Tướng Lưu Liên Côn – bị Bắc Kinh xử tử năm 1999 – vừa được xác nhận đóng vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng tên lửa giữa hai bờ eo biển Đài Loan giai đoạn 1995-1996.
Tướng PLA Lưu Liên Côn (Ảnh: Handout)
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn báo cáo tình báo mới được công bố gần đây ở Đài Bắc, nói rằng chiến tranh có thể đã nổ ra giữa Trung Quốc Đại lục và đảo Đài Loan trong cuộc khủng hoảng tên lửa 1996 nếu không nhờ tin tức rò rỉ từ một gián điệp quân sự cấp cao bên phía Đại lục.
Trong giai đoạn 1995-1996, khi Bắc Kinh tổ chức hàng loạt cuộc thử nghiệm tên lửa gần Đài Loan, thiếu tướng Quân giải phóng nhân dân (PLA), ông Lưu Liên Côn đã tiết lộ cho “những người quản lý” của mình ở phía Đài Loan rằng những tên lửa của Đại lục không mang đầu đạn và Bắc Kinh không có kế hoạch tấn công hòn đảo.
Tướng Lưu bị hành quyết vào tháng 8/1999 với tội danh phản quốc, sau khi tin tức rò rỉ của ông được gián tiếp chuyển tới lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy. Lưu Liên Côn đã được Cục tình báo quân sự Đài Loan vinh danh bằng bia tưởng niệm đặt ở Trung tâm tưởng niệm Đới Lạp – địa điểm được Đài Loan xây năm 1991 để tưởng nhớ lãnh đạo tình báo quá cố của Quốc dân đảng, ông Đới Lạp.
Việc Đài Loan vinh danh ông Lưu, cũng như xác nhận vai trò của ông trong khủng hoảng tên lửa, chỉ được tiết lộ mới đây khi lãnh đạo Thái Anh Văn cùng báo giới Đài Loan viếng thăm Trung tâm tưởng niệm hồi tháng trước.
Bà Thái dành khoảng một tiếng đồng hồ ở Trung tâm để tìm hiểu về 75 điệp viên bị chết vì các vấn đề của Đài Loan. Trong số đó có chuẩn tướng PLA Thiệu Chính Trung, người bị Đại lục xử tử hình cùng ngày với Lưu Liên Côn vì cung cấp tình báo cho Đài Loan.
Lưu và Thiệu được coi là hai quan chức PLA cấp cao nhất tính đến nay được xác nhận “làm việc” cho Đài Bắc. Theo báo cáo, họ có thể đã thoát được án tử nếu ông Lý Đăng Huy không công bố thông tin tên lửa Trung Quốc không có đầu đạn – động thái nhằm làm dịu hoang mang của dư luận trên đảo.
Vụ lộ mật của ông Lý làm dấy lên nghi ngờ ở Bắc Kinh về những nội gián trong hàng ngũ PLA, và kết quả là Lưu cùng Thiệu bị xử tử ba năm sau đó.
Các vụ thử tên lửa của Trung Quốc được đánh giá là để nắn gân Đài Loan, sau khi Lý Đăng Huy thực hiện chuyến thăm Mỹ năm 1995 và bị cho là thách thức chính sách “Một Trung Quốc” mà Bắc Kinh theo đuổi.
Sau khủng hoảng tên lửa 1996, quan hệ hai bờ tiếp tục không êm dịu, ngay cả khi ông Mã Anh Cửu – có lập trường thiện chí với Bắc Kinh – trở thành lãnh đạo năm 2008 và thi hành chính sách tái tiếp cận Đại lục trong 8 năm cầm quyền.
Năm 2011, Đài Loan đã phá mạng lưới tình báo do thiếu tướng Lo Hsien-che đứng đầu. Bắc Kinh khẳng định ông Lo là sĩ quan Đài Loan cấp cao nhất làm việc cho Đại lục.
Sự kiện bà Thái Anh Văn tôn vinh các điệp viên thuộc PLA diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng hai bờ tiếp tục leo thang những ngày qua, sau khi PLA điều tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển, còn tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh cho phép các nhà thầu quốc phòng Mỹ cung cấp trang thiết bị chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan, cũng như hỗ trợ về kỹ thuật.
Trong khi đó, hải quân Đài Loan thông báo tập trận ở vùng biển phía Đông Bắc hòn đảo này trong các ngày 6, 8, 9, 10 và 12/4, cùng thời điểm hải quân Trung Quốc Đại lục tổ chức tập trận thực chiến ở vùng biển gần đảo Hải Nam (5-11/4).