Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 27/04/2018

Bản tin Biển Đông ngày 27/04/2018

Bản tin Biển Đông ngày 27/04/2018.

Không lực Mỹ thông báo về cuộc huấn luyện tại khu vực ven Biển Đông

Reuters đưa tin, ngày 27/4, Không lực Mỹ cho biết đã triển khai các máy bay ném bom B-52 tới huấn luyện tại khu vực ven Biển Đông và phía Nam đảo Okinawa của Nhật Bản. Không lực Mỹ cho hay các máy bay B-52 đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Ardesen trên Đảo Guam và “quá cảnh qua khu vực ven Biển Đông” vào ngày 24/4. Theo thông báo của Không lực Mỹ, “Việc triển khai các nhiệm vụ Duy trì sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom (Continuous Bomber Presence – CBP) là nhằm đảm bảo cho các lực lượng của Mỹ luôn trong trạng thái sẵn sàng”, “việc triển khai các nhiệm vụ CBP của Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, được thực hiện thường kỳ kể từ tháng 3/2004, là phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tại buổi họp báo ngày 26/4, trước câu hỏi liên quan đến hoạt động của các máy bay ném bom Mỹ, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm chỉ khẳng định “các lực lượng vũ trang Trung Quốc vẫn kiểm soát được tình hình”.

Vấn đề Biển Đông và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32

Ngày 26/4, The Diplomat đăng bài “Vấn đề Biển Đông và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32” của Giáo sư Carl Thayer, Đại học Quốc phòng Úc. Liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 dự kiến diễn ra ngày 28/4 tại Singapore tới đây, The Diplomat cho biết đã nhận được hai bản sao dự thảo dự kiến sẽ được công bố tại phiên bế mạc của Hội nghị: Tầm nhìn các nhà lãnh đạo ASEAN về một ASEAN Tự cường và Sáng tạo và Dự thảo đầu tiên về Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32. Theo tác giả hé lộ, liên quan đến vấn đề Biển Đông, Dự thảo Tuyên bố Chủ tịch có nêu: “ASEAN sẽ thúc đẩy thượng tôn pháp luật, bảo vệ trật tự khu vực dựa trên luật lệ, gắn với việc tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế”, “thúc đẩy hợp tác trên biển phù hợp với các nguyên tắc và điều ước được cộng đồng quốc tế chấp nhận, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), có giá trị ràng buộc đối với các quốc gia thành viên” và “ASEAN sẽ tích cực triển khai việc ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả”. Giáo sư cho biết, riêng trong bản Dự thảo đầu tiên, đã có 7/25 điểm đề cập đến vấn đề Biển Đông, trong đó, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định “sự tuân thủ đầy đủ mọi tiến trình ngoại giao, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi”. GS. Carl Thayer lưu ý, kể từ khi Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 được công bố, ASEAN bắt đầu sử dụng cụm “tiến trình ngoại giao và pháp lý” nhằm đề cập đến Phán quyết này và cụm từ này đã được đưa vào đoạn mở đầu Tuyên bố Chủ tịch ASEAN nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Phán quyết. Đặc biệt, đoạn 14 đã lưu ý về “những quan ngại của các nhà lãnh đạo về việc quân sự hóa và các hoạt động ở khu vực, gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây hủy hoại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực”, “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành tất cả các hoạt động của các bên tranh chấp và các quốc gia khác, bao gồm những hoạt động được nêu trong DOC có thể làm phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông”. Tác giả bài viết nhận định, việc đưa ra Dự thảo Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 32 đã tạo cơ sở để phân tích văn bản cuối cùng của Tuyên bố Chủ tịch ASEAN dự kiến sẽ đưa ra ngày 28/4 và xác định mức độ Campuchia sẽ tiếp tục lặp lại động thái như đã từng thực hiện vào năm 2012. Ông Carl Thayer cho rằng, ASEAN đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn: đó là dù vẫn liên tục khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ trật tự khu vực dựa trên luật lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS song ASEAN còn “dè chừng do e ngại làm Trung Quốc nổi giận”.

ASEAN sẽ nêu quan ngại trước các hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 26/4, Nikkei đưa tin, theo nội dung bản Dự thảo đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 sắp diễn ra tại Singapore, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ nêu quan ngại đối với hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông. Nikkei cho hay, dự thảo đầu tiên này vẫn có thể thay đổi sau khi có ý kiến tham vấn và vẫn có thể bị phản đối; cho rằng nội dung hiện tại của Tuyên bố nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc nổi giận. Theo Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề biển và Luật Biển, Đại học Philippines cho biết, Singapore không phải là một bên tham gia trực tiếp vào tranh chấp Biển Đông song sự phát triển của nước này lại phụ thuộc nhiều vào thương mại và có lợi ích trong việc thực hiện quyền tự do hàng hải. Ông cho rằng, “việc cho phép các quốc gia lên tiếng bày tỏ quan ngại về tranh chấp trên biển sẽ nhằm thể hiện vai trò nước Chủ tịch của Singapore”.

RELATED ARTICLES

Tin mới