Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNga dùng chiêu hợp tác TQ tại Crimea

Nga dùng chiêu hợp tác TQ tại Crimea

Nga chọn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở bán đảo Crimea vì lợi thế kinh tế ngoại giao phương Tây.

Trung Quốc có lợi lớn ở Crimea

Hai công ty tư nhân của Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đường băng sân bay của Simferopol là những doanh nghiệp đi đầu cho sự hiện diện của Bắc Kinh trên bán đảo được sáp nhập vào Nga từ năm 2014.

Trung Quốc và cả những người ở bán đảo Crimea chào mừng sự hiện diện rộng lớn hơn ở đây.

Các công ty Trung Quốc còn muốn thể hiện sự quan tâm vào con đường nối từ Nga tới bán đảo Crimea nhưng không phải cây cầu Kerch đang được xây dựng mà là một đường hầm dưới biển chạy song song.

“Hiện thời chưa có cuộc thâm nhập đại trà của giới doanh nhân Trung Quốc vào bán đảo Crimea nhưng chúng tôi luôn vui mừng chào đón và sẽ giúp đỡ tất cả” –  ông Sergey Aksenov, người đứng đầu Cộng hòa Crimea tuyên bố.

Trung Quốc coi sự đầu tư vào bán đảo Crimea là một điểm nhấn trong khuôn khổ siêu dự án kinh tế, chính trị của họ “Vành đai- Con đường”.

Các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến cơ sở hạ tầng vì nó mang lại cơ hội lớn cho các khoản đầu tư tiềm năng. Ngay cả đường hầm xây dựng song song với cây cầu Kerch cũng sẽ là một đường hầm có thu phí.

Sự đầu tư vào Crimea rõ ràng theo như tuyên bố của Trung Quốc đã mang tới cơ hội mở rộng đầu tư kinh tế từ châu Á sang châu Âu. Nó có ý nghĩa không chỉ với Nga mà còn có cả ý nghĩa kinh tế với châu Âu trong mối quan hệ hợp tác làm ăn với Trung Quốc thông qua sáng kiến “Vành đai- Con đường”.

Tuy nhiên, sự đầu tư của Trung Quốc ở Crimea không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế.

Sự hiện diện của Trung Quốc vào Crimea còn mang ý nghĩa thể hiện quan điểm gián tiếp ủng hộ bán đảo này là một phần của Liên bang Nga. Đây là quan điểm trái ngược với Mỹ và phương Tây, những quốc gia đã ban hành lệnh trừng phạt nhiều lần, nhiều cấp độ và liên tục gia hạn trừng phạt đối với Nga vì việc sáp nhập bán đảo Crimea.

Đầu tháng 4 vừa qua, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã công khai tuyên bố chuyến thăm của ông đến Nga và mạnh mẽ gọi đây là một tín hiệu gửi đến Mỹ về mối quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Bắc Kinh. Tướng Trung Quốc cũng không ngần ngại cho biết, ông đến Nga là để “ủng hộ Moscow chống lại Mỹ”.

Ông Ngụy nhấn mạnh, mục đích ông lựa chọn Nga là điểm đến đầu tiên trong lịch trình ngoại giao kể từ khi bắt đầu nhậm chức là để “chứng minh cho toàn thế giới thấy quan hệ song phương giữa hai nước Nga-Trung đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời khẳng định quyết tâm cao độ nhằm củng cố hợp tác mang tính chiến lược của hai nước”; “chứng tỏ với người Mỹ rằng lực lượng quốc phòng Nga và Trung Quốc có mối quan hệ gắn bó mật thiết”.

Sự đầu tư vào bán đảo Crimea hay những tuyên bố trong chuyến thăm Nga của tướng Trung Quốc chỉ là bề nổi của các ý định chính trị phức tạp mà ở đó, không chỉ “dằn mặt” Mỹ, Trung Quốc còn có thể thay Nga làm được nhiều điều, ví như gắn kết quan hệ Nga- phương Tây.

Nga mượn tay Trung Quốc làm người hòa giải với phương Tây?

Mối quan hệ căng thẳng ngày càng trầm trọng giữa Nga và phương Tây thể hiện rõ nhất sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga và con gái ở Anh, vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ-Anh-Pháp vào Syria- một mặt trận mà Nga đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Những gì xảy ra ở bán đảo Crimea đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ tới các ý đồ phòng thủ của phương Tây mà Mỹ đang tìm cách mở rộng.

Trong khi đó, Trung Quốc chưa thể hiện nhiều ảnh hưởng quân sự vào các vấn đề nóng giữa Nga- phương Tây nhưng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong vấn đề kinh tế lại khá lớn. “Vành đai- Con đường” là sáng kiến nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa cũ liên châu Âu – Á, cho phép Trung Quốc mang nhiều cơ hội kinh tế to lớn tới châu Âu.

Khi đó, Crimea với vai trò là một điểm trung chuyển hàng hóa từ châu Âu tới Trung Quốc sẽ là cách làm hóa giải các đòn trừng phạt phương Tây vào bán đảo này và vào cả nước Nga.

Sự có mặt của Trung Quốc ở Crimea trước hết là kinh tế sẽ vừa mang lại lợi ích cho Trung Quốc khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kiếm lời từ hoạt động này ở Crimea.

Nga dung chieu hop tac Trung Quoc tai Crimea
Trung Quốc có chọn Crimea là một trong những điểm trung chuyển của Vành đai – Con đường?

Còn về phía Nga, sự phát triển kinh tế của bán đảo Crimea cũng sẽ mang lại thành quả kinh tế chung của Liên bang. Chưa kể, một khi trở thành điểm trung chuyển trong hành lang kinh tế Trung Quốc – châu Âu, Crimea sẽ loại bỏ dần tác động tiêu cực của trừng phạt phương Tây lên bán đảo này.

Nhiều thành viên thuộc các đảng phái ở một số quốc gia phương Tây đã phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế Nga của giới cầm quyền châu Âu. Nhiều nghị sĩ Đức, Ý đã tới Crimea, công nhận nền Cộng hòa của bán đảo này và thừa nhận sự sáp nhập của Nga. Nếu Trung Quốc cùng tìm thấy cơ hội đầu tư vào Crimea thì đây cũng là cơ hội kinh tế lớn cho Châu Âu. Đây cũng là dịp để các tiếng nói phản đối trừng phạt lên Moscow được chấp nhận.

Sự hiện diện của Trung Quốc ở bán đảo Crimea rõ ràng mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Nga có đang mở rộng vòng tay vì các lợi ích to lớn này?

RELATED ARTICLES

Tin mới