Trung Quốc có thể sẽ hạn chế và ngăn cản người dân đi du lịch Mỹ. Đây chính là “vũ khí” được áp dụng khi quan hệ với nước khác trở lên căng thẳng.
Trung Quốc chuẩn bị “vũ khí” gì trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. (Ảnh: KT).
Những màn trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại trong những ngày vừa qua thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Liệu hai nước đã thực sự bước vào một cuộc chiến thương mại hay chưa?
Cuộc chiến chưa thực sự bắt đầu?
Mặc dù Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng vẫn cần thời gian mới có thể áp mức thuế bổ sung đối với danh mục hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc tuy cũng đã đưa ra danh mục hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ cần đánh thuế bổ sung nhưng cũng cần phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua.
Trong khoảng thời gian 30 – 60 ngày tới, hai bên sẽ thông qua các cơ chế khác nhau, trong đó có cả những quy định của WTO để tháo gỡ tình hình hiện nay, nếu không hóa giải nổi, khi đó Trung – Mỹ sẽ thực sự bước vào cuộc chiến thương mại.
Nếu xảy ra chiến tranh thương mại thực sự, hiện vẫn chưa thể nói bên nào sẽ được lợi, bên nào sẽ bị thiệt hại, tuy nhiên có thể phân tích tình hình từng bên để đánh giá.
Về phía Mỹ, nếu chính phủ của Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế mới, người tiêu dùng Mỹ sẽ khó tiếp cận được những mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc với mức giá rẻ. Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nhất định khi có tới 70% trong số này đầu tư sản xuất tại Trung Quốc nhưng xuất ngược về thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, bên cạnh việc chính phủ Mỹ sẽ thu được khoản tài chính từ biểu thuế bổ sung, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa của Mỹ cũng tận dụng để khôi phục và mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm.
Về phía Trung Quốc, trước mắt người dân nước này chưa cảm thấy lo lắng quá vì họ cho rằng mức độ ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày chưa thực sự rõ rệt. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là sẽ các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trung Quốc sẽ phải nghiên cứu điều chỉnh kết cấu sản xuất. Thực tế thời gian do dư thừa năng lực sản xuất khiến Trung Quốc phải tiến hành điều chỉnh kết cấu cũng như sản lượng chính là nhằm vào thị trường Mỹ, nhất là các mặt hàng sắt, thép…
Các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ buộc phải đóng cửa hoặc chuyển hướng sang thị trường khác. Lượng người thất nghiệp sẽ tăng, tạo áp lực cho chính phủ và xã hội cùng nhiều hệ lụy.
Trung Quốc đã chuẩn bị những gì khi “tuyên chiến” với Mỹ?
Có thể thấy, là bên hưởng lợi nên Trung Quốc không muốn đẩy căng thẳng thương mại với Mỹ, bất lợi cho Trung Quốc. Ngay cả phản ứng ban đầu của Trung Quốc cũng gần như chỉ mang tính hình thức và để ngỏ khả năng đàm phán.
Chỉ sau khi căng thẳng được đẩy lên quá cao từ phía Mỹ thì ngày 6/4, đại diện Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới tuyên bố “sẵn sàng” chấp nhận một cuộc chiến thương mại với Mỹ và sẽ “tiếp” Mỹ đến cùng.
Với tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào khoảng 500 tỉ USD so với 130 tỉ USD nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc sẽ không có lợi khi cũng theo biện pháp áp mức thuế cao. Có thể Trung Quốc sẽ “phản đòn” trên một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất, sẽ là lĩnh vực thương mại dịch vụ, như du lịch, du học, bảo hiểm, tài chính … Trung Quốc tuy xuất siêu hàng hóa sang thị trường Mỹ nhưng Mỹ lại hưởng lợi không nhỏ trong ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn tại thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê, có hơn một nửa trong con số 39 tỉ USD giá trị thặng dư của Mỹ trong lĩnh vực thương mại dịch vụ đến từ chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc trên đất Mỹ. Trung Quốc sẽ hạn chế và ngăn cản người dân nước này đi du lịch Mỹ. Đây chính là “vũ khí” được Trung Quốc áp dụng trong thời gian qua khi quan hệ giữa Trung Quốc với nước khác trở lên căng thẳng.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ đưa chiến tranh thương mại trở thành chiến tranh tài chính. Trung Quốc sẽ giảm mua nợ của Mỹ. Trung Quốc và Nhật là hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc hiện nắm khoảng 1.170 tỉ USD giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ, chiếm tới 7% nền kinh tế Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Chính quyền của Tổng thống Donald Trump khi hàng năm đều cần nguồn kinh phí lớn từ việc phát hành trái phiếu để thực thi các chính sách mới.
Thứ ba, Trung Quốc sẽ gây áp lực lên các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư, làm ăn tại thị trường Trung Quốc. Chiêu thức này đã được áp dụng trước đó để gây áp lực lên Hàn Quốc sau khi nước này cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đất Hàn Quốc, và việc này khiến các công ty của Hàn Quốc thiệt hại nặng tại thị trường Trung Quốc.
Chiêu thức cuối cùng có thể cả Mỹ và Trung Quốc đều tính tới đó là “đánh hội đồng”, nhưng hy vọng không bên nào sử dụng chiêu thức này vì như vậy sẽ biến thành cuộc chiến thương mại giữa một bên là Mỹ và các nước đồng minh và một bên là Trung Quốc và có thể là một số nước đang phát triển.