Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐàm luậnViệt Nam cần nhận được sự can thiệp của Tòa án Quốc...

Việt Nam cần nhận được sự can thiệp của Tòa án Quốc tế

Trước sức ép thường xuyên của Trung Quốc ở Biển Đông, theo các nhà phân tích quốc tế, động thái “phản đối” của Việt Nam sau mỗi hành động trắng trợ của Trung Quốc là chưa đủ mạnh và đang tạo ra cái vòng luẩn quẩn.

Động thái phản đối, lên án quen thuộc của Việt Nam như “quan ngại”, “yêu cầu các bên tuân thủ luật quốc tế” trước những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là “phản ứng cần thiết”, nhưng đã “nhờn thuốc”.

Vậy Việt Nam phải làm gì? Giải pháp kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Quốc tế là một lựa chọn “tối ưu” mà Việt Nam sẽ phải thực hiện trong thời gian tới. Đương nhiên Việt Nam không sa vào con đường của Philippines.

Hôm 24/4, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Trung Quốc vừa lắp đặt các thiết bị tác chiến điện tử mới gây nhiễu sóng trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam kịch liệt phản đối các động thái này. Nhưng Trung Quốc vẫn bỏ ngoài tai. Bắc Kinh liên tục gây ra những hành động ngang ngược như cho tàu You Lian Tuo 9 thi công dưới nước; tổ chức cuộc đua thuyền buồm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Rõ ràng hành động gây hấn của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay” các hoạt động trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Về những phản ứng quen thuộc của Việt Nam, theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore: Đây là phản ứng cần thiết, phù hợp với quan điểm của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. Ông nói:“Nó sẽ không đủ vì Trung Quốc hung hăng lắm. Họ cứ thế mà làm thôi. Việt Nam cứ phản đối, còn họ cứ làm. Và cuối cùng thì bây giờ trên thực tế đang có vấn đề lẩn quẩn”.

Còn tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà sử học nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, thì giải thích thêm:“Bởi vì nếu không phản đối, theo luật pháp quốc tế, là công nhận những gì Trung Quốc làm là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho nên đó là một việc làm đương nhiên”.

Trong tuyên bố gửi cho Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ tại buổi điều trần hôm 17/4, Đô đốc Mỹ Philip Davidson cho rằng, Trung Quốc hiện đã có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Đô đốc nhấn mạnh, chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn chặn nước này thâu tóm toàn bộ khu vực.

Trước những diễn tiến dồn dập, mà một số giới chức Mỹ cho là Bắc Kinh “tăng tốc quân sự hóa” khu vực Biển Đông, các chuyên gia quốc tế nhận thấy, Việt Nam đang bị đẩy tới chỗ phải nhờ đến sự can thiệp của Tòa án trọng tài Quốc tế. “Hướng duy nhất, theo tôi, là đưa ra tòa. Không có con đường nào khác cả”,TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Theo ông, mặc dù việc kiện tụng không đảm bảo sẽ giải quyết hoàn toàn vấn đề tranh chấp (như kinh nghiệm của Philippines), nhưng không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ phải lựa chọn giải pháp này. Đây là phương pháp đấu tranh “ôn hòa” và “tối ưu nhất”, đỡ tốn tiền của và xương máu.

Còn theo đánh giá của TS. Nguyễn Nhã, Việt Nam sẽ nắm nhiều phần thắng nếu kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, bởi chủ quyền của Việt Nam trong khu vực là một “sự thật lịch sử” không thể chối cãi, với nhiều chứng cứ có thể tìm thấy ở các nước.“Nước Pháp là một trong những nước mà tôi nghĩ nắm rất rõ về quá trình xác lập chủ quyền ra sao. Chỉ có điều, như tôi từng nói, Trung Quốc có hơn cả ngàn luận văn nghiên cứu về Biển Đông, trong khi Việt Nam lại có quá ít”, TS. Nguyễn Nhã cho biết.

Một nghị sĩ của Philippines, ông Gary Alejano, ngày 24/4 lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc vừa khánh thành một tượng đài trên Đá Chữ Thập, nơi họ xây dựng thành đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự và đường băng. Hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên đảo nhân tạo là “một cái tát” vào mặt các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Về phía Trung Quốc, tại cuộc họp báo ngày 24/4, phát ngôn viên Lục Khảng của Trung Quốc nói: “Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đá chủ yếu là nhằm cải thiện các cơ sở liên quan trên đảo, đá, cũng như điều kiện sống và làm việc cho nhân viên tại đây. Các hoạt động này nhằm để Trung Quốc thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình, chu cấp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế và giúp bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông, vốn rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc và các nước trong khu vực”.

Rõ là lưỡi không xương. Xưa nay Trung Quốc là thế, mặc cho thiên hạ la ó, họ cứ ngang nhiên và trơ trẽn làm những việc đã định, chưa thấy quan tài, chưa nhỏ lệ!.

RELATED ARTICLES

Tin mới