Thursday, November 28, 2024
Trang chủQuân sựMỹ cuống cuồng lo đối phó với "đòn" S-400 của Nga

Mỹ cuống cuồng lo đối phó với “đòn” S-400 của Nga

Nga đã bắt đầu chế tạo các hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport – ông Alexander Mikheev hôm qua (25/4) cho hãng tin Sputnik biết.

“Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện hợp đồng cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Mikheev cho hay, giải thích rằng việc sản xuất những hệ thống tên lửa S-400 cho Ankara đã được khởi động nhưng hoạt động bàn giao chưa được thực hiện.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ vẫn ra sức tìm mọi cách ngăn chặn việc đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống S-400 của Nga. Mới đây, Lầu Năm Góc vừa tìm cách “hạ bệ” sức mạnh của hệ thống S-400 nhằm khiến Ankara dao động trong quyết tâm có được thứ vũ khí vốn được xem là bảo bối của Nga. Giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ – Trung tướng Thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie và phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana W. White đều cho rằng, phản ứng đối với cuộc tấn công của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria đêm hôm 13/4 vừa rồi đã chứng tỏ các hệ thống phòng không của Nga không hiệu quả khi không bắn hạ được bất kỳ máy bay hay tên lửa nào.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Moscow và Ankara đã ký một thỏa thuận 2,5 tỉ USD để mua hệ thống S-400 của Nga. Nga dự kiến cung cấp các tổ hợp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, sau khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov tiến hành hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hồi đầu tháng này, ông Lavrov đã thông báo, Moscow sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng S-400 cho Ankara.

Hợp đồng mua các khẩu đội tên lửa phòng không tinh vi S-400 của Nga là thỏa thuận vũ khí ý nghĩa nhất của Ankara với một quốc gia không phải là thành viên của NATO.

Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên của NATO mua vũ khí hàng đầu của Nga đang gây sóng gió trong quan hệ giữa Ankara với các đồng minh phương Tây. Giới chức phương Tây liên tục lên tiếng bày tỏ sự quan ngại và phản đối hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Mỹ từng tuyên bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ dùng S-400 của Nga sẽ gây ra vấn đề liên quan đến tính tương thích về mặt kỹ thuật với các thiết bị quân sự khác của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO.

Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Mỹ cũng không ít lần lên tiếng cảnh báo Ankara về việc theo đuổi hợp đồng mua các hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ từng thẳng thừng đe dọa việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sẽ khiến nước này phải đối mặt với hậu quả.

Mới đây nhất, hôm 18/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wess Mitchell đã nói: “Ankara nên cẩn thận trước nguy cơ họ đang có bước nhượng bộ chiến lược trước Moscow nhằm đạt được các mục tiêu chiến thuật ở Syria. Ankara nói rằng họ đã mua hệ thống S-400 của Nga. Điều này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt theo điều 231 của Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35”, ông Mitchell cảnh báo.

Tuy nhiên, những lời cảnh báo của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, không có tác dụng. Cả Ankara và Moscow kiên quyết đẩy nhanh tiến trình thực hiện hợp đồng mua bán S-400.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

RELATED ARTICLES

Tin mới