Sunday, January 12, 2025
Trang chủQuân sựChiến tranh Triều Tiên: Cuộc chiến khốc liệt qua góc nhìn Mỹ...

Chiến tranh Triều Tiên: Cuộc chiến khốc liệt qua góc nhìn Mỹ – Nga – Trung – Triều

Theo tài liệu của phía Triều Tiên, trong suốt cuộc chiến, số lượng bom thường và bom napalm ném xuống Bình Nhưỡng tương đương tổng dân số thành phố này.

Quân đội Mỹ phá hủy 1 cầy cầu nhằm chặn đứng đường rút lui của quân đội Trung Quốc. Ảnh: AP

LTS: Ngày 27/4 tới đây, hai miền Triều Tiên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Rất nhiều thách thức và kỳ vọng được đặt trên bàn đàm phán giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in.

Về mặt kỹ thuật, hai miền hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, chính quyền hai miền mới chỉ ký hiệp định đình chiến mà chưa thông qua hiệp ước hòa bình.

Nhân đây, Tòa soạn xin trân trọng gửi tới Quý bạn đọc loạt bài tư liệu về chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

*****

Vì sao chọn vĩ tuyến 38 để phân chia hai miền?

Nhật Bản chiếm đóng và đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến khi Thế chiến II kết thúc (1945). Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bắt nguồn từ sự chia cắt bán đảo. Sự kiện này có mối liên quan sâu xa đến chính sách bán đảo của Mỹ, Liên Xô… sau Thế chiến thứ II. Một số ý kiến nhận định, đây là cuộc chiến giữa “lửa và băng”.

Sau hội nghị Yalta (Liên Xô) tháng 2/1945 – trước khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào tháng 8/1945, Mỹ-Liên Xô đã thảo luận về tương lai bán đảo và đồng thuận chia đôi bán đảo từ vĩ tuyến 38. Liên Xô quản lý từ vĩ tuyến 38 về phía Bắc, Mỹ triển khai quân đội từ vĩ tuyến 38 về phía Nam.

Vĩ tuyến 38 vốn là vĩ tuyến tự nhiên, địa lý đơn thuần, tuy nhiên sau đó, vĩ tuyến này được đưa vào làm cột mốc cho ý đồ quân sự, chính trị của các bên liên quan. Thực tế, việc chia cắt bán đảo Triền Tiên với vĩ tuyến 38 làm ranh giới đã được Nhật Bản và Sa hoàng Nga đề xuất trước đó vào các năm 1896, 1904 nhưng do xung đột lợi ích nên kế hoạch bị trì hoãn.

Vĩ tuyến 38 chính thức trở thành đường phân giới quân sự là khi Nhật Bản tiến hành điều chỉnh triển khai các lực lượng quân đội trên bán đảo. Vào tháng 2/1945, Nhật Bản chia bán đảo ra làm hai khu vực, phía Bắc vĩ tuyến 38 do đạo quân Quan Đông quản lý, phía Nam do cơ quan tướng lĩnh tối cao Hải Lục quân kiểm soát.

Giới phân tích cho hay, không phải ngẫu nhiên Mỹ đồng thuận với phương án đóng quân ở phía Nam ranh giới vĩ tuyến 38. Mà trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã “xem xét thấu đáo về phương diện chính trị”, bởi ba cảng biển quan trọng gồm Seoul, Incheon và Busan đều “vừa vặn” nằm ở phía Nam – thuận lợi cho việc triển khai quân đội của Mỹ đến bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, về phía Stalin, ông lựa chọn ủy trị miền Bắc bán đảo ngoài lý do vị trí địa lý gần kề mà còn từ vĩ tuyến 38 kéo sang phía Đông, Liên Xô sẽ có cơ hội tiến sang các đảo Nhật Bản gần đó.

Ngoài ra, theo Mỹ-Liên Xô, do bán đảo Triều Tiên lúc này chưa có chính phủ riêng, lại thiếu kinh nghiệm tổ chức bầu cử nên hội nghị Yalta quyết định thi hành chính sách ủy trị đối với Triều Tiên trong thời gian có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm nhưng các lãnh đạo Mỹ-Liên Xô khi đó đã nhất trí rằng, thời gian ủy trị “càng ngắn càng tốt”.

Tiếp đến Hội nghị Moscow tháng 12/1945, Liên Xô và Mỹ nhất trí thực hiện chế độ ủy trị ở bán đảo Triều Tiên trong thời gian 5 năm.

Tổng tuyển cử

Năm 1946, Ủy ban liên hợp vấn đề Triều Tiên do Mỹ-Triều nhất trí thành lập đi vào hoạt động. Đến năm 1947, ủy ban đã mở ba cuộc họp nhưng không đạt được bất cứ sự đồng thuận nào mà nguyên nhân được cho là xuất phát từ nội bộ hai miền bán đảo.

Theo ý tưởng ban đầu của Mỹ-Liên Xô và Ủy ban liên hợp vấn đề Triều Tiên thì “vĩ tuyến 38 không phải là phân giới chính trị, Triều Tiên cần phải được thống nhất, tổ chức bầu cử, xây dựng nên một chính phủ chung và ứng cử viên có thể đến từ hai miền”.

Ở khu vực phía Bắc khi đó, chính quyền Joseph Stalin đề cử hai ứng viên sáng giá là Cho Man-sik và Kim Il-sung (tức Kim Nhật Thành) tuy nhiên, tại phiên họp ở Mosow vào tháng 12/1945, ông Cho Man-sik bị mất tín nhiệm. Do đó, Liên Xô quyết định ủng hộ tổ chức của ông Kim Il-sung.

Ở khu vực phía Nam cũng có hai ứng viên gồm Kim Koo và Syngman Rhee (tức Lý Thừa Vãn). Trong đó, Syngman Rhee được chú ý hơn nhờ sự ủng hộ của tướng Douglas MacArthur – vị tư lệnh huyền thoại ở mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II.

Do đối đầu giữa các ứng viên nên cuộc bầu cử ở bán đảo Triều Tiên không đạt được sự nhất trí chung về nhân sự.

Đến cuối năm 1947, chiến tranh Lạnh bùng nổ, Mỹ và Liên Xô không còn tích cực thúc đẩy các cuộc bầu cử thống nhất nữa.

Năm 1948, khi Ủy ban liên hợp vấn đề Triều Tiên ngừng hoạt động, Đại Hội Đồng Liên hợp quốc đã thành lập ủy ban khác và tuyên bố một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trên khắp đất nước Triều Tiên để bầu ra chính quyền duy nhất.

Tuy nhiên, do các xung đột không ngừng xuất hiện, vào tháng 5/1948, một cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ở miền Nam vĩ tuyến, đến tháng 7, quốc hội bầu ông Syngman Rhee làm Tổng thống và đến tháng 8 thì nước Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) chính thức ra đời.

Trước động thái của miền Nam, một tháng sau, miền Bắc tổ chức bầu cử riêng, thành lập Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và bầu ông Kim Il Sung làm Chủ tịch nước. Sau bầu cử, hai miền bán đảo đều khẳng định chính phủ của mình là hợp pháp.

Cuối năm 1948, binh lính Liên Xô rút khỏi Triều Tiên. Trong khi đó, 50.000 quân Mỹ rút dần trong tháng 6/1949 tuy nhiên Washington đã để lại khoảng 500 sĩ quan và binh lính thuộc nhóm Cố vấn quân sự Hàn Quốc (KMAG) để tiếp tục huấn luyện cho lực lượng an ninh Hàn Quốc.

Chiến tranh Triều Tiên dưới góc nhìn của các bên

* Thông tin được trích từ giáo trình lịch sử dành cho học sinh các nước liên quan

Do Syngman Rhee và Kim Il-sung đều mong mỏi thống nhất quốc gia nên giữa hai miền thường xảy ra các cuộc đụng độ quân sự ở biên giới.

Theo Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), sau khi Liên Xô rút khỏi bán đảo, ông Kim Il-sung là người đưa ra “phản ứng sớm nhất”.

Báo Trung Quốc cho biết, vào tháng 3/1949, ông Kim Il-sung tiến hành thăm Moscow dưới danh nghĩa đi ký kết thỏa thuận kinh tế văn hóa để tham khảo ý kiến của lãnh đạo Liên Xô Stalin về việc tấn công quân sự Hàn Quốc. Tuy nhiên, ý tưởng của lãnh đạo Triều Tiên đã bị người đồng cấp Liên Xô bác bỏ với lý do, cần chuẩn bị các phương án cần thiết, đợi miền Nam tấn công sang để phản công thì chiến thắng mới dễ chấp nhận.

Đến tháng 6/1950, theo nhiều tài liệu, Triều Tiên bất ngờ mang quân tấn công sang bên kia vĩ tuyến. Cuộc chiến kéo dài từ năm 1950 đến năm 1953 và tạm kết với một hiệp định đình chiến chứ không phải là hiệp ước hòa bình.

Đáng chú ý, Nhân dân nhật báo dẫn nguồn tin tiết lộ, sau nhiều lần thương lượng, hai lãnh đạo Liên Xô – Triều Tiên quyết định tấn công xuống phía Nam vào tháng 7/1950 nhưng sau đó ông Kim Il-sung đã phản đối, kiên quyết dời ngày sớm hơn là 25/6 vì đây vừa là cuối tuần, đối phương dễ lơ là cảnh giác, hiệu quả đột kích cao; thứ hai vì vấn đề thời tiết, kéo dài sang tháng sau sẽ vào mùa mưa, bất lợi cho việc triển khai lực lượng.

Do đó, Bình Nhưỡng quyết định tấn công vào ngày 25/6.

– Góc nhìn Nga/Liên Xô

Năm 1948, bán đảo Triều Tiên chia cắt thành hai quốc gia: phía Bắc là nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, phía Nam là Đại hàn dân quốc. Hai chính quyền lần lượt gây áp lực lên đối phương và bắt đầu chuẩn bị thống nhất bán đảo bằng quân sự.

Tháng 6/1950, quân đội Triều Tiên tấn công vào miền Nam, chính thức tuyên bố họ đã phản công cuộc tập kích của quân đội do ông Syngman Rhee lãnh đạo.

Quân đội của ông Kim Il-sung chiếm lĩnh Seoul và mong muốn tấn công thêm các khu vực khác. Đến tháng 8 cùng năm, trong tay quân đội Hàn Quốc chỉ còn căn cứ Busan với diện tích không lớn. Đa số các nước thành viên Liên hợp quốc đều coi đây là một cuộc xâm lược. HĐBA LHQ quyết định dùng vũ lực nhằm chống “kẻ xâm lược”. Liên Xô năm đó không tham dự cuộc họp này. Tháng 9/1950, lực lượng quân sự của LHQ do Mỹ lãnh đạo tập kích vào Inchoen, đẩy lùi cuộc tấn công của Triều Tiên. Triều Tiên không chỉ để mất Seoul mà còn để mất cả thủ đô Bình Nhưỡng.

Tháng 10/1950, quân Mỹ áp đảo đến tận biên giới phía Bắc Triều Tiên. Washington dường như đã kiểm soát toàn bộ nước này. Stalin và Mao Trạch Đông không thể chấp nhận kết quả thất bại của đảng Cộng sản nên Trung Quốc đã phái quân tình nguyện sang Triều Tiên. Trên thực tế, hàng triệu lính Trung Quốc đã tràn vào Triều Tiên đẩy quân đội Mỹ trở về bên kia vĩ tuyến 38. Chiến tranh bùng nổ.

Năm 1951-1953, những trận chiến đẫm máu xảy ra giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Không bên nào có bước đột phá, hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Không quân Mỹ tấn công khốc liệt Triều Tiên, thậm chí cả Trung Quốc. Để phản công, phi công Nga bí mật tham gia cuộc chiến. Tháng 7/1953, hiệp định đình chiến được ký kết.

– Góc nhìn Trung Quốc

Vào đầu những năm 1950, Mỹ coi thế trận xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo là trở ngại lớn nhất đối với sự xưng bá thế giới của mình. Đối với Washington, xung đột trên bán đảo Triều Tiên không chỉ là một mối đe dọa đến lợi ích của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên mà còn coi đó là “Giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh toàn cầu do Liên Xô phát động”.

