Hai cuộc tập trận hải quân liên tiếp của Trung Quốc trên Biển Đông là thông điệp mang tính phô trương sức mạnh quân sự chưa từng có với Mỹ.
Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài 3 ngày, từ ngày 11-4, gần Tam Á – căn cứ tàu ngầm lớn nhất châu Á nằm trên đảo Hải Nam và hướng thẳng xuống Biển Đông.
Như vậy nó là phần tiếp theo của màn phô diễn sức mạnh quân sự chưa từng có, kéo dài gần 1 tuần và huy động cả tàu sân bay của Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam.
Đó không phải là những cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước. Tất cả đều diễn ra sau các động thái mang tính thách thức của Mỹ đối với Trung Quốc trên Biển Đông.
Cuộc tập trận thứ hai diễn ra sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông và có các cuộc diễn tập với một số đối tác trong khu vực. USS Theodore Roosevelt vẫn đang di chuyển xuyên Biển Đông và sắp thăm Philippines, đồng minh hiệp ước của Mỹ nhưng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Trước đó ít lâu, một tàu khu trục Mỹ đã áp sát thực thể nhân tạo phi pháp Trung Quốc xây trên Biển Đông, tiến hành cái gọi là “thực thi tự do hàng hải” – gián tiếp thách thức yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh.
Cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ các hình ảnh hàng chục tàu chiến Trung Quốc neo đậu tại căn cứ Tam Á ngày 10-4 – Ảnh chụp màn hình
Chuyên gia hải quân Li Jie của Trung Quốc nhấn mạnh các cuộc tập trận là thông điệp của Bắc Kinh dành cho Washington, rằng các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẵn sàng đáp trả tất cả các thách thức an ninh.
“Hải Nam là điểm khởi đầu của sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. Biển Đông là vùng chiến lược quan trọng bậc nhất cho sự hiện diện và ảnh hưởng hàng hải của Bắc Kinh”, ông Li nhận định trên báo South China Morning Post của Hong Kong.
Biển Đông ngày càng chật hẹp
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt tập trận cùng các tàu chiến của Singapore trên Biển Đông ngày 6-4 – Ảnh: US NAVY
Hôm 10-4, một nhóm các phóng viên đã được mời lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong lúc nó đang di chuyển trên Biển Đông.
Trong vòng 20 phút họ được chứng kiến cảnh 20 tiêm kích F-18 lần lượt cất và hạ cánh trên đường băng dài chưa đầy 300m của USS Theodore Roosevelt.
Đó thật sự là một màn trình diễn ấn tượng, ảnh hưởng đến cảm xúc của những cây bút của các hãng tin hàng đầu thế giới như AP hay Reuters.
“Chúng tôi thấy tàu Trung Quốc xung quanh chúng tôi chứ”, Chuẩn đô đốc Mỹ Steve Koehler – chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay, bình thản nói với các phóng viên.
Chỉ huy tàu sân bay Mỹ lập luận người Trung Quốc có quyền tập trận trong các vùng nước của họ (ngoài khơi đảo Hải Nam – PV) cũng giống như người Mỹ đang làm trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt của Mỹ – Nguồn: US NAVY
Một bộ quy tắc tránh va chạm trên biển (CUES) gần đây đã được thông qua nhằm tránh các tai nạn giữa các lực lượng hải quân trong khu vực. Một vài ý kiến cho rằng nó nên được mở rộng cho cả lực lượng cảnh sát biển của các nước tham gia.
9 quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đều có tên trong CUES, nhưng tuyệt nhiên không có Mỹ. Điều đó đồng nghĩa các trao đổi giữa tàu chiến Mỹ – Trung trên Biển Đông là “song phương” và như thế nào là “chuyên nghiệp” sẽ tùy định nghĩa, tình huống của mỗi bên.
“Trung Quốc là một trong số các lực lượng hải quân hoạt động trên Biển Đông. Nhưng để tôi nói cho các bạn nghe, chúng tôi không thấy gì hết ngoài những trao đổi chuyên nghiệp giữa tàu hai bên”, ông Koehler trấn an.
Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, đang trở nên chật hẹp với các cuộc tập trận của Mỹ và Trung Quốc.