động độc lập tại Đại lục.

“Không có gì ngạc nhiên khi một số thương hiệu Trung Quốc hoạt động giống với mô hình Mỹ hoặc châu Âu”, Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói.

Yêu cầu chuyển giao công nghệ mới

Một báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer được công bố hồi tuần trước viết rằng, chính phủ Bắc Kinh yêu cầu các công ty nước ngoài phải bàn giao tất cả công nghệ chủ chốt được sử dụng trong xe điện nếu muốn bán những chiếc xe đó ở Trung Quốc.

“Nhiều công ty nước ngoài thường phải đưa ra những lựa chọn khó khăn trong quản lý chia sẻ công nghệ và tiếp cận thị trường. Khoảng một phần năm các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đã bị yêu cầu chuyển giao công nghệ cho đối tác địa phương trong ba năm qua”, ông Parker cho biết.

Con số thực tế có thể còn cao hơn. Việc chuyển giao công nghệ chủ chốt và sở hữu trí tuệ cho các công ty Trung Quốc là một chủ đề nhạy cảm.

“Không ít công ty đang hoạt động ở Trung Quốc có thể ngại nói ra sự thật vì họ sợ việc kinh doanh hiện tại của họ sẽ bị ảnh hưởng”, bà Lovely nói.

Những công ty không thỏa hiệp với yêu cầu này của Trung Quốc buộc phải trả mức thuế lớn khi chuyển hàng tới đây. Và đó là trường hợp của Tesla khi hãng sản xuất xe điện này cố gắng trong nhiều năm để xây dựng một nhà máy ở Đại lục mà không cần liên kết với đối tác địa phương.

Thành công của Boeing

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Boeing đã có được doanh số bán hàng lớn ở Trung Quốc mà không cần phải chuyển giao công nghệ then chốt. Quốc gia tỉ dân là thị trường lớn thứ hai của nhà sản xuất máy bay Mỹ, với mức doanh thu gần 12 tỉ USD trong năm ngoái, trong khi Boeing chỉ sản xuất một lượng nhỏ ở Đại lục và không có bất kỳ liên doanh lớn nào ở đó.

Boeing điều hành một nhà máy Trung Quốc hợp tác với hãng sản xuất máy bay quốc doanh Comac. Nhưng nhà máy này chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất cuối cùng đơn giản như lắp đặt ghế và trải thảm.

“Thực sự không có sự chuyển giao công nghệ nào”, Richard Aboulafia, phó chủ tịch tập đoàn tư vấn hàng không Teal Group, nói.

Điều này rất có thể là do Trung Quốc cần máy bay của Boeing để đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp hàng không. Ngoài máy bay của Boeing và Airbus, các hãng hàng không của Trung Quốc không có nhiều lựa chọn thay thế.

Khác với ngành ô tô, Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc xây dựng các hãng sản xuất máy bay có khả năng cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài. Chiếc ARJ21 của Comac là nỗ lực đầu tiên của chính phủ Bắc Kinh trong việc tạo ra dòng máy bay phản lực riêng, song việc thương mại hóa sản phẩm vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

“Đi vào ngành công nghiệp xe hơi dễ dàng hơn rất nhiều so với việc bước chân vào ngành công nghiệp sản xuất máy bay”, ông Aboulafia nhận xét.

Ngay cả khi Trung Quốc đề xuất mức thuế nhập khẩu 25% đối với máy bay của Mỹ, thì Boeing có thể vẫn không bị tổn thương. Theo các nhà phân tích của hãng nghiên cứu Vertical Research Partners, mức thuế này chỉ áp dụng đối với những chiếc máy bay dưới một trọng lượng nhất định.

Lập luận của Bắc Kinh

Nhiều công ty nước ngoài được thành lập ở Trung Quốc cũng không hài lòng về những quy định kinh doanh ở đây. Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát hằng năm gần nhất của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, gần một nửa số thành viên cảm thấy chính phủ Trung Quốc đối xử không công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Họ phàn nàn về việc áp dụng các quy định một cách không thống nhất của giới quản lý nước này và tình trạng tiếp tục hạn chế khả năng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài trên diện rộng.

Đáp lại, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc cho rằng các công ty nước ngoài bị đối xử bất công và nói rằng báo cáo về việc Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ là “vô căn cứ”. Theo như lập luận của chính phủ nước này, bất kỳ bí mật công nghệ nào được chuyển giao cũng đều là một phần trong các thỏa thuận đã được hai bên nhất trí, đồng thời nhấn mạnh họ đang nỗ lực để tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ trong nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới