Biết rằng Trung Quốc có thể thống trị về kinh tế, tài chính trong quan hệ với Triều Tiên, nên ông Kim Jong-un đã quyết định quay sang Donald Trump.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đàm đạo tại Bàn Môn Điếm ngày 27/4, ảnh: Đa Chiều.
Nhà báo Katsuji Nakazawa của tạp chí Nikkei Asia Review ngày 30/4 bình luận, ông Kim Jong-un đang xây dựng một mô hình kinh tế – xã hội đặc thù của Triều Tiên, chứ không chấp nhận nhập khẩu mô hình cải cách của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc.
Trong buổi nói chuyện với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4, khi ông chủ Nhà Xanh ngỏ ý muốn thăm núi Paektu ở miền Bắc, ông Kim Jong-un đã buột miệng:
“Tôi cảm thấy xấu hổ về cơ sở hạ tầng giao thông thấp kém”.
Ông Kim Jong-un thừa nhận với ông Moon Jae-in, hệ thống đường sắt của Triều Tiên đã lạc hậu quá xa so với Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho hay, các thành viên đoàn Bắc Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông Pyeongchang tháng Hai năm nay đã báo cáo lại với ông, họ rất ấn tượng với chuyến tàu cao tốc đưa họ đi từ Seoul tới Pyeongchang.
Một tuần trước đó, khi Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, đóng cửa cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri, ông Kim Jong-un đã quyết định “chôn một mỏ vàng” mà ông biết, việc này sẽ “trêu ngươi” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc trông đợi xuất khẩu mô hình cải cách
Đảng Lao động Triều Tiên vừa đề ra chiến lược mới, kết thúc quá trình “vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa xây dựng kinh tế” để tập trung toàn lực phát triển kinh tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết:
“Trung Quốc hoan nghênh điều này. Chúng tôi hy vọng Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ đạt được những thành tựu trong việc phát triển kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân.”
Bắc Kinh cũng đã từng đề xuất với Bình Nhưỡng, hãy từ bỏ chương trình hạt nhân và áp dụng “cải cách và mở cửa” theo mô hình Trung Quốc, bởi theo họ điều đó sẽ tạo ra phép lạ.
Trung Quốc sẽ cảm thấy thoải mái nếu Bắc Triều Tiên lựa chọn theo khuyến cáo của mình.
Năm nay đánh dấu 40 năm Đặng Tiểu Bình khởi xướng cải cách và mở cửa tại Trung Quốc mà ông gọi là “chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc”.
Hy vọng này đã nhen nhóm ở Bắc Kinh khi ông Kim Jong-un chọn thăm “Trung Quan thôn” – một khu công nghệ cao ở Bắc Kinh – nơi được mệnh danh là thung lũng Silicon của Trung Quốc, ngày 27/3.
Mặc dù quan hệ giữa ông Kim Jong-un với Trung Nam Hải đã thay đổi nhanh chóng, ấm lên sau chuyến thăm bất ngờ, nhưng thực tế mối quan hệ Trung – Triều lại rất phức tạp.
Trong khi Bình Nhưỡng thừa nhận đã đến lúc phải dốc toàn lực phát triển kinh tế, họ chưa bao giờ thực sự có ý định nhập khẩu mô hình cải cách, mở của mà Trung Quốc chào hàng.
Sự cảnh giác thường trực của Bình Nhưỡng
Một học giả Trung Quốc cho hay, trong nhiều năm Triều Tiên rất sợ, nếu họ cải cách mở cửa theo mô hình Trung Quốc, họ có thể bị nền kinh tế hàng xóm nuốt chửng.
Sự thận trọng với Trung Quốc đã bắt đầu từ thời Chủ tịch Kim Nhật Thành, cho đến nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã thúc đẩy Triều Tiên khám phá các lựa chọn thay thế khác.
Tháng 9/2002, nhà lãnh đạo Kim Jong-il cho mở đặc khu hành chính đầu tiên tại thành phố chiến lược Sinuiju nằm bên này sông Áp Lục, bên kia biên giới là Đan Đông, Liêu Ninh, Trung Quốc.
Tuy nhiên, đồng tiền chính thức được sử dụng để thanh toán tại đặc khu Sinuiju là đồng đô la Mỹ, không phải nhân dân tệ. Đặc khu này có một nửa lãnh đạo là các công dân nước ngoài.
Tất nhiên ông Kim Jong-il không tham vấn Trung Quốc, cũng chẳng nhận sự giúp đỡ từ Trung Quốc.
Yang Bin, một người Hà Lan giàu có sinh ra ở Nam Kinh, được bổ nhiệm là quan chức cấp cao của đặc khu hành chính Sinuiju lúc 39 tuổi.
Lãnh đạo Trung Quốc khi đó rất bất mãn. Ông Giang Trạch Dân đã phản đối kế hoạch này của Triều Tiên.
10 ngày sau khi Yang Bin được Triều Tiên bổ nhiệm làm trưởng đặc khu hành chính Sinuiju, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ ông tại Thẩm Dương với lý do “trốn thuế”.
Bắc Triều Tiên kêu gọi Trung Quốc thả Yang Bin và trao trả cho Triều Tiên, nhưng Trung Quốc đã truy tố và kết án ông 18 năm tù.
Thời gian này, thay vì hợp tác kinh tế với Trung Quốc, ông Kim Jong-il đã tìm tới Nhật Bản.
Một kế hoạch đã được công bố trong cùng tháng Thủ tướng Junichiro Koizumi đến thăm Triều Tiên và hội đàm với ông Kim Jong-il sau khi trúng cử.
Ông Kim Jong-il đã xin lỗi Thủ tướng Nhật Bản về những vụ bắt cóc công dân nước này, thậm chí ông còn đặt chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên bàn trao đổi với Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Dự án đặc khu hành chính Sinuiju được thiết lập nhằm giúp mối quan hệ Nhật – Triều trở nên trơn tru hơn, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại với Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc.
Vụ Trung Quốc bắt giữ Yang Bin đã gây ra sóng gió lâu dài trong quan hệ Trung – Triều.
Khoảng năm 2015, sau khi ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un đều đã lên nắm quyền được một thời gian, đã có kế hoạch tái khởi động dự án Sinuiju trong khuôn khổ hợp tác Trung – Triều.
Tuy nhiên sáng kiến này bị đình trệ khi ông Kim Jong-un thúc đẩy các vụ thử hạt nhân ở Punggye-ri gần biên giới với Trung Quốc.
Quan hệ Trung – Triều đã cải thiện, ông Kim Jong-un tìm cơ hội từ Donald Trump
Những ngày qua dư luận đã chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của quan hệ Trung – Triều, tuy nhiên sự cảnh giác của Bình Nhưỡng với láng giềng không thay đổi, hợp tác kinh tế Trung – Triều sẽ không đến dễ dàng.
Biết rằng Trung Quốc có thể thống trị về kinh tế, tài chính trong quan hệ với Triều Tiên, nên ông Kim Jong-un đã quyết định quay sang Donald Trump, người ông dự định sẽ gặp vào đầu tháng Sáu.
Ông Kim Jong-un đang tìm kiếm 2 sự bảo đảm từ Tổng thống Donald Trump, một là Washington sẽ không can thiệp vào chính phủ của ông, hai là bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.
Nếu Donald Trump gật đầu, nguồn vốn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể nhanh chóng đổ vào Triều Tiên.
Chỉ cần Kim Jong-un đủ khéo léo, ông có thể nhận được sự chuyển giao công nghệ từ phương Tây như Trung Quốc đã từng nhận được.
Khi ông Kim Jong-un vượt qua các thách thức này, dừng chương trình hạt nhân và tên lửa, điều này sẽ được ông Tập Cận Bình chào đón, bởi lựa chọn này tốt hơn nhiều một cuộc chiến tranh giữa Mỹ với Triều Tiên.
Nhưng ngay sau đó, Trung Quốc sẽ thấy “nguy cơ” Mỹ và Triều Tiên, có thể thêm Hàn Quốc, sẽ giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên mà không cần Bắc Kinh.
Tổng thống Donald Trump dường như đã nhận thức được sự khéo léo của Kim Jong-un.
Bên cạnh một số phát biểu chừa đường lùi cho mình, trong tuần qua ông đã tiếp tục ca ngợi những nỗ lực của ông Tập Cận Bình để thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Cùng chung nhận định này, nhà nghiên cứu Zeng Enyi (dịch âm), từ Viện Nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc ngày 28/4 nói với phóng viên Đa Chiều tại Seoul:
Trọng tâm chính sách cải cách của ông Kim Jong-un là cải thiện đời sống dân sinh, khả năng cải cách toàn diện tại Triều Tiên là rất lớn.
Đương nhiên, ông Kim Jong-un sẽ không nhập khẩu mô hình cải cách của Trung Quốc, mà cải cách của các nước xung quanh sẽ cung cấp cho Triều Tiên những bài học khác nhau.
Bà Zeng Enyi tin rằng, ông Kim Jong-un sẽ cải cách toàn diện để cải thiện đời sống cho dân, chứ không phải do áp lực cấm vận của Mỹ buộc ông phải mở cửa.
Điểm khác biệt giữa ông Kim Jong-un với cha và ông nội mình là ông có kinh nghiệm của bản thân từ thời du học.
Mặc dù dư luận thế giới bên ngoài xem Triều Tiên dường như cô lập với thế giới, nhưng thực chất Triều Tiên đang tích cực hội nhập quốc tế và thời đại. q
Triều Tiên có thể tham khảo bài học cải cách mở cửa của Trung Quốc hay bài học đổi mới của Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ không sao chép.
Cải cách của Triều Tiên sẽ xuất phát từ thực tiễn, thực trạng mọi mặt đời sống và bối cảnh của Triều Tiên hiện nay.