Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinTQ cạnh tranh vùng trời với Mỹ: Đường còn xa!

TQ cạnh tranh vùng trời với Mỹ: Đường còn xa!

Ở thời điểm năm 1997, quân đội Trung Quốc chỉ sở hữu một ít tên lửa tấn công tầm gần. Gần đây cân bằng lực lượng trên bầu trời đã dần thay đổi.

Lực lượng không quân của TQ đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Ảnh: CMND

Cây bút kỳ cựu Marc Champion của tờ Bloomberg mới đây có bài xã luận về những thay đổi trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (TQ) đang dần làm chuyển dịch cân bằng quyền lực trên các vùng trời.

Trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua, Mỹ và các đồng minh đã thống trị vùng trời mà không có bất kỳ đối thủ nào có thể qua mặt nhưng trong bối cảnh quan hệ Mỹ với Nga và với TQ trở nên căng thẳng thì mọi chuyển dần thay đổi.

Mạnh tay chi cho ngành quốc phòng

Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đầu tháng 5-2018 công bố TQ là quốc gia thứ hai thế giới (sau Mỹ) về chi tiêu quân sự năm 2017, ước tính 228 tỉ USD , chiếm 13% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Con số này tăng 12 tỉ USD so với năm 2016.

Tầm nhìn đến năm 2025, TQ còn triển khai kế hoạch 300 tỉ USD nhằm nâng cao công nghệ, hướng tới tham vọng thống lĩnh thị trường công nghiệp toàn cầu, trong đó có nhóm ngành trí tuệ nhân tạo , chế tạo robot .

Phải thẳng thắn nhận thấy rằng ngành công nghiệp quân sự TQ, dưới sự đầu tư mạnh tay của chính phủ, đã thay da đổi thịt mạnh mẽ trong thập niên gần đây. Trong đó phải nhắc đến hệ thống tên lửa không đối không được bắn từ máy bay đang giúp TQ dần thu ngắn khoảng cách ưu thế với Mỹ và các nước phương Tây.

Douglas Barrie, một chuyên viên cao cấp chuyên nghiên cứu về không quân tại Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London nhận định rằng phương Tây đã từng có một không gian bầu trời mà họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn nhưng TQ đã cho thấy rằng điều đó hiện nay dường như không còn nữa.

Điều này buộc các nhà quản lý quân sự Mỹ phải bắt đầu tính toán những tổn thất khả dĩ mà không quân Mỹ có thể đối mặt – điều mà nước Mỹ vốn không phải quá suy nghĩ kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Cải thiện hệ thống tác chiến trên không

Nếu như Mỹ có tên lửa tầm xa có thể tiêu diệt máy bay địch cách 160 km do Tập đoàn Raytheon Inc sản xuất, Liên minh châu Âu (EU) có hệ thống tương tự – Meteor được đánh giá còn nguy hiểm hơn thì TQ có PL-15 thậm chí được đánh giá cao hơn.

Ngoài ra, phải nhắc đến PL-XX, được nhiều chuyên gia nhận xét là hệ thống tên lửa không đối không có thể đảm nhận vai trò vũ khí ở tầm siêu xa, nhắm vào các mục tiêu có giá trị cao như máy bay cảnh báo sớm E-3 hay máy bay trinh sát RC-135, vốn được ví von như những con “mắt thần” quan trọng của quân đội Mỹ.

Giới quan sát trong đó có Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Griffin còn tỏ ra lo ngại sự tiến bộ của TQ và Nga trong việc phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh có khả năng tiêu diệt tàu sân bay mà Mỹ không dễ dàng phát hiện và bắn hạ.

Ngoài ra, TQ còn cải thiện nhanh chóng các loại máy bay chuyên chở vũ khí, tên lửa cho quân đội. Trong năm 2018 TQ sẵn sàng tiếp nhận 24 chiếc SU-35S sản xuất ở Nga, đồng thời triển khai mẫu máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 do Tập đoàn Chengdu của TQ phát triển từ năm 2011 và cất cánh lần đầu tiên vào ngày 31-10-2012.

Giới quan sát cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa không quân TQ với các đối tác của nước này, điển hình như Nga, Pakistan trong phối hợp vũ khí để xây dựng chiến thuật phù hợp.

Không quân Mỹ vẫn là mạnh nhất

Trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, một đơn vị nổi tiếng trong giới nghiên cứu quan hệ quốc tế, khi so sánh tương quan sức mạnh quân sự Mỹ và TQ trong một cuộc chiến giả định, lần đầu tiên đưa ra nhận định không quân TQ đã đạt được ưu thế tương đương với Mỹ trong cuộc xung đột diễn ra gần quốc gia này, bao gồm cả Đài Loan.

Kết quả này không gây ngạc nhiên, bởi TQ (và cả Nga) vốn đã từng bước hiện đại hóa quân đội, trong đó không quân rất được quan tâm trong thời gian dài do nhiều động lực.

Đầu tiên là sự lo ngại về an ninh của TQ trước quân đội Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan. Theo đó là tham vọng bành trướng trên biển, đẩy TQ đối đầu với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, đối đầu với nhiều nước Đông Nam Á ở biển Đông.

Ở bình diện cạnh tranh chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu nói chung, TQ phải đối đầu với Mỹ và đồng minh Mỹ với hệ thống quân đội siêu mạnh.

Những cuộc chiến tranh mà không quân Mỹ đã “nghiền nát” đối thủ trong vài thập niên qua và sức mạnh của nền kinh tế quy mô đến hơn 13.000 tỉ USD đã cho TQ một bài học đắt giá và cơ hội trong việc củng cố sức mạnh và quyền lực quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia, thậm chí thách thức quyền lực khác.

Ở bình diện khu vực và toàn cầu, không quân Mỹ vẫn là lực lượng mạnh nhất. TQ hiện vẫn đang ở rất xa phía sau. Viện Nghiên cứu Lowy tại TP Sydney (Úc) mới đây công bố chỉ số quyền lực châu Á cho thấy vị trí số một vẫn thuộc về Mỹ với rất nhiều ưu thế hơn hẳn TQ, trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Washington.

Dù chi tiêu quân sự của TQ gia tăng mạnh nhưng con số này chưa bằng 1/3 của Mỹ (ước tính lên đến 610 tỉ USD). Ngoài ra, công nghệ động cơ phản lực của TQ còn yếu kém và phụ thuộc nhiều vào Nga. Phần lớn các loại vũ khí mới của TQ chưa được kiểm tra trong chiến đấu.

Đó là chưa kể quân đội tác chiến không quân TQ bị đánh giá là kém hơn so với lực lượng được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm chiến thuật của phương Tây.

RELATED ARTICLES

Tin mới