Hãng thông tấn Nga Interfax trích dẫn một nguồn tin ngoại giao quân sự đã thông báo thời điểm cụ thể của việc hoàn tất thương vụ bán cho Việt Nam 64 xe tăng T-90.
Cụ thể, theo nguồn tin của Interfax thì hợp đồng mua sắm 64 xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến T-90S (bao gồm cả phiên bản xe tăng chỉ huy T-90SK) sẽ được hoàn thành vào thời điểm cuối năm 2019.
“Quá trình cung cấp xe tăng T-90 cho Việt Nam đã được bắt đầu, cho đến cuối năm 2019 thì thương vụ sẽ hoàn tất”, nguồn tin cho biết.
Theo các thông tin đã công khai trước đó thì nhà sản xuất Uralvagonzavod của Nga sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp số chiến xa trên cho Việt Nam.
Hôm 7/2, Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự (FSMTC) – ông Mikhail petukhov thông báo rằng Nga sẽ chuyển giao cho Việt Nam từng lô hàng theo đúng các điều khoản hợp đồng đã ký kết được báo cáo công khai tại Triển lãm quốc phòng Thái Lan hồi tháng 11/2017.
Như vậy căn cứ vào tiến độ thực hiện hợp đồng thì có lẽ đơn hàng của Việt Nam phải xếp sau Iraq về thứ tự ưu tiên, điều này cũng dễ hiểu vì còn phụ thuộc vào tiến độ giải ngân của gói tín dụng mà phía bạn cung cấp cho ta.
Bên cạnh đó phải nhìn nhận thực tế rằng nhu cầu của Iraq hiện cấp bách hơn Việt Nam rất nhiều khi trên mảnh đất Trung Đông nóng bỏng này giao tranh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, tàn quân IS đang chờ thời cơ để ngóc đầu dậy bất cứ lúc nào.
So sánh với Thái Lan thì Việt Nam sẽ nhận được đủ số lượng T-90S/SK trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều nếu đặt cạnh hợp đồng mua T-84 Oplot từ Ukraine, nhưng dĩ nhiên là không thể “thần tốc” như thương vụ Thái Lan mua xe tăng VT4 do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Phương Bắc – NORINCO của Trung Quốc sản xuất.
Hiện tại cấu hình cụ thể của xe tăng T-90S/SK Nga lắp ráp cho Việt Nam vẫn chưa được tiết lộ, nhưng dựa trên những chiếc T-90S mà Iraq vừa tiếp nhận thì nhiều khả năng lô chiến xa sản xuất lần này sẽ không có đèn nhiễu OTShU-1-7 thuộc hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1, nhưng bù lại xe sẽ được tích hợp bộ giáp hông mới có mức độ bảo vệ vững chắc hơn nhiều.
Trên xe tăng của Iraq còn thấy sự xuất hiện của một khối động cơ điện phụ trợ, giúp cho kíp lái chạy các thiết bị điện tử trong khi nằm phục kích mà không yêu cầu phải chạy động cơ chính, đi kèm theo đó là chiếc máy điều hòa nhiệt độ để đảm bảo điều kiện tác chiến tốt hơn tại vùng khí hậu nóng.
Hai thiết bị trên nhiều khả năng là lựa chọn bổ sung của Quân đội Iraq, chưa chắc nó đã được tích hợp trên xe tăng T-90 của Việt Nam do vấn đề chi phí tương đối lớn.