Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung - Hàn khác biệt trong vấn đề hạt nhân của CHDCND...

Trung – Hàn khác biệt trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Các nguồn tin ngoại giao của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đang bất đồng về cách thức đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vì mỗi bên đều muốn có ảnh hưởng trong những cuộc đàm phán này.

Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì (trái) có chuyến thăm Seoul vào tuần trước – Ảnh: SCMP

Theo các nguồn tin, Bắc Kinh muốn tạo nên một cơ cấu cho phép nước này duy trì vai trò tích cực trong việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời vẫn bảo vệ được lợi ích của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, phía Seoul lại muốn có một quá trình phi hạt nhân hóa xoay quanh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và hai miền Triều Tiên.

Các nguồn tin cho biết khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong vào tuần trước, hai bên đều đồng ý rằng duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên là cần thiết.

“Họ nhất trí về hai điều: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và không để xảy ra chiến tranh trong bất kỳ tình huống nào, nhưng vẫn có một vài bất đồng nhỏ”, theo một nguồn tin.

Cụ thể, Ủy viên Dương trong chuyến thăm Seoul nhấn mạnh Bắc Kinh cần được tham gia tích cực vào bất cứ cuộc đối thoại nào. Nói với quan chức phía Hàn, ông khẳng định Trung Quốc phải giữ vai trò trung tâm trong việc đảm bảo an toàn cho chế độ CHDCND Triều Tiên cũng như tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo.

Một nguồn tin đánh giá phát biểu của ông Dương cho thấy “quyết tâm góp mặt mạnh mẽ của Trung Quốc trong những cuộc đàm phán về bán đảo Triều Tiên”.

Thế nhưng Seoul lại ủng hộ phương án đàm phán 3 bên với Washington và Bình Nhưỡng, nhằm tránh sức ảnh hưởng của nước này bị giảm đi vì sự tham gia của Bắc Kinh. Hàn Quốc mong muốn trực tiếp tham gia vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên chứ không phải “đóng vai phụ”.

Theo Cheong Yang-seog, nghị sĩ đảng Hàn Quốc tự do (LKP): “Trung Quốc là một thế lực lớn trong khu vực, sự hiện diện của một thế lực như vậy trong đàm phán khiến việc đạt được thỏa thuận khó khăn hơn”.

Đối thoại bao nhiêu bên?

Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hiện vẫn chưa có quyết định nào về cơ chế đối thoại đa phương được đưa ra, nhưng Tổng thống Moon vào tháng trước cho biết một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Hàn – Triều là có khả năng.

Trong khi đó, Bắc Kinh lại kêu gọi khôi phục đàm phán 6 bên (Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Mỹ) đã bị ngưng trệ trong hơn 6 năm qua. Bình Nhưỡng năm 2009 chính thức rút khỏi đàm phán này, sau đó tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Theo giáo sư Vương Sinh của đại học Cát Lâm, cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình, chuyến thăm Hàn của Ủy viên Dương cùng chuyến công du Nga của Ngoại trưởng Vương Nghị tuần này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán đa phương.

“Sẽ rất khó để đàm phán về phi hạt nhân hóa đạt được tiến bộ thực sự khi không có Trung Quốc, vì Bắc Kinh đóng vai trò là người bảo chứng cho Triều Tiên, đảm bảo Bình Nhưỡng thực hiện những cam kết đưa ra. Nước này cũng cảm thấy được đối xử công bằng hơn khi các cuộc đàm phán có sự tham của Trung Quốc”, giáo sư Vương cho biết.

Triệu Thông, nhà nghiên cứu của Trung tâm chính sách toàn cầu Thanh Hoa – Carnegie, cho rằng Trung Quốc lo sợ bị tách khỏi các cuộc đàm phán nào về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo ông: “Miễn được tham gia thì 4 bên hay 6 bên với Trung Quốc không quan trọng. Thế nhưng hiện tại, Bắc Kinh có vẻ sẽ lựa chọn đàm phán 4 bên vì như vậy sẽ trực tiếp hơn”.

Một số chính trị gia Hàn Quốc cho hay Seoul không còn cách nào khác ngoài việc cho Bắc Kinh góp mặt.

“Đúng là đàm phán 3 bên là ưu tiên của chúng tôi. Tuy nhiên, qua những cuộc thảo luận, chúng tôi có thể mời Trung Quốc tham gia đem lại hòa bình cho bán đảo. Chúng tôi thừa nhận Trung Quốc cũng là một trong những nước quan trọng trong khu vực”, theo nghị sĩ Won Hye-young của đảng Minjoo.

RELATED ARTICLES

Tin mới