Việc can thiệp vũ trang vào Triều Tiên vừa để duy trì và mở rộng lợi ích của Mỹ ở Đông Á, vừa tạo cơ hội để tiếp tục theo đuổi chính sách bá chủ toàn cầu của mình, cũng nhằm bao vây và phong tỏa sự phát triển của hình thái xã hội chủ nghĩa.

Ngày 25/6/1950, nội chiến Triều Tiên nổ ra. Quân đội Triều Tiên nhanh chóng chiếm Seoul và tiến về phía Nam. Quân đội Hàn Quốc dần dần bị đẩy lùi khiến Mỹ phản ứng mạnh mẽ. Mỹ lợi dụng cơ hội đại biểu Liên Xô từ chối tham dự thảo luận cuộc họp của HĐBA LHQ về vấn đề Triều Tiên, thao túng HĐBA lên án Triều Tiên là “kẻ xâm lược” trong một nghị quyết và tuyên bố hỗ trợ quân sự cho Hàn Quốc và ngang nhiên cử Hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Tháng 7, HĐBA LHQ quyết định thành lập Lực lượng quân sự Liên Hiệp Quốc nhằm can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên, tướng Mỹ MacArthur được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh Lực lượng quân sự Liên Hiệp Quốc. Chiến tranh Triều Tiên từ một cuộc nội chiến trở thành cuộc chiến tranh quốc tế…

Đến tháng 10, quân đội Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 chiếm Bình Nhưỡng, nhanh chóng đưa mồi lửa chiến tranh tới tận bờ Áp Lục, biên giới Trung-Triều và ném bom khu vực Đông Bắc Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh Trung Quốc.

Tháng 10/1950, ông Kim Il-sung gửi điện báo xin hỗ trợ từ Mao Trạch Đông. Để bảo vệ an ninh quốc gia, hỗ trợ các nước XHCN chống ngoại xâm, Bộ chính trị trung ương và lãnh đạo trung ương Trung Quốc đã xem xét thận trọng, quyết định thành lập chí nguyện quân.

Ngày 19/10, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Bành Hoài Đức, chí nguyện quân vượt sông Áp Lục, bắt đầu cuộc chiến giúp đỡ Triều Tiên chống Mỹ. Chí nguyện quân đã lợi dụng nhược điểm từ sự khinh địch và phân chia lực lượng của đối phương để giành hai trận chiến thắng, giải phóng Bình Nhưỡng, đuổi quân Mỹ về phía Nam vĩ tuyến 38.

Tháng 7/1951, theo kiến nghị của Liên Xô, các bên bắt đầu các cuộc đàm phán đình chiến. Kể từ đó, chiến tranh Triều Tiên bước vào giai đoạn mới – vừa đàm phán vừa đánh. Chí nguyện quân và quân đội Triều Tiên chiếm ưu thế lớn, sĩ khí lên cao.

Quân Mỹ lại nắm ưu thế về trang thiết bị kỹ thuật, kiểm soát bầu trời và biển, hỏa lực và tính cơ động của lực lượng mặt đất cũng rất mạnh nhưng binh lính Mỹ lại giảm nhuệ khí nên không thể tổ chức cuộc phản công quy mô lớn.

Tháng 7/1953, sau nhiều cuộc thương lượng, Triều Tiên ký tên vào hiệp định đình chiến.

– Góc nhìn Mỹ

Chiến tranh Triều Tiên đã đưa chiến tranh Lạnh tới Đông Á… Trước khi Nhật đầu hàng vào tháng 8/1945, Liên Xô và Mỹ đã đồng thuận chia (bán đảo Triều Tiên) thành hai khu vực khác nhau theo vĩ tuyến 38. Họ ban đầu muốn sau khi khôi phục hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ tổ chức bầu cử toàn quốc nhưng do quan hệ Liên Xô-Mỹ xung đột, bán đảo Triều Tiên xuất hiện hai chính phủ độc lập.

Hai chính phủ luôn xảy ra căng thẳng dọc phân giới. Ngày 25/6/1950, quân đội Triều Tiên xâm chiếm miền Nam, hành động của họ rõ ràng đã nhận được sự phê chuẩn của Stalin. Chính phủ của Truman lập tức cử hải quân và không quân viện trợ Hàn Quốc. HĐBA LHQ cũng thông qua nghị quyết yêu cầu Ủy ban về vấn đề Triều Tiên của LHQ ngăn chặn hành động xâm lược (Do LHQ từ chối trao ghế ngồi cho Bắc Kinh, để phản đối, đại biểu Liên Xô đã bỏ cuộc họp này).

