Theo các chuyên gia, hiện năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương có xu hướng vượt quá mức tăng năng suất lao động, khiến các doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận và không có khả năng mở rộng thị trường.
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với tiêu đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”, vừa diễn ra sáng nay (8/5) tại Hà Nội.
Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện năng suất lao động
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), năng suất lao đồng (NSLĐ) là chỉ tiêu quan trọng và phổ biến được sử dụng trong đo lường hiệu quả phát triển kinh tế, được định nghĩa là lượng đầu ra trên một đơn vị đầu vào được sử dụng để sản xuất ra lượng đầu ra đó.
Thống kê cho thấy, năng suất lao động bình quân của Việt Nam đã tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm.
Trong giai đoạn 2006 – 2012, tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam giảm từ 4,05% trong năm 2006 xuống còn 3,06% ở năm 2012, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,29%/năm. Giai đoạn 2012-2017, NSLĐ bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6.49%. Nhìn chung, giá trị NSLĐ tổng hợp có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm.
Mặc dù năng suất lao động Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ qua các năm, nhưng theo ông Thành, trên phương diện so sánh quốc tế, khi năng suất lao động của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia), lại thấp hơn rất nhiều.
Dẫn chứng về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, tới 2015, NSLĐ của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên. NSLĐ của Việt Nam thấp nhất trong các nước so sánh, kể cả Campuchia, ở ba ngành (Công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi, truyền thông. NSLĐ của Việt Nam xếp gần cuối, chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành (nông nghiệp, điện, nước, khí đốt, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa.
Ngược lại, Việt Nam có năng suất lao động cao hơn một số nước trong ba nhóm ngành là khai mỏ và khai khoáng, tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.
Đưa ra biện pháp nhằm cải thiện NSLĐ của Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cũng như cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao NSLĐ trong các ngành, đồng thời đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.
“Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về NSLĐ nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế. Đồng thời, phát triển thị trường lao động cùng các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy quá trình dịch chuyển lao động theo đúng nhu cầu dịch chuyển cơ cấu. Bên cạnh đó, nhóm ngành công nghiệp (chế biến chế tạo) và dịch vụ cần được chú trọng nhiều hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh và thay đổi công nghệ, nhằm tạo động lực bền vững cho sự cải thiện năng suất chung”, ông Thành nhấn mạnh.
Tốc độ tăng lương cao hơn năng suất lao động
Cũng thông tin tại Hội thảo, hiện mối liên hệ giữa lương tối thiểu, lương bình quân và năng suất lao động đang là chủ đề của các cuộc thảo luận chính sách trong những năm gần đây. Một mặt, đại diện của các công đoàn cho rằng mức lương tối thiểu hiện tại được đặt dưới mức tối thiểu của người lao động và do đó tăng lương tối thiểu nhanh hơn là điều thiết yếu để cải thiện mức sống của họ.
Mặt khác, tốc độ tăng trưởng của lương tối thiểu và lương trung bình, nếu vượt quá tốc độ tăng năng suất lao động, sẽ dần dần nhưng nghiêm trọng phá vỡ sự cân bằng của nền kinh tế về nhiều mặt, đặc biệt là cản trở sự tích tụ vốn con người, làm giảm động lực của các nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mối liên hệ giữa mức lương bình quân và năng suất lao động thay đổi theo thời gian, theo loại hình sở hữu doanh nghiệp, và theo ngành kinh tế.
Cụ thể, mặc dù lương trung bình đã tăng chậm hơn mức tăng năng suất lao động trong hầu hết những năm 2000, nhưng xu hướng này đã không còn nữa trong giai đoạn 2009 – 2012.
Theo loại hình sở hữu, tăng trưởng tiền lương đã vượt mức tăng trưởng năng suất của các doanh nghiệp FDI, nhưng thấp hơn mức tăng năng suất của các doanh nghiệp nhà nước. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, tăng trưởng lương trung bình gần với năng suất lao động.
Theo ngành kinh tế, tăng trưởng tiền lương có xu hướng vượt quá mức tăng năng suất lao động trong các ngành có năng suất tăng trưởng thấp, như khai thác mỏ, bưu điện và viễn thông và vận tải. Đối với các ngành phục vụ tiện ích công cộng (nước và điện), tốc độ tăng lương lại thấp hơn tốc độ tăng năng suất. Tăng trưởng tiền lương gần như bằng tăng trưởng năng suất trong các ngành sản xuất, thương mại và xây dựng.
Theo các chuyên gia của VEPR, việc tiền lương tăng nhanh hơn tăng trưởng năng suất lao động nhìn chung làm giảm tỷ lệ lợi nhuận, kéo lùi tốc độ tích lũy vốn của khu vực doanh nghiệp, và tương ứng với đó là mức tạo việc làm. Đồng thời, sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm cả trên phương diện thị trường lao động và của khu vực doanh nghiệp nội địa.