Hải quân Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các cuộc diễn tập và diễn tập bắn đạn thât trong một chương trình phô diễn và thị uy lực lượng hải quân ngoài khơi đảo Hải Nam ở Biển Đông và các khu vực lân cận trong khoảng thời gian từ 24.03 đến 11.04.2018. Tư lệnh Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về tham vọng của Trung Quốc.
Chiến hạm Trung Quốc tập trận trên biển
Tham gia cuộc diễn tập khổng lồ này có tàu tuần dương sân bay Liêu Ninh và hơn 40 chiến hạm khác từ các hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải Trung Quốc. Cuộc tập trận được coi là một thông điệp rõ ràng gửi đến lực lượng Hải quân Mỹ.
Sau các cuộc diễn tập có sử dụng các tên lửa chống tàu và tên lửa hành trình, ngày 12.0 4.2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có đích thân tới thị sát cuộc tập trận hải quân quy mô lớn chưa từng có trên Biển Đông. Theo Tân Hoa Xã, ông Tập tuyên bố nhu cầu xây dựng lực lượng hải quân mạnh “chưa bao giờ cấp thiết hơn ngày hôm nay”.
Cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc bao gồm cụm tàu sân bay tấn công chủ lực Liêu Ninh trên Biển Đông có sự tham gia của 10.000 binh sĩ, 48 chiến hạm và 76 máy bay chiến đấu.
Trong lúc hải quân Trung Quốc “diễu võ giương oai”, trang Navy Times của Mỹ cho biết cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã tiến hành các hoạt động phóng hạ các máy bay chiến đấu khi đang hải hành trên Biển Đông. Hơn thế nữa, từ những căn cứ quân sự quanh khu vực này, không quân hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra Biển Đông nhằm răn đe ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc muốn khống chế tuyến hàng hải thế giới có trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ, tức tối lên án các hoạt động hải quân Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh trong tuyên bố chính thức vào ngày 24.03.2018 cáo buộc Washington đã “vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế có liên quan” và “gây nguy hiểm cho các cơ sở và nhân sự trên các đảo Trung Quốc”. Với phát biểu này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngang nhiên coi Biển Đông và các đảo nhân tạo, bồi đắp phi pháp trên biển là “chính thức”. Một phương pháp nguy hiểm đánh vào nhận thức của cộng đồng quốc tế.
Ngày 24.04.2018, Tân Hoa Xã lại khoe cụm binh lực hải quân, dẫn đầu bởi tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh tiếp tục diễn tập phòng không và chống ngầm với một “lực lượng đối kháng” mô phỏng trên eo biển Đài Loan.
Ngoài ra, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – Một bản sao chép hoàn hảo của Liêu Ninh đã sẵn sàng bắt đầu thử nghiệm trên biển trong tuần này.
Tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc Type 001A hoàn toàn giống với tàu sân bay Liêu Ninh được Bắc Kinh đã mua từ Kiev vào năm 1998. Các nhà đóng tàu Trung Quốc đã hiện đại hóa trang thiết bị, hệ thống điện tử thân tàu và đưa vào biên chế trong vũ khí trang bị của Hải quân PLA vào năm 2012.
Đài Loan phát biểu cáo buộc các hoạt động của hải quân Trung Quốc là khiêu khích và đe dọa chiến tranh, chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố sẽ thực hiện diễn tập mô phỏng cuộc chiến đấu đẩy lùi “lực lượng xâm lược”, sửa chữa khẩn cấp các căn cứ không quân, phát triển và tăng cường sử dụng máy bay không người lái như một thành phần của các cuộc diễn tập quân sự trong tuần tới.
SCMP dẫn nguồn tin quân sự cho biết. Hải quân Đài Loan từ ngày 4.06 đến ngày 8.06.2018 sẽ tiến hành các cuộc huấn luyện bắn đạn thât, trong đó có khoa mục “tiêu diệt lực lượng đổ bộ trên bãi biển”.
Tờ Thời báo Đài Bắc ngày 20.04.2018 cho biết, Quỹ Đài Loan vì Dân chủ đã tiến hành một cuộc thăm dò về vấn đề nóng “nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan?”. Theo kết quả của cuộc thăm dò gần nhất, gần 70% người dân Đài Loan “sẵn sàng chiến đấu nếu Trung Quốc cố sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực”.
Tất cả các sự kiện làm gia tăng căng thẳng quân sự gia tăng diễn ra ở châu Á, trong bối cảnh sự chuyển dịch nhằm tái cân bằng quyền lực gây ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là tại khu vực Biển Đông.
Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo, xây dựng trái phép các các cơ sở quân sự trên Biển Đông. Những động thái ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế này đã khiến các láng giềng và quốc tế lo ngại rằng Trung Quốc thực tế đang từng bước thiết lập sự kiểm soát hàng hải và không phận trên toàn bộ một vùng biển chiến lược của thế giới.
Mỹ rất lo ngại về khả năng hải quân PLA (quân đội Trung Quốc) sẽ kiểm soát tuyến đường biển chiến lược trên Biển Đông. Washington đã nhiều lần tuyên bố phản đối các động thái quân sự hóa các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp của Trung Quốc.
Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Philip Davidson trong một tuyên bố bằng văn bản với Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã nêu rõ, quân đội Mỹ cần khẩn trương phát triển vũ khí siêu âm và các loại vũ khí tiên tiến khác để có thể đánh bại Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh tiềm tàng trong tương lai.
“Trong tương lai, vũ khí siêu âm và vũ khí năng lượng định hướng, khả năng của mạng truyền thông và liên kết mạng, những người lính có những kỹ năng giỏi, thủy thủ, phi công, lính thủy đánh bộ, lực lượng bảo vệ bờ biển được đào tạo sâu về công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng đảm bảo khả năng chiến đấu và chiến thắng của chúng ta”, Đô đốc Mỹ nhấn mạnh.
Tướng Mỹ nhận xét: “Tại Biển Đông, PLA đã xây dựng hàng loạt các trạm radar, hệ thống tác chiến điện tử hệ thống phòng thủ trên những thực thể đang tranh chấp như: Đá Châu Viên, Đá Chữ thập, Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Vành Khăn và Đá Xu bi. Trung Quốc sẽ dùng các căn cứ này để khống chế khu vực”.
Vị tư lệnh Mỹ nói thêm: “Các căn cứ quân sự này đã mở rộng đáng kể trong thời gian gần đây, mang lại cho Trung Quốc một khả năng tác chiến điện từ trên phần lớn Biển Đông. Đặc biệt là nơi họ đóng quân, gây ra thách thức lớn cho các hoạt động quân sự của Hải quân Mỹ trong khu vực này”.
Theo một số nguồn tin từ mạng xã hội và báo chí, công nghệ tác chiến điện tử Trung Quốc đã rất phát triển, được sử dụng để chống lại quân đội Mỹ trong khu vực.
Những va chạm quân sự và xung đột ngoại giao giữa Mỹ và trung Quốc đang bắt đầu gia tăng trên Biển Đông phần nào ảnh hưởng mối quan hệ xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh trên bình diện kinh tế. Mỹ áp đặt mức thuế cao đối với một số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt đối với 106 sản phẩm từ Mỹ.
Cả Bắc Kinh và Washington dường như không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại bùng phát giữa hai cường quốc. Mặc dầu vậy, Washington cũng không bỏ qua vấn đề Biển Đông để gây áp lực đối với Bắc Kinh.