Friday, November 29, 2024
Trang chủĐàm luậnCác nước phụ thuộc kinh tế với sáng kiến “Vành đai và...

Các nước phụ thuộc kinh tế với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của TQ

Kết quả nghiên cứu của RAND Corp. gần đây cho thấy, cam kết đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài thường cao gấp 5 lần giải ngân thực tế.

Nhà nghiên cứu Philippines, Richard Heydarian ngày 16/4 có bài phân tích đáng chú ý về chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc trên tờ Philippines Daily Inquirer qua trường hợp Philippines, sáng kiến Vành đai và Con đường.

Bắt đầu bài viết bằng việc nhắc lại lời phát biểu của Tổng thống Rodrigo Duterte với báo giới trước khi đi Hải Nam dự Diễn đàn Bác Ngao, rằng ông cần Trung Quốc hơn bao giờ hết, tác giả Richard Heydarian nhấn mạnh tính chất thực sự của quan hệ Philippines – Trung Quốc hiện nay, cũng như thách thức Manila đang phải đối mặt.

Hứa nhiều, làm ít

Tổng thống Rodrigo Duterte đã thảo luận về vấn đề ông gọi là “đồng sở hữu” với Trung Quốc về các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Philippines tuyên bố trên Biển Đông.

Động lực chính của sự chấp thuận chiến lược (gác tranh chấp, cùng khai thác) này là những lời hứa từ Bắc Kinh về các khoản đầu tư quy mô lớn vào Philippines.

Nếu chỉ nhìn vào những lời hứa này, Bắc Kinh dường như chính là “câu trả lời” cho nhu cầu phát triển quốc gia của Philippines. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Rodrigo Duterte, đầu tư của Nhật Bản vào Philippines là 31,48 tỉ pesos, Hoa Kỳ là 23 tỉ pesos còn Trung Quốc là 8,36 tỉ pesos.

Năm ngoái, phần lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Philippines đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu.

Cho đến nay, thực tế là các tập đoàn tư nhân Nhật Bản, chứ không phải các công ty nhà nước Trung Quốc, đã rót vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khuôn khổ chương trình “Xây dựng, xây dựng và xây dựng” của ông Rodrigo Duterte.

Một nghiên cứu khả tín của RAND Corp. mới đây phân tích các cam kết đầu tư của Bắc Kinh trên toàn thế giới trong những thập niên vừa qua cho thấy, có khoảng cách rất lớn giữa cam kết đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc với thực tế giải ngân.

Trong nhiều trường hợp, kể cả với các quốc gia thân Bắc Kinh, cam kết đầu tư của Trung Quốc nhiều gấp 5 lần con số thực tế giải ngân.

Mỗi lần thăm Trung Quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte lại mang về cam kết đầu tư hàng tỉ USD. Ảnh: ABS CBN News.

Trung Quốc đã không vội đầu tư vào Philippines, vì họ đã nhận được tất cả những nhượng bộ Bắc Kinh đang tìm kiếm với chi phí tối thiểu.

Chinh phục láng giềng bằng lệ thuộc kinh tế, chiến lược thời nhà Hán sống dậy đằng sau Vành đai và Con đường

Tác giả Richard Heydarian tin rằng, Tổng thống Rodrigo Duterte đang chơi với một siêu cường có “truyền thống” chinh phục láng giềng từ hàng ngàn năm về trước. 

Hơn 2000 năm trước, Tôn Tử đã khuyến cáo các hoàng đế Trung Hoa, rằng nghệ thuật đỉnh cao của chiến tranh là “bất chiến tự nhiên thành”.

Trọng tâm của chiến lược này đã được Lâu Kính (Lưu Kính), “cố vấn kinh tế” của Hán Cao tổ Lưu Bang, triển khai với lập luận, cách tốt nhất để Trung Quốc chiếm các nước lân bang là thông qua “sự lệ thuộc kinh tế”.

Richard Heydarian tin rằng, tư tưởng nói trên của Tôn Tử và Lâu Kính chính là nền tảng cho “sáng kiến” Vành đai và Con đường, cũng như các khoản (cam kết) đầu tư hàng tỉ USD cho các nước láng giềng nhỏ như Philippines.

Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã tiếp xúc nhiều với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, đánh giá:

Hiếm có quốc gia nào mà một nhà lãnh đạo hiện đại lại xây dựng chiến lược nước lớn bằng cách áp dụng các nguyên tắc chiến lược từ các nhà tư tưởng cổ đại (như Trung Quốc).

Bởi vậy theo Richard Heydarian, ngay cả khi Trung Quốc cam kết đầu tư quy mô lớn, thì vẫn có những mối quan ngại về việc, liệu các doanh nghiệp có sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc có thể tuân thủ luật lệ về cạnh tranh đấu thầu, tính bền vững và liêm chính tại các quốc gia họ đầu tư hay không.

Ngoài ra, một mối quan tâm rộng rãi hơn với các doanh nghiệp Trung Quốc này là đòi hỏi của họ được quyền sử dụng không chỉ kỹ sư, quản lý, mà ngay cả lao động chân tay người Trung Quốc cho những dự án đầu tư ở nước ngoài.

(Người viết cho rằng, ngoài các vấn đề học giả Richard Heydarian nêu ra trong bài viết này, một vấn đề nổi cộm nữa trong các dự án đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài là đội vốn, làm trầm trọng hơn các khoản nợ nước ngoài.

Bắc Kinh xem đây là một “tài sản thế chấp” để tìm kiếm nguồn tài nguyên giá rẻ và các lợi ích chiến lược tại các quốc gia mục tiêu đồng thời là “con nợ”.)

Do đó, điều ông Richard Heydarian lo ngại thực sự không phải là “bẫy nợ của Trung Quốc” như một số nhà phân tích đã lưu ý qua các trường hợp như Sri Lanka hay Lào;

Thay vào đó, ông lo ngại về chính các nhượng bộ quan trọng của Tổng thống Rodrigo Duterte dựa trên những cam kết “giả tạo” về các khoản đầu tư quy mô lớn mà không bao giờ trở thành sự thật, từ Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới