Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mới16 quốc gia dễ bị tổn thương bởi ngoại giao bẫy nợ...

16 quốc gia dễ bị tổn thương bởi ngoại giao bẫy nợ của TQ

Trung Quốc cho các nước châu Á – Thái Bình Dương không có khả năng trả nợ vay hàng trăm tỉ USD, đổi lại họ tăng đòn bẩy quân sự và chính trị trong khu vực.


Financial Review ngày 13/5 đưa tin, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có báo cáo xác định 16 quốc gia dễ bị tổn thương trước chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang dành các khoản vay không bền vững trị giá hàng trăm tỉ USD cho các quốc gia nhỏ ở châu Á – Thái Bình Dương. Điều này đã giúp Trung Quốc có được các đòn bẩy kinh tế quan trọng để chiếm quyền chiến lược về quân sự.

Những quốc gia dễ bị tổn thương theo báo cáo của Mỹ gồm: Vanuatu, Philippines, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Tonga và Micronesia…

Học giả Sam Parker từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, bình luận:

“Trung Quốc đang cho các nước thường không có khả năng trả nợ vay hàng trăm tỉ USD và họ muốn có gì đó đổi lại món nợ này.

Mô hình kinh tế công tư của Trung Quốc cho phép họ chuyển đổi các khoản nợ kinh tế thành ảnh hưởng và tài sản chiến lược.”

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang nỗ lực thay thế Hoa Kỳ, trở thành bá chủ khu vực kể cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương.

Chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc có khả năng đóng vai trò quan trọng trong một chiến dịch nhiều mặt mà Trung Quốc tiến hành để làm xói mòn các lợi thế chiến lược của Mỹ và đồng minh, làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á.

Vanuatu đang trong tình trạng “nợ ngập đầu” với Trung Quốc, còn Bắc Kinh đang tìm cách tận dụng tình trạng khủng hoảng tài chính sắp xảy ra tại quốc đảo Thái Bình Dương này.

Tháng Tư vừa qua, Fairfax Media đưa tin, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc thảo luận sơ bộ với Vanuatu về việc cho nước này xây dựng một căn cứ quân sự tại quốc đảo cách Australia chưa đầy 2000 km.

Mặc dù Trung Quốc và Vanuatu đều phủ nhận bất kỳ kế hoạch nào đang diễn ra, nhưng Thủ tướng Australia Malcolm Turbull đã cảnh báo Trung Quốc không thiết lập căn cứ quân sự ở Nam Thái Bình Dương, vì nó gây nguy hiểm cho hòa bình khu vực.

Tháng trước, ông được Thủ tướng Vanuatu, Charlot Salwai, cam kết sẽ không bao giờ cho phép Trung Quốc sử dụng cảng mà họ xây ở Vanuatu như một căn cứ quân sự.

Andrew Shearer, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho 2 đời Thủ tướng Australia, John Howard và Tony Abbot, cho biết, phần lớn hỗ trợ phát triển của Trung Quốc là các khoản cho vay, thay vì viện trợ như của Australia và phương Tây.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lo ngại rằng, Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy kinh tế với Campuchia, Lào và Philippines để có được “quyền phủ quyết” trong ASEAN.

Lào và Campuchia vốn đã vay số tiền kỷ lục từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư 6,7 tỉ USD vào 760 dự án tại Lào, nhiều hơn 1 nửa GDP của quốc gia này.

Dưới thời Thủ tướng Najib Razak, Malaysia cơ bản im lặng trước yêu sách của Trung Quốc về (cái gọi là) chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào quốc gia này những năm gần đây.

Trung Quốc đã cấm nhập khẩu và tiêu hủy hàng ngàn tấn trái cây xuất khẩu của Philippines khi quốc gia này chống lại sự chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Khi Tổng thống Rodrigo Duterte có bước lùi lại trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục mua trái cây nhiệt đới với số lượng lớn từ Philippines.

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc do chính phủ bảo lãnh có thể đầu tư vượt ra ngoài khuôn khổ kinh tế thuần túy để mang về lợi thế chiến lược cho Trung Quốc, trái ngược với các doanh nghiệp phương Tây.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị khôi phục các cuộc đối thoại giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, củng cố vai trò của Ấn Độ trong khu vực, thúc đẩy một trật tự theo quy tắc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới