Philippines đã mua tên lửa, tính sắm tàu ngầm, ngư lôi; trong khi đó tân Thủ tướng Malaysia sẽ xem lại các dự án đầu tư từ Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.
Tên lửa Trung Quốc trên Biển Đông,
VOA tiếng Trung Quốc ngày 11/5 cho biết, một học giả Đài Loan tin rằng, những tên lửa (hành trình chống hạm YJ-12, phòng không HQ-9B) Trung Quốc bố trí bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) sẽ thách thức Hoa Kỳ và các đồng minh.
Ý đồ của Trung Quốc trong động thái này là ngăn cản tàu quân sự Mỹ, Australia, Nhật Bản tự do lưu thông qua khu vực.
Trong khi Hoa Kỳ tin rằng Biển Đông là một vùng biển quốc tế cần duy trì tự do hàng hải, thì Trung Quốc yêu sách (cái gọi là) chủ quyền với 90% diện tích vùng biển này.
Australia và Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ chính sách bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
Năm 2017 Nhật Bản đã điều động tàu sân bay trực thăng đến Biển Đông tập trận. Tháng trước, tàu hải quân Australia đã chạm trán tàu Trung Quốc ở Biển Đông (khi đang trên đường tới Việt Nam).
Từ đầu 2017, Trung Quốc đã bắt đầu bố trí hệ thống phóng tên lửa trên một số cấu trúc địa lý (chiếm đóng trái phép) ở Biển Đông, tháng Tư năm nay lần đầu tiên Bắc Kinh xác nhận đã kéo tên lửa xuống vùng biển này.
Giáo sư Hoàng Giới Chính từ Đại học Đạm Giang, Đài Bắc, Đài Loan nhận định, Trung Quốc sẽ tránh sử dụng tên lửa để gây tổn hại thật (với Hoa Kỳ và đồng minh), nhưng sẽ sử dụng tên lửa để đe dọa các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. [1]
Tuy nhiên, thách thức từ Trung Quốc không chỉ dừng ở mặt quân sự.
Theo cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Trung Quốc đang sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để mở rộng ảnh hưởng của mình, đầu tiên là ở châu Á, sau đó là trên toàn thế giới.
Bà đã cảnh báo Australia trong một bài diễn thuyết tại Melbourne rằng:
“Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là tham vọng của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và các dự án của nó. Đầu tiên là trên khắp châu Á, sau đó là khắp thế giới.
Tôi hy vọng rằng Australia sẽ đứng lên chống lại những nỗ lực của hệ thống này nhằm gây ảnh hưởng đến nền chính trị và chính sách của Australia.”
Bà so sánh những nỗ lực của Trung Quốc để gây ảnh hưởng và can thiệp vào chính trị Australia với sự can thiệp của Nga vào bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, mà bà đã thua ông Donald Trump.
Với trường hợp Trung Quốc, bà Hillary Clinton nói với người Úc rằng: “Đây là một vấn đề cấp thiết và chúng ta phải cùng nhau đối mặt ngay lập tức.”
Trong một động thái khác có liên quan, Times of Israel ngày 11/4 dẫn nguồn tin AP cho biết, hải quân Philippines sẽ triển khai tên lửa tấn công có khả năng bảo vệ lãnh thổ cho tàu quân sự.
Manila đã quyết định mua tên lửa Sike ER của Israel, nhưng không công bố chi tiết.
Phó đô đốc Robert Empedrad phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, hải quân Philippines cũng đang lên kế hoạch mua ngư lôi, tàu ngầm và các vũ khí phòng thủ khác để hiện đại hóa năng lực hải quân, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.
Một trong những địa điểm Philippines có thể triển khai tàu hải quân mang tên lửa là phía Tây đảo Palawan, gần nơi Trung Quốc mới bố trí tên lửa trên 3 đảo nhân tạo (bất hợp pháp ở Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi).
Ông Empedrad từ chối bình luận khi được hỏi, liệu quân đội Philippines có thực hiện các bước cần thiết để xác minh thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa ra 3 đảo nhân tạo này hay không, và liệu họ có kế hoạch bảo vệ các cấu trúc địa lý Philippines đang chiếm đóng bằng hệ thống phòng thủ tên lửa hay không.
Khi được hỏi Philippines đã chuẩn bị như thế nào trong bối cảnh các mối đe dọa từ Trung Quốc trong khu vực Biển Đông ngày càng nóng bỏng, ông Empedrad cho hay:
“Nếu so với khả năng của hải quân Trung Quốc, chúng ta đang thua họ nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ.”
Còn tại Malaysia, tân Thủ tướng 92 tuổi Mahathir Mohamad có thể cân bằng lại mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách xem lại các giao dịch đầu tư với quốc gia này.
Những năm Thủ tướng tiền nhiệm Najib Razak cầm quyền đã thu hút một lượng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc vào Malaysia, nhưng lại “cướp mất bát cơm của người dân bản địa”.
Ông Mahathir cho rằng người Mã Lai chẳng được lợi lộc gì từ các khoản đầu tư Trung Quốc và họ không hoan nghênh những khoản đầu tư như thế.
Ngay từ khi tranh cử, ông Mahathir đã tuyên bố, nếu trúng cử ông sẽ giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư từ Trung Quốc, đồng thời sẽ khởi động lại việc đàm phán vấn đề Biển Đông.