Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiQuan hệ tay ba Ấn Độ - Nepal - TQ: Nỗi khó...

Quan hệ tay ba Ấn Độ – Nepal – TQ: Nỗi khó khăn không chỉ với riêng ai!

“Ông Oli tới thăm Ấn Độ, nhưng trong mọi vấn đề quan hệ song phương giữa Nepal và Ấn Độ luôn ẩn hiện bóng dáng và vai trò của Trung Quốc”.

Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

Trong quan hệ giữa các quốc gia, việc sau ba năm mới lại có Thủ tướng nước láng giềng này thăm nước láng giềng kia vốn không phải chuyện hiếm, vì thế nên không có gì là đặc biệt. Nhưng quan hệ giữa Ấn Độ và Nepal thì lại rất khác và rất đặc biệt.

Phía sau quan hệ Ấn-Nepal luôn ẩn hiện bóng dáng Trung Quốc

Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli vừa có chuyến thăm Ấn Độ. Sau hơn 3 năm mới lại có Thủ tướng Nepal thăm Ấn Độ, và Ấn Độ là nơi đầu tiên ông Oli thực hiện chuyến công du sau khi trở lại cầm quyền.

Tuy nhiên ông Oli cũng chính là người mà trong lần cầm quyền trước đó đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ của Nepal với Trung Quốc, và trong hơn 3 năm qua Trung Quốc đã gây dựng được ảnh hưởng gần như ngang ngửa được với Ấn Độ tại Nepal. Ông Oli thăm Ấn Độ, nhưng trong mọi vấn đề quan hệ song phương giữa Nepal và Ấn Độ luôn ẩn hiện bóng dáng và vai trò của Trung Quốc.

Nepal và Ấn Độ vốn có truyền thống quan hệ hữu nghị và gắn bó từ rất nhiều năm nay, và Nepal lệ thuộc gần như hoàn toàn vào cung ứng của Ấn Độ đối với nhiều loại nhu yếu phẩm, đặc biệt là năng lượng. Nếu như những thành quả vốn có cứ tiếp tục tồn tại trong mối quan hệ song phương này, thì Trung Quốc sẽ không có cơ hội để gây dựng tầm ảnh hưởng riêng và thách thức ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nepal.

Tuy nhiên cơ hội ấy đã đến với Trung Quốc vào năm 2015 – khi ông Oli lần đầu tiên giữ chức vụ Thủ tướng Nepal. Khi ấy, Nepal đã thông qua một hiến pháp mới mà Ấn Độ cho rằng nó phân biệt đối xử với những người Ấn ở Nepal. Ấn Độ đã gây áp lực với chính phủ Nepal bằng biện pháp phong toả kinh tế.

Sau đó, chính phủ Nepal đã chuyển sang dựa cậy Trung Quốc, và Trung Quốc liền “bập” ngay vào Nepal. Cho tới nay, Nepal đã ký kết 10 thoả thuận quan trọng về thương mại và quá cảnh với Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư 25 dự án lớn ở Nepal, trong đó bao gồm dự án “Con đường tơ lụa mới”. Trung Quốc cho Nepal vay 216 triệu USD để xây dựng sân bay quốc tế mới. Trung Quốc còn đồng thời liên thủ với Pakistan để tranh thủ ảnh hưởng và thâu tóm Nepal.

Cho tới khi phía Ấn Độ nhận ra rằng họ đã sai lầm tai hại trong quan hệ với Nepal, thì Trung Quốc cùng Pakistan đã đạt được ý đồ chiến lược của họ ở Nepal. Trung Quốc cần Nepal cũng như Sri Lanka, Bhutan hay Bangladesh, Pakistan hay Maldives để ganh đua ảnh hưởng với Ấn Độ ở trong khu vực, nhằm mục đích kiểm soát cả khu vực và để thực hiện kế hoạch lớn “Một vành đai, một con đường”.

Sự thay đổi về sách lược của Ấn Độ và Nepal

Ấn Độ giờ đây phải gỡ gạc và xoay chuyển tình thế. Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ đã công du Nepal, và giờ tới lượt ông Oli đến thăm Ấn Độ.

Ấn Độ nhận ra rằng họ không chỉ cần cải thiện quan hệ với Nepal, mà còn phải đổi mới mối quan hệ này, phải từ bỏ cách nhìn nhận rằng “Nepal phụ thuộc Ấn Độ” và chuyển sang “quan hệ bình đẳng và cùng có lợi” thì mới phân hoá được Nepal với Trung Quốc và Pakistan. Ấn Độ cũng cần phải nhấn sâu vào nỗi lo ngại sâu xa của Nepal trong quan hệ với Trung Quốc, đó là nếu họ tránh phụ thuộc Ấn Độ thì lại phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bài học về cái giá mà Sri Lanka đang phải trả cho mối quan hệ với Trung Quốc rất nhãn tiền và sâu sắc đối với Nepal. Chính vì thế nên ông Oli phải tìm cách tạo cho Nepal thế cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, không dám “nhất biên đảo”, và không phung phí con bài sử dụng đối trọng.

Chiến lược và sách lược này của ông Oli không có gì là khó hiểu nhưng không hề dễ khả thi, bởi Trung Quốc và Ấn Độ tuy cạnh tranh chiến lược với nhau, nhưng hai nước vẫn buộc phải hợp tác với nhau và có nhiều con chủ bài chiến lược và sách lược khác nữa, chứ không chỉ có mỗi con chủ bài là Nepal trong cuộc chơi tay đôi về quyền lực, sức mạnh và ảnh hưởng.

Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều có lợi ích như nhau trong việc không đẩy Nepal nghiêng về hẳn phía bên kia, nhưng đồng thời hai bên cũng không muốn bị Nepal lợi dụng như con bò bị vắt sữa, hoặc bắt cá hai tay.

Trung Quốc không thể nói là không cần sự tham gia của Ấn Độ, nếu như họ muốn việc thực hiện kế hoạch đầy tham vọng “Một vành đai, một con đường” được thuận lợi và thành công. Còn Ấn Độ cũng không thể nói là không cần thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc để phân rẽ nội bộ và việc tập hợp lực lượng của Trung Quốc với những nước trong khu vực như Nepal hay Bhutan… Bản chất và mức độ có khác nhau, nhưng cả ba đối tác này đều không thiếu những khó khăn và khó xử trong quan hệ với nhau.

Với chuyến thăm Ấn Độ lần này, ông Oli đã tìm cách đưa Nepal thoát khó đối với Ấn Độ trước, đồng thời cũng nhằm gia tăng vị thế của Nepal trong quan hệ với Trung Quốc. Ấn Độ nhờ vậy có được cơ hội mới để thoát khó, hoặc ít nhất là cũng bớt khó.

RELATED ARTICLES

Tin mới