Anh, Pháp, Đức và Nga đã có những động thái đầu tiên sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và trước tình hình căng thẳng leo thang tại Syria.
Ngày 10/5, Iran bị cáo buộc bắn rocket vào các địa điểm đóng quân của Israel ở cao nguyên Golan. Để đáp trả, phía Israel đã tấn công hầu hết các căn cứ quân sự của Iran ở Syria.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã lên án vụ xung đột này và yêu cầu cộng đồng Hồi giáo không có những hành động quá khích làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Ông Johnson cũng cho biết, Anh ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của Israel khi bị tấn công.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. (Ảnh: PA)
Ngày 10/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Israel và Iran kiềm chế, tránh leo thang xung đột trong khu vực.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đặc biệt nhấn mạnh: “Tình trạng leo thang xung đột trong một vài giờ qua cho chúng ta thấy đây là vấn đề giữa chiến tranh và hòa bình. Tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế”.
Bà Merkel hối thúc Hội đồng Liên minh châu Âu có những thay đổi quốc phòng và ngoại giao phù hợp với tình hình thế giới, đồng thời, cho biết Đức sẽ giữ những vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP)
Ngày 10/5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã họp tại Matxcơva trong nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Sau cuộc họp, ông Heiko Maas cho biết, điều quan trọng là Iran cần tôn trọng các điều khoản trong thỏa thuận năm 2015 và Matxcơva có thể sử dụng sức ảnh hưởng của mình để yêu cầu Tehran tuân thủ.
Ngoại trưởng Nga thông báo, Matxcơva đã kêu gọi Iran và Israel không có những hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ngoài ra, các bên liên quan vẫn đang tìm cách duy trì thỏa thuận, sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố từ bỏ (hôm 8/5).
Ngoại trưởng Nga Lavrov. (Ảnh: Velcraft)
Theo ông Lavrov, Tổng thống Putin đã thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhân dịp ông này có chuyến thăm Matxcơva và dự Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5.
Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. (Ảnh: Reuters)
Năm 2015, Thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc). Theo đó, nước này sẽ hạn chế tối đa chương trình vũ khí hạt nhân nhằm tránh khỏi sự trừng phạt của 6 cường quốc.
Hôm 8/5, Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, vì cho rằng nó không thể ngăn Tehran tiếp tục mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân.
Hôm 9/5, Nhà Trắng thông báo Mỹ chuẩn bị áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Tehran vào đầu tuần sau.