Đến tháng 9, dưới sự chỉ huy của tướng MacArthur, lực lượng LHQ vượt qua vĩ tuyến 38 tiến lên phía Bắc, mục đích là thống nhất bán đảo, thành lập một chính phủ duy nhất.

Tổng thống Truman lo lắng quân đội LHQ tiếp cận sông Áp Lục biên giới Trung Quốc sẽ kích động sự can thiệp của Bắc Kinh nhưng tướng MacArthur bảo đảm rằng, Trung Quốc sẽ không phản ứng.

Tuy nhiên, đến tháng 11, quân tình nguyện Trung Quốc bắt đầu can thiệp ở bên phía Triều Tiên, đẩy lùi quân đội LHQ về phía Nam. Mặc dù chiến tranh vẫn tiếp diễn nhưng khu vực lân cận vĩ tuyến 38 đã hình thành nên tuyến phòng vệ “an toàn”.

Đối với nhiều người Mỹ, hành động can thiệp của Trung Quốc là minh chứng rõ ràng nhất cho việc thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản ở châu Á… Nhưng trên thực tế, nguyên nhân Trung Quốc tham chiến khả năng lớn nhất là lo lắng Mỹ đóng quân ở biên giới và phát động tấn công qua biên giới Trung Quốc. Tướng MacArthur khi đó còn công khai ủng hộ ném bom phía Đông Bắc Trung Quốc, để chuẩn bị tấn công ĐCTSQ. Điều này càng làm trầm trọng thêm những lo ngại của Trung Quốc.

Trong mọi trường hợp, chiến tranh Triều Tiên là sự không may với Trung Quốc. Sau khi Triều Tiên xâm nhập Hàn, Tổng thống Truman lệnh cử Hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan, đề phòng Bắc Kinh tấn công Đài Loan. Đáng tiếc hơn, cuộc chiến càng khẳng định lập trường các nước phương Tây với Trung Quốc, khiến Trung Quốc bị các nước tư bản lớn cô lập trong 20 năm.

– Góc nhìn Hàn Quốc

Sau khi quân đội Liên Xô tiến vào Triều Tiên, ông Kim Il-sung nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô, bắt đầu nắm thực quyền và bắt đầu thiết lập nền tảng thể chế chuyên chế, cộng sản hóa Triều Tiên.

Tháng 2/1946, ông Kim Il-sung đã trở thành Ủy viên trưởng Ủy ban nhân dân lâm thời Triều Tiên. Ủy ban này thông qua ban hành nghị định cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa các doanh nghiệp quan trọng để củng cố nền tảng của chế độ cộng sản và việc thành lập chính quyền Cộng sản Triều Tiên vào tháng 9/1948. 

Chính quyền Triều Tiên đã bí mật đã ký một thỏa thuận quân sự với Liên Xô để tăng cường sức mạnh quân sự và chuẩn bị cho cuộc xâm lược Hàn Quốc. Tại thời điểm đó, khắp Hàn Quốc xuất hiện các cuộc bạo động và đình công, xã hội vẫn chưa hoàn toàn ổn định, chính trị hỗn loạn.

Triều Tiên thực chất đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho cuộc xâm lược miền Nam nhưng bề ngoài lại tỏ ra muốn hòa bình với Hàn Quốc nhằm che giấu ý định về cuộc tấn công. Sáng sớm ngày 25/6/1950, Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38 và bắt đầu cuộc tấn công miền Nam.

Bất chấp vũ khí lạc hậu, quân đội Hàn Quốc đã chiến đấu dũng cảm chống lại Triều Tiên. Tuy nhiên, do thiếu sức mạnh quân sự và trang thiết bị thiếu thốn, quân đội Hàn Quốc buộc phải rút lui tạm thời khi đối mặt với các cuộc tấn công quy mô lớn. Chính phủ Hàn Quốc đã rút lui về Busan để tránh sự xâm lược của Triều Tiên và đã coi Busan như một thủ đô tạm thời. Sau tiếng súng ngày 25/6, rất nhiều thanh niên đã ủng hộ quân đội, bước ra tiền tuyến.

