Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinKhôi phục Hạm đội 2: Chiêu bài mới của Mỹ nhằm "trói...

Khôi phục Hạm đội 2: Chiêu bài mới của Mỹ nhằm “trói chân” Nga

Mỹ chốt giữ như thế buộc Nga phải dàn binh đối phó ở khu vực này và phải dè chừng hơn trong những hoạt động quân sự mới.

Tàu sân bay Mỹ tham gia tập trận. Ảnh: Hải quân Mỹ

Khôi phục Hạm đội 2

Bảy năm sau khi giải tán, Hạm đội 2 của Mỹ lại được khôi phục từ ngày 4/5 vừa qua. Với Hạm đội 2 này, Mỹ hiện có cả thảy 7 hạm đội hoạt động ở vùng biển xung quanh nước Mỹ và trên thế giới. Phạm vi hoạt động của Hạm đội 2 được phía Mỹ xác định là từ bắc Đại Tây Dương đến tận vùng biển Caribe.

Lý do được phía Mỹ đưa ra cho quyết sách này là bởi cạnh tranh giữa các cường quốc. Từ đó có thể dễ dàng nhận thấy mục tiêu đối phó của Hạm đội 2 của Mỹ chỉ có thể là Nga. Nhưng từ giác độ chiến lược thì đó là một phần trong cuộc bày binh bố trận quân sự mới của Mỹ trên thế giới.

Soi vào những định hướng trong chiến lược quân sự mới được phía Mỹ công bố thì việc khôi phục Hạm đội 2 này là logic chứ không mâu thuẫn.

Chiến lược ấy đề ra 2 mục tiêu phấn đấu cho quân đội Mỹ là đối phó Nga vì coi Nga là mối đe doạ an ninh lớn nhất và gây dựng khả năng có thể hành động quân sự ở mọi nơi trên thế giới vào mọi thời điểm.

Hạm đội 2 này giúp Mỹ và phía sau Mỹ là NATO đối phó Nga trên 2 phương diện.

Thứ nhất là đối phó những hoạt động quân sự của Nga, đặc biệt của tàu ngầm và không quân của Nga, ở vùng biển Baltic và vùng biển phía bắc Đại Tây Dương, tức là những nơi giáp ranh với nhiều nước thành viên NATO ở châu Âu.

Những nước này lo ngại sâu sắc về các hoạt động của Nga và coi đó là bằng chứng về tình trạng bị Nga đe dọa về an ninh. Nhưng bản thân họ không có đủ khả năng để đối phó hữu hiệu và để ngăn cản Nga. Hạm đội 2 của Mỹ ở đây đóng vai trò như sự đảm bảo an ninh cho những đồng minh kia, là chỗ dựa và khuôn khổ cho họ tham gia đối phó Nga và là sự răn đe Nga.

Thứ hai, Hạm đội 2 được khôi phục và triển khai như thế chẳng khác gì chốt giữ, canh gác và kiểm soát một vùng biển mà hải quân Nga phải đi qua để tới hoạt động ở những vùng miền xa xôi khác. Chẳng hạn như tới Địa Trung Hải để hậu thuận và tham gia các hoạt động quân sự của Nga ở vùng Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.

Phía Mỹ không chỉ biết rõ hơn mà còn có thể cản trở những triển khai chiến lược của hải quân Nga ở vùng Đại Tây Dương.

Bước triển khai chiến lược mới

Mỹ chốt giữ như thế buộc Nga phải dàn binh đối phó ở khu vực này và phải dè chừng hơn trong những hoạt động quân sự mới, đặc biệt khi sử dụng hải quân, tàu ngầm và không quân.

Trên lý thuyết, Mỹ làm vậy còn để đối phó với những nguy cơ về an ninh xuất phát từ tàu ngầm của Nga trang bị vũ khí hiện đại, kể cả vũ khí hạt nhân, có tầm bắn vươn tới nước Mỹ. Đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng tuyên cáo về khả năng mới của những thế hệ vũ khí mới của Nga. Mỹ kìm chân Nga ở nơi đây để hạn chế Nga hoạt động quân sự ở nơi khác.

Khôi phục Hạm đội 2 là bước triển khai chiến lược mới của Mỹ. Trong số 7 hạm đội của Mỹ thì còn có Hạm đội 7 được triển khai ở khu vực Thái Bình Dương và Hạm đội 5 ở khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông và vùng Vịnh. Cả ba nơi này hiện đều là những nới với nhiều thách thức thật sự đối với Mỹ về chính trị an ninh và quân sự.

Mỹ làm sống lại Hạm đội 2 để tạo thế trận chiến lược và sách lược mới về địa chính trị và an ninh. Ba hạm đội này vừa có thể tập trung vào sứ mệnh quân sự chính của chúng lại vừa luôn có thể hậu thuẫn cho nhau, giúp nhau hành động nhanh chóng hơn và linh hoạt hơn.

Việc khôi phục Hạm đội 2 này không tương thích với chủ ý của đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump là giảm can dự quân sự của Mỹ ở bên ngoài và đòi các đồng minh quân sự của Mỹ phải tự đóng góp nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh cho chính mình.

Nó cho thấy ông Trump chịu tác động và áp lực mạnh mẽ đến mức không cưỡng lại nổi của giới quân sự và những nhân vật thuộc cánh “diều hâu” ở Mỹ.

Điều này càng lộ rõ khi việc hồi sinh Hạm đội 2 này không có tác động chính trị nội bộ đáng kể gì đối với ông Trump. Nó rất có thể là dấu hiệu mới về nét mới trong bản chất chính sách đối ngoại và an ninh của ông Trump cho thời kỳ tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới