Bản tin Biển Đông 11/04/2018.
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc: không có thỏa thuận nào về việc thăm dò chung giữa Philippines và Trung Quốc được ký kết tại Diễn đàn Bắc Ngao Châu Á
Ngày 10/4, trang Inquirer đưa tin, ngày 9/4, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago Sta. Romana khẳng định sẽ không có thỏa thuận nào về hoạt động thăm dò chung được ký kết giữa Philippines và Trung Quốc trong thời gian Diễn đàn Bắc Ngao Châu Á đang diễn ra tại Trung Quốc. Ông khẳng định hiện các cuộc đàm phán về vấn đề này vẫn đang được tiến hành, Chính phủ hai nước vẫn đang nỗ lực tìm kiếm một khung pháp lý phù hợp “có thể chấp nhận được với cả hai bên” cho hoạt động này. Tuy nhiên, khi được hỏi rằng vấn đề Biển Đông liệu có được đề cập tại Diễn đàn Bắc Ngao hay không, ông Sta. Romana lưu ý rằng sẽ có một hội đồng đặc biệt về vấn đề Biển Đông được huy động trong Diễn đàn này, gồm đại diện đến từ các nước Đông Nam Á, phần lớn là các nhà ngoại giao và học giả.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định việc Trung Quốc lắp đặt các thiết bị phòng thủ ở quần đảo Trường Sa là “quyền đương nhiên”
Trang Shine.cn đưa tin, trả lời phỏng vấn về việc Trung Quốc mới đây lắp đặt một số hệ thống “phòng thủ” trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường ngang nhiên khẳng định: “Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, việc đưa quân đội và các thiết bị phòng thủ lên các đảo đá là nhằm giúp bảo vệ chủ quyền và an ninh của nước này đồng thời duy trì tuyến hàng hải an toàn và thông suốt trên Biển Đông, duy trì hòa bình và ổn định khu vực”. Ông tuyên bố việc Trung Quốc đưa quân đội và lắp đặt các thiết bị phòng thủ trên các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa là “quyền đương nhiên của một quốc gia có chủ quyền”. Ông Nhậm cho hay “Trung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình và theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính chất phòng vệ cũng như chiến lược phòng vệ tích cực”.
Indonesia sắp đưa ra Vùng nhận diện phòng không?
Ngày 10/4, trang Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế (CSIS) đăng bài viết “Indonesia sắp có vùng nhận diện phòng không?” của tác giả Evan Laksmana, Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế tại Jakarta, Indonesia. Tác giả cho biết, vào hồi tháng 2, Indonesia đã đưa ra Quy định của Chính phủ số 4 năm 2018 về An ninh Không phận. Quy định này là nhằm triển khai Đạo luật số 1 năm 2009 về Hàng không. Trong đó, Quy định đã đề xuất khả năng thiết lập một vùng nhận diện hàng không (ADIZ). Dự kiến khu vực ADIZ mới của Indonesia, theo tài liệu đi kèm Quy định của Chính phủ số 4 năm 2018 về An ninh Vùng trời, sẽ bao trùm lên khu vực nằm giữa ranh giới lãnh hải và ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Ông Laksmana nhận định, yêu sách mới này có thể sẽ làm phát sinh một số câu hỏi, khi mà luật quốc tế không có quy định cụ thể để xác lập quyền chủ quyền đối với vùng trời nằm trên khu vực EEZ hay phân định ADIZ. Tuy nhiên, các điều khoản trong Quy định mới chỉ nêu lên “khả năng” và “cơ sở pháp lý riêng cho một ADIZ trong tương lai” chứ chưa tuyên bố cụ thể một vùng xác định đối với một ADIZ (tọa độ địa lý, quy định ra vào…). Ông cho hay, trong khi hầu hết các quan chức Indonesia viện dẫn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Công ước Chicago về Hàng không dân dụng quốc tế để lập luận về việc tuyên bố một ADIZ, các lập luận chủ yếu chỉ theo “luật tập quán quốc tế”, khi các quốc gia khác đã tuyên bố ADIZ riêng của họ.
Tuy nhiên, tác giả nhận định rằng đây là một bước phát triển quan trọng do các văn bản pháp luật trước đây của Indonesia chưa hề có quy định nào về ADIZ. Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý rằng Quy định mới này là sự phát triển của một ADIZ đã được thiết lập từ trước nhưng chưa được công khai từ những năm 1960, trước khi có UNCLOS và Indonesia được thừa nhận quy chế quốc gia quần đảo.
Tác giả bài viết cho rằng có một số thách thức đặt ra trước khi Indonesia có thể tuyên bố và thực thi một ADIZ như Quy định Chính phủ đã nêu: (i) việc phân định ranh giới trên biển và EEZ của Indonesia là các tuyên bố đơn phương, Indonesia vẫn cần phải đàm phán với các nước láng giềng về các tọa độ cụ thể; bất cứ tiến trình liên ngành nào nhằm thúc đẩy một ADIZ cuối cùng cũng sẽ phải tính đến các cuộc đàm phán phân định biển đang diễn ra hiện nay của Bộ Ngoại giao nước này; (ii) do một vài khu vực trên không phận của Indonesia lại trùng với Vùng thông báo bay (FIRs) của một số nước láng giềng, (iii) chưa rõ Tư lệnh không lực Indonesia (TNI AU) có đủ khả năng để kiểm soát một vùng ADIZ rộng lớn hay không do TNI AU cũng đang trong quá trình cơ cấu lại và hiện đại hóa các đội tàu.