Chủ tịch của một quốc gia từng được gọi là Thiên Triều (Triều đại trên Thiên quốc), vào tháng 3 vừa qua đã chào đón vị lãnh đạo của một trong những quốc gia chư hầu của Trung Hoa trong thời phong kiến. Đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã tiếp đón nồng hậu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, theo Nikkei Asian Review.
Đó là cốt truyện mà các phương tiện truyền thông của Nhà nước Trung Quốc đã miêu tả, và Triều Tiên rất vui khi được Trung Quốc chiêu đãi. Tân Hoa Xã của Nhà nước Trung Quốc cho biết, trong hội nghị thượng đỉnh “bí mật bất ngờ” vừa qua, ông Tập gọi ông Kim là “Ni”, trong khi ông Kim gọi ông Tập là “Nin”. Cả hai đại từ đều có nghĩa là “bạn”, nhưng “Nin” là từ lịch sự hơn và trang trọng hơn “Ni”.
Trong buổi tặng quà theo nghi lễ ngoại giao cấp cao, lãnh đạo của Trung Quốc đã cho vị khách từ Bình Nhưỡng thấy những món quà đắt tiền.
Đắt tiền như thế nào?
Trong bữa tiệc, Chủ tịch Tập và lãnh đạo Kim đã nâng cốc chúc mừng nhau bằng những ly rượu Mao Đài cao cấp phi thường. Mao Đài là một loại rượu trắng (còn được gọi là moutai), cùng với các chai rượu lâu đời quý hiếm khác. Đây là sự thèm muốn của tất cả những người yêu thích rượu trắng. “Rượu trắng” – phiên dịch trực tiếp của từ “baiju” – được sản xuất trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, những năm bao hàm cuộc Đại Cách mạng Văn hoá Vô sản đẫm máu tại Trung Quốc.
Các nhà sản xuất loại rươu này nói rằng, rượu Mao Đài có tác dụng giúp phòng tránh sa sút trí tuệ, và truyền cảm hứng cho các nhà thơ, và nó là loại rượu thượng hảo hạng và rất quý hiếm.
Một người bồi bàn được nhìn thấy là đang cầm chai rượu Mao Đài màu nâu trong bữa ăn tối giữa Chủ tịch Tập và lãnh đạo Kim. (Ảnh: Reuters)
Trong những khu mua sắm hàng đầu của Trung Quốc, loại rượu Mao Đài đựng trong những chai màu nâu có nắp cao su màu đỏ, sẽ được bán với giá 1.28 triệu Nhân Dân Tệ (tương đương với khoảng 203,000 USD) một chai.
Vào chiều ngày 27 tháng 3, khi đó là lúc trở về nhà, lãnh đạo Kim bước lên một chuyến tàu hỏa màu xanh đậm với một đường viền màu vàng ở ga đường sắt Bắc Kinh. Đoàn tàu hỏa này được gọi là “Tàu số 1”, và chỉ có duy nhất các lãnh đạo họ Kim tại Triều Tiên được phép sử dụng, và theo các báo cáo tình báo là nó được thiết kế để các vệ tinh gián điệp của Hoa Kỳ khó phát hiện.
Tuy nhiên, thật kỳ lạ là nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên đã chọn đi đến Bắc Kinh bằng đường sắt.
Kim đã từng du học ở Thụy Sĩ và đã đi máy bay nhiều lần. Thế giới đã mong đợi lãnh đạo Kim thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên bằng máy bay, bởi vì cha và ông nội của Kim được biết đến như là những người ghét việc đi lại bằng đường hàng không.
Đoàn tàu hỏa được thiết kế để tránh bị phát hiện bởi các vệ tinh gián điệp của Hoa Kỳ có thể được nhìn thấy bên cạnh một chuyến tàu cao tốc tại ga đường sắt Bắc Kinh, vào ngày 27 tháng 3 năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Hai nguồn tin quen thuộc về quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên đã giải thích lý do tại sao ông Kim đến Bắc Kinh bằng đoàn tàu hỏa của gia đình.