LHQ đã triệu tập cuộc họp khẩn, xác định Triều Tiên là kẻ xâm lược, yêu cầu rút lui, đồng thời LHQ còn nhất trí nghị quyết viện binh cho Hàn Quốc.

Quân đội Hàn Quốc và lực lượng LHQ tấn công Incheon, từ đây bắt đầu các cuộc phản công và chiếm lại Seoul vào ngày 28/9/1950. Để đạt được ước mơ thống nhất ấp ủ lâu ngày, quân đội đã nhân cơ hội này, đẩy lùi đối phương và tiến vào biên giới Triều Tiên.  

Quân đội Hàn Quốc và các lực lượng vũ trang LHQ đã tiến đến bờ sông Áp Lục, thống nhất đã trong tầm mắt nhưng do sự can thiệp của quân đội Trung Quốc nên phải rút lui. 

Trung Quốc đã huy động lượng lớn binh lính và thực hiện chiến thuật biển người để đẩy quân đội Hàn Quốc và LHQ về phía nam, chiếm đóng Seoul. Qua cuộc giao tranh, Seoul lại được giành về. Về sau, căng thẳng giằng co ở quanh vùng vĩ tuyến 38. Khi cuộc chiến đang trong thế giằng co, các cuộc đàm phán đình chiến bắt đầu và thỏa thuận đình chiến cuối cùng cũng đạt được (7/1953).

– Góc nhìn Triều Tiên

Giáo trình lịch sử Triều Tiên liệt kê lên án hàng loạt các động thái của liên quân Mỹ-Hàn về quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến tranh như: Tăng cường viện trợ, tái thiết các căn cứ quân sự ở miền Nam, tiến hành những hành động khiêu khích vũ trang có chủ ý…

Triều Tiên tố cáo liên quân Hàn-Mỹ có ý định “Bắc phạt” Triều Tiên trước: “Vào tháng 1/1950, Bộ trưởng chiến tranh Mỹ khi đó đã tới Hàn Quốc để chỉ huy kế hoạch “Bắc phạt” của quân đội nước này”.

“Vào tháng 2/1950, tướng MacArthur đã triệu tập “nghịch tặc” Syngman Rhee và Tổng tham mưu trưởng quân đội tới Bộ Tư lệnh Viễn đông, đưa ra những chỉ thị cụ thể để tấn công Triều Tiên”.

“Vào ngày 9, 11 và 13/6/1950, Mỹ đã ban hành các lệnh cảnh giới đặc biệt, tạo nên bầu không khí chiến tranh dọc khắp vĩ tuyến 38 và toàn bộ khu vực miền Nam”.

“Ngày 18/6/1950, John Dulles, đặc sứ Tổng thống Mỹ tới Hàn Quốc, dẫn đầu nhóm cố vấn quân sự Mỹ và quan chức cấp quân đội Hàn Quốc thị sát khu vực vĩ tuyến 38 và phê chuẩn kế hoạch tấn công Triều Tiên.

Ngày hôm sau, John Dulles ra chỉ thị tấn công Triều Tiên vào ngày 25/6. Do đó, có thể thấy, Mỹ đã tiến hành lập kế hoạch tỉ mỉ và chuẩn bị đầy đủ để tấn công miền Bắc. Cuối cùng, vào ngày 25/6/1950, một cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc bùng nổ”.

Triều Tiên cáo buộc, trong cuộc chiến, Mỹ và đồng minh đã thực hiện nhiều động thái nhằm hủy diệt nước này như: thao túng LHQ, kêu gọi các nước đồng minh tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên, sử dụng khí tài hiện đại, sử dụng những “thủ đoạn dã man, tàn khốc nhất”, ném bom đạn số lượng lớn..

“Trung bình, 18 quả bom và đạn đã giội xuống 1km2. Số lượng bom thường và bom napalm ném xuống Bình Nhưỡng tương đương tổng dân số thành phố này”.

“Trong bốn tháng chiến tranh, hơn 50 thành phố đã bị phá hủy và hơn 12.400 ngôi làng bị thiêu rụi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới