Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiGần 1 tuần sau thượng đỉnh, Hàn Quốc vẫn chưa điện đàm:...

Gần 1 tuần sau thượng đỉnh, Hàn Quốc vẫn chưa điện đàm: TQ “ra rìa” ở bán đảo Triều Tiên?

Đã gần 1 tuần diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc đã lần lượt điện đàm với lãnh đạo Mỹ, Nhật, Nga để thông báo kết quả, trừ Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong một bài viết đăng tải ngày 1/5, JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) cho biết, sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4, Nhà Xanh vẫn còn để lửng một vấn đề chưa giải quyết.

Theo tờ này, ngay sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc đã lần lượt điện đàm với lãnh đạo Mỹ, Nhật, Nga để thông báo kết quả cuộc họp nhưng đến nay Nhà Xanh vẫn chưa kết nối điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một quan chức cấp cao Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 1/5 tiết lộ rằng, “do ông Tập chưa về Bắc Kinh nên chưa thể lập tức điện đàm” và “phía Seoul sẽ liên lạc với ông Tập trong tuần này”.

Tờ JoongAng cho rằng, lời giải thích của Nhà Xanh hiện tại thực sự chưa rõ ràng. Trước đó, ngày 28/4, quan chức Nhà Xanh cho hay: “Phủ Tổng thống vốn muốn điện đàm nhưng do Bắc Kinh bận tổ chức [hội nghị không chính thức] Trung-Ấn nên không thể liên lạc”. Hội nghị Trung-Ấn diễn ra từ ngày 27-28/4 tại Vũ Hán, Hồ Bắc.

Tuy nhiên, ngày 28/4, sau khi hội nghị Trung-Ấn kết thúc, Nhà Xanh vẫn không đưa ra lời giải thích kịp thời.

Bên cạnh đó, ngày 30/4, một thành viên Nhà Xanh khác cho biết, “tại hội nghị an ninh quốc gia ngày 30/4, có thông tin cho hay, Seoul đã truyền đạt kết quả [hội nghị thượng đỉnh liên Triều] thông qua quan chức ngoại giao và phía Trung Quốc cũng bảy tỏ sự cảm kích trước động thái của Hàn Quốc”.

Được biết, quan chức ngoại giao được nhắc đến ở đây là Đại sứ Trung Quốc ở Hàn Quốc Khâu Quốc Hồng. Điều này có nghĩa, Hàn Quốc thông qua Đại sứ để gián tiếp thông báo kết quả tới Trung Nam Hải thay vì một cuộc điện đàm trực tiếp.

Một số ý kiến cho rằng, việc ông Moon chưa điện đàm với ông Tập có khả năng vì vai trò của Trung Quốc trong tuyên bố Bàn Môn Điếm không được đánh giá cao.

Trong khi đó, về tuyên bố chung liên Triều, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) nhận định: “Tuyên bố kết thúc chiến tranh và xây dựng chế độ hòa bình không chỉ là vấn đề của liên Triều. Do đó một đề xuất về cuộc họp ba bên (Triều-Hàn-Mỹ) hoặc bốn bên (Triều-Hàn-Mỹ-Trung) đã được nêu trong tuyên bố. Điều thú vị là, cách sử dụng từ ‘hoặc’ đã thể hiện một sự thận trọng, khéo léo. Điều này cho thấy, trong quá trình xây dựng chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, lãnh đạo liên Triều có những tính toán chiến lược đối với vai trò của Trung Quốc”.

Giáo sư Đại học Cát Lâm Vương Sinh cho rằng, trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và đàm phán đa phương, Trung Quốc sẽ phát huy vai trò quan trọng không thể thiếu.

Tuy nhiên, trái với các nhận định tích cực của giới phân tích Trung Quốc, đến nay Nhà Xanh vẫn chưa liên lạc với Trung Nam Hải với lý do “ông Tập không ở Bắc Kinh”.

RELATED ARTICLES

Tin mới