Cuộc tấn công Syria của liên quân Mỹ-Anh-Pháp được cho là đòn tấn công kiềm chế cả về không gian, thời gian lẫn hành động.
Tên lửa liên quân lóe sáng trên bầu trời Syria. Ảnh: AP
Trước cuộc tấn công Syria của liên quân Mỹ-Anh-Pháp rạng sáng ngày 14/4, bình luận viên thời sự nổi tiếng Trung Quốc Lưu Hòa Bình cho rằng, đây là đòn tấn công kiềm chế.
“Thứ nhất là kiềm chế về thời gian. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ- Tướng Joseph Dunford đã nói, đây chỉ là kế hoạch tấn công một lần, hơn nữa kế hoạch này đã hoàn thành, hiện chưa có thêm kế hoạch khác. Thứ hai là kiềm chế về không gian, phạm vi tấn công chỉ giới hạn ở những mục tiêu mà Mỹ nhận định là cơ sở nghiên cứu và tàng trữ vũ khí hóa học của chính quyền Syria. Thứ ba, các đòn tấn công kiềm chế, mặc dù Anh-Pháp liên thủ nhằm trả đũa Nga và tranh chấp bùng phát giữa Mỹ và Iran gần đây về vấn đề hạt nhưng nhưng liên quân Mỹ-Anh-Pháp không mở rộng tấn công vào các mục tiêu quân sự của Nga và Iran”, ông Lưu Hòa Bình nói.
Tuy nhiên, ông này cho rằng, dù là tấn công kiềm chế nhưng hành động như vậy vẫn thiếu tính hợp pháp.
Thứ nhất, liên quân sử dụng danh nghĩa vũ khí hóa học để tập kích chính phủ Syria nhưng cho đến hiện nay, cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra kết luận khẳng định Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Điều này đồng nghĩa việc, trong sự kiện này, Mỹ-Anh-Pháp vừa là thẩm phán vừa là cảnh sát. Đây rõ ràng tồn tại vấn đề trật tự công lý.
Thứ hai, khác với lần Nhà Trắng đơn phương không kích Syria vào năm ngoái, lần này còn có sự tham gia của Anh và Pháp nhưng bất luận như thế thì ba thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc này không thể đại diện cho hội đồng, càng chưa thông qua sự chấp thuận của hội đồng.
Bên cạnh đó, chuyên gia Trung Quốc cho hay, việc Mỹ-Anh-Pháp có thông báo cho Nga trước khi hành động hay không đến nay vẫn xuất hiện nhiều luồng tin trái chiều. Nhưng dù đã thông báo trước cho Nga thì cũng không đồng nghĩa tôn trọng Nga, trái lại có thể là đánh giá thấp Nga, cũng có thể nói, liên quân muốn thông qua hành động này để truyền tải thông điệp tới Nga rằng: “Tôi sắp đánh Syria rồi, tôi đã lật bài ngửa ở đây rồi đấy, cho anh thời gian đối phó, xem anh ra đòn ra sao”.
“Ai là người cười đến cuối cùng?”
Lưu Hòa Bình cho rằng, hành động quân sự lần này của liên quân mục đích để cảnh cáo thế giới, đặc biệt là Nga rằng, Washington vẫn là bá chủ quân sự hùng mạnh nhất thế giới, trong khi Nga dù là lực lượng quân sự thứ hai thế giới thì vẫn không là gì trong mắt Lầu Năm Góc.
Nhận định về phản ứng của Nga, Lưu Hòa Bình nhấn mạnh, trước cuộc tập kích của liên quân, thái độ của Nga tỏ ra rất cương quyết, cảnh báo nếu liên quân tấn công Syria, Moscow sẽ đánh chặn hệ thống tên lửa của liên quân, thậm chí phá hủy bệ phóng tên lửa đó.
Sau khi cuộc tập kích nổ ra, Đại sứ Nga tại Mỹ lên tiếng đây là sự sỉ nhục đối với Tổng thống Putin, đồng thời cũng là sự sỉ nhục đối với một cường quốc hạt nhân. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Alexander Sherin coi đây là hành động xâm lược.
Tuy nhiên, phát ngôn chỉ là phát ngôn, một thực tế không thể lờ đi chính là, khi liên quân tấn công Syria, quân đội Nga lại chọn phương án án binh bất động. “Trong hoàn cảnh như vậy, làm thế nào mà Nga có thể trả đũa lại liên quân Mỹ-Anh-Pháp khi cuộc tấn công kết thúc? Đặc biệt, cần lưu ý rằng cho đến hiện nay, các quan chức đưa ra những tuyên bố đanh thép trên đều có cấp bậc không quá cao. Điều này có nghĩa là Nga vẫn chừa không gian, chỗ trống cho những lần kế tiếp”.
Ngoài ra, sau cuộc tấn công, Nga đã nhanh chóng đề nghị triệu tập cuộc họp Hội đồng bảo an LHQ để thảo luận về vấn đề này. Điều đó có nghĩa Nga đang chuyển đổi quỹ đạo cuộc chơi, thông qua Hội đồng bảo an để giải quyết vấn đề. Bởi về sức mạnh quân sự, Nga chưa chắc là đối thủ của liên quân Mỹ-Anh-Pháp. Nhưng trong khuôn khổ của Hội đồng bảo an, do Mỹ-Anh-Pháp và Nga đều là thành viên thường trực, tất cả đều có quyền phủ quyết nên so với vấn đề giải quyết bằng nắm đấm thì giải quyết bằng đối thoại vẫn là bước tiến bộ hơn.
Về hành động tập kích của liên quân có ảnh hưởng thế nào tới tình hình Syria trong tương lai, Lưu Hòa Bình cho rằng đây chỉ là sự hù dọa của Nhà Trắng và đồng minh, do trước vụ việc gần một tuần, liên quân đã liên tục lên tiếng cảnh báo, cộng thêm việc Mỹ từng tấn công Syria vào tháng 4 năm ngoái nên chính phủ Syria chắc chắn đã có chuẩn bị trước, di tản lực lượng quân sự.
Đối với ảnh hưởng trên chiến trường Syria, Lưu đánh giá, cuộc tập kích 14/4 không những không mang lại lợi ích cho phiến quân Syria, ngược lại còn tạo khó khăn cho lực lượng này. Bởi cuộc tấn công khiến chính phủ Tổng thống Assad nhận thức được rằng, trong tương lai Damascus cần phòng bị trước các cuộc tập kích của liên quân, phương pháp duy nhất là tăng cường cường độ tấn công, kết thúc sớm nội chiến. Đồng thời, trong tương lai Nga-Iran có khả năng sẽ “trút giận”, trả đũa lên phiến quân do phương Tây hậu thuẫn.
Cá nhân Lưu Hòa Bình cho rằng, Tổng thống Donald Trump không quá quan tâm vấn đề Trung Đông, đặc biệt tình hình Syria khi nửa tháng trước, ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria, kết hợp với cuộc tấn công hạn chế lần này – không có sự phối hợp hành động của lực lượng mặt đất – cho thấy những thành tựu quân sự của Lầu Năm Góc về cơ bản không có cách nào để củng cố.
Lưu khẳng định: “Cuộc không kích của liên quân Mỹ-Anh-Pháp chỉ là ngôi sao băng quét qua bầu trời Syria, không để lại điều gì, người cười cuối cùng vẫn là chính phủ Syria, nước Nga và Iran”.