“Chắc chắn”, nguồn tin thứ nhất nói, “đảm bảo an ninh cho bản thân là một lý do quan trọng giải thích tại sao ông Kim đến Bắc Kinh bằng cách sử dụng đoàn tàu hỏa truyền thống, dài và đặc biệt, nhưng một lý do khác nữa là đoàn tàu này có thể chở hàng nhiều hơn máy bay”.
Đoàn xe lửa kết nối 21 toa với nhau khi nó rời khỏi ga đường sắt Bắc Kinh. Các toa được chất đầy với lượng lớn các mặt hàng xa xỉ, bao gồm cả một số chai rượu Mao Đài cao cấp.
“Công dụng của con tàu, cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt của một số mặt hàng xa xỉ ở Triều Tiên, và một phần lý do của sự thiếu hụt này là do thiếu ngoại tệ”.
Theo nguồn tin thứ hai, các mặt hàng xa xỉ là một phương pháp mà ông Kim sử dụng để duy trì lòng trung thành của cấp dưới, cũng giống như cha của ông ngày trước.
“Ngoài rượu Mao Đài”, nguồn tin này cho hay, “những món quà mà lãnh đạo Kim nhận được ở Bắc Kinh có lẽ bao gồm cả rượu Whisky cao cấp, hàng hiệu xa xỉ nước ngoài như đồng hồ, thuốc lá và các sản phẩm khác. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã áp dụng phương pháp truyền thống là trao tặng hàng hoá xa xỉ đã được thiết kế cho các quan chức cao cấp đặc biệt trong chính phủ, với mục đích là mua sự trung thành của họ”.
Quà tặng của Trung Quốc dành cho lãnh đạo Triều Tiên bao gồm ít nhất sáu chai Mao Đài cổ – cũng như nhiều chai rượu không cổ khác.
Đài truyền hình của Nhà nước Triều Tiên đã phát sóng một chương trình dài về chuyến thăm của lãnh đạo Kim tới Bắc Kinh, trong đó cho thấy những món quà được trao đổi giữa hai nước, bao gồm cả những chai rượu Mao Đài cổ. Tuy nhiên, sự hào phóng của Chủ tịch Tập đã gặp phải những sự miệt thị trên Internet.
Một cư dân mạng đã phát biểu cơn thịnh nộ của mình với một sự xúc phạm và một loạt các câu hỏi. “Kim Béo thế hệ thứ III đã trở lại để chống lại Trung Quốc”, bài viết bắt đầu. “Tại sao chúng ta phải sử dụng tiền của chúng ta để cho ông ta rượu Mao Đài thượng hạng và tặng cho ông ấy nhiều hàng hóa xa xỉ như vậy? Chúng ta có cần phải làm điều này trong khi chúng ta đang có một chiến dịch chống tham nhũng và cấm tiêu xài lãng phí?”.
Các nhà kiểm duyệt Internet của chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng xóa bỏ các bài viết bày tỏ sự bất bình trên mạng.
Đây là những chai rượu Mao Đài đắt tiền. Chai loại siêu đắt có màu nâu, không phải màu trắng. (Ảnh: Reuters)
Nhưng ông Kim đã nhận được nhiều hơn những món quà vật chất. Đó là sự ủng hộ của Trung Quốc trong cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng Năm. Điều này có giá trị hơn bất kỳ đồ vật xa xỉ nào đã được đưa lên tàu.
“Kim thấy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang xấu đi nhanh chóng cả về chính trị và kinh tế, và đang có cơ hội để tạo ra một mũi nhọn vào giữa bọn họ”, một nguồn tin về mối quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng nói. “Kim có lẽ không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình”.
Thật vậy, kể từ cuộc họp Tập – Kim, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bị chìm đắm trong một cuộc chiến tranh thương mại về thuế quan.
Một nguồn tin khác nói rằng, với sự hậu thuẫn của Trung Quốc, “Kim có thể cố gắng mua thêm thời gian và tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”.
Sau hội nghị thượng đỉnh giữa 2 lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên, câu chuyện sau đây đã lan truyền khắp Internet ở Trung Quốc:
Trao quà hết lần này qua lần khác cho ông Kim, ông Tập cảm ơn lãnh đạo Triều Tiên vì đã lịch sự và tôn trọng, giữ thể diện cho ông. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng xin lỗi vì những hạn chế lớn đối với xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên và hỏi lãnh đạo Kim Jong Un một câu: “Ông đã nói về việc phi hạt nhân hóa, theo từng giai đoạn trong các cuộc đàm phán của chúng ta. Ông dự định duy trì điều này trong bao lâu?”.
Về điều này, lãnh đạo Kim trả lời với một cái nháy mắt: “Dĩ nhiên, cho đến khi Trump rời khỏi vũ đài”. Ông Kim đề nghị nói chi tiết hơn khi Chủ tịch Tập thăm Bình Nhưỡng.
Các nhà kiểm duyệt Internet của Trung Quốc đã nhanh chóng gỡ câu chuyện xuống. Câu chuyện trên đã đưa ra được một vài nét tiêu biểu của bức tranh hạt nhân Triều Tiên. Đó là, theo giới truyền thông Trung Quốc, trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực sự chấp nhận lời mời của lãnh đạo Kim Jong Un, và ông Tập chắc chắn sẽ đến Bình Nhưỡng vào một thời điểm thuận tiện.
Hình ảnh cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Kim Jong Un đang đi bộ để duyệt binh danh dự ở Bắc Kinh. KCNA cho biết ông Kim đang đi bộ một chút trước ông Tập. (Ảnh: KCNA / Reuters)
Mặc dù ông Tập đã tự buộc mình vào chính trường Triều Tiên, nhưng ông vẫn quan tâm đến việc ông Trump và ông Kim có thể “đạt được thỏa thuận lớn”, và có thể làm thay đổi sự cân bằng quyền lực ở khu vực Đông Bắc Á.
Giả sử Triều Tiên hợp tác với Hoa Kỳ để ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, thì trò chơi quyền lực chính trị ở khu vực sẽ bước sang một hướng mới.
Nếu Kim làm như vậy, thì có nghĩa là ông ta đang thực hiện kế sách: “Yuan jiao jin gong” , làm bạn với một quốc gia xa xôi để tấn công nước láng giềng ngay bên cạnh. “Yuan jiao jin gong” là nghệ thuật thứ 23 đối với lĩnh vực chiến tranh trong “Ba mươi sáu binh kế”, một tác phẩm quân sự có từ thời Tam Quốc của Trung Quốc (220-280 sau Công Nguyên).
Vùng đất Tần cổ xưa, trước khi thống nhất Trung Hoa, đã học được sự hiệu quả của việc kết hợp với các vùng đất xa. Sai lầm đầu tiên của vua Tần là tấn công một đất nước xa xôi, nhưng sau đó ông được khuyên rằng chiến tranh với đất nước ấy sẽ phải đi qua 2 nước láng giềng bên cạnh. Vì vậy, tốt nhất là kết bạn với đất nước xa xôi đó và một quốc gia xa xôi khác nữa, rồi tấn công nước láng giềng ngay bên cạnh. Theo lời khuyên, vua Tần đã kết hợp với các quốc gia xa xôi để chống lại các nước láng giềng gần, và cuối cùng, nhà vua đã xây dựng nên một đế quốc bao gồm cả vùng đất của các đồng minh cũ của ông ta.
Vì vậy, trong khi Chủ tịch Tập và lãnh đạo Kim trao đổi nụ cười, quà tặng và bắt tay, sự tin tưởng giữa hai quốc gia hầu như khó được khôi phục. Hội nghị thượng đỉnh lần đầu giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên hiện vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch, và có tiềm năng sẽ trở thành một sự thay đổi quan trọng trong cuộc chơi địa chính trị tại khu vực Đông Bắc Á này.