Ông Trump thừa biết rằng cả Mỹ cũng lệ thuộc vào Trung Quốc nên chỉ cần không ý thức được điểm dừng và đi quá đà là sẽ lợi bất cập hại và phản tác dụng ngay.
Trong mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc có hai lĩnh vực bộc lộ rõ nét nhất tình trạng hai bên vừa ganh đua nhau quyết liệt, lại vừa phải cần đến nhau là chuyện xung khắc thương mại và vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, hai nước này rồi đây hợp tác với nhau như thế nào hoặc thù thế với nhau ra sao thì phải sau cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên mới rõ. Nếu không có đột biến gì thì Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Singapore vào ngày 12/6 tới.
Còn về chuyện xung khắc thương mại thì sau mấy vòng to tiếng doạ trừng phạt và trả đũa lẫn nhau, ông Trump đã cử đoàn kinh tế thương mại cấp cao sang Trung Quốc. Đàm phán ở Trung Quốc chưa thành công. Vòng tiếp theo dự kiến sẽ được tiến hành tại Mỹ.
Việc cả hai bên “thiện chí” đàm phán đến như vậy cho thấy cả hai đều nỗ lực tránh để xảy ra chiến tranh thương mại bằng mọi giá.
Trong bối cảnh tình hình ấy, có chuyện tập đoàn ZTE của Trung Quốc bị Bộ Tài chính Mỹ cấm nhập khẩu linh kiện điện tử từ Mỹ, đặc biệt từ hai hãng Intel và Qualcomm, trong thời gian 7 năm. Cú đòn này của Mỹ khiến cho ZTE phải tuyên bố ngừng sản xuất ở Trung Quốc và 75.000 lao động có nguy cơ bị thất nghiệp.
Sau đó mấy ngày, ông Trump cho biết là đã trao đổi với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tỏ ra quan ngại về việc nhiều lao động bị thất nghiệp và tuyên bố đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ Mỹ liên quan xử lý lại vụ việc này.
Trước tiên làm cho ZTE sập tiệm và sau đó giang tay ra cứu – hành động tưởng như tiền hậu bất nhất này của ông Trump lại hoàn toàn không phải ngẫu hứng và không đi cùng chủ ý gì.
Nguy hại cho Trung Quốc
Phía Mỹ nhằm vào ZTE không phải vô cớ. ZTE là một trong những tập đoàn công nghệ cao lớn nhất, lừng danh nhất của Trung Quốc và chỉ đứng thứ tư trong số những tập đoàn công nghệ cao trên thị trường Mỹ.
ZTE tự thú nhận là đã vi phạm những biện pháp của Mỹ trừng phạt Iran và Triều Tiên khi cung cấp sản phẩm mua của Mỹ cho hai nước kia. ZTE đã phải chịu phạt 968 triệu USD, đang bị xét tuyên phạt tiền một lần nữa và bị cấm như nói ở trên.
Tác động của vụ việc này nguy hại đối với Trung Quốc ở 3 phương diện.
Thứ nhất là thiệt hại trực tiếp cho ZTE và hậu quả tiêu cực của việc ZTE bị buộc phài ngừng sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, ZTE tạo tiền lệ là phía Mỹ chỉ cần sử dụng một biện pháp hành chính là đã có thể hạ gục một anh tài trong thế giới công nghệ cao ở Trung Quốc. Sau ZTE rồi sẽ là những hãng khác nữa của Trung Quốc.
ZTE cho thấy hiện tại Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc như thế nào vào công nghệ cao ở Mỹ và vào chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc nói chung và đối với các tập đoàn của Trung Quốc nói riêng.
Thứ ba, Trung Quốc đã đưa ra chương trình “Made in China 2025” với mục tiêu chinh phục vị trí hàng đầu thế giới về công nghệ cao, trước hết trên 10 lĩnh vực công nghệ then chốt quan trọng nhất đối với nhân loại trong tương lai.
Những biện pháp chính sách của Mỹ như đối với ZTE có thể làm cho Trung Quốc không đạt được mục tiêu như mong muốn đề ra cho chương trình này hoặc khiến Trung Quốc phải mất thêm nhiều thời gian và tốn công của nhiều hơn nữa mới đạt được. Cũng vì thế mà không có gì khó hiểu khi phía Trung Quốc phải tìm mọi cách ngăn chặn Mỹ trừng phạt ZTE.
Lý do ông Trump “ra tay”
Ra tay cứu ZTE, ông Trump không tránh khỏi bị những cử tri và lực lượng ủng hộ mình ở Mỹ coi là tiền hậu bất nhất và đăc biệt là không trung thành với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”. Nhưng thực chất, ông Trump lại không thể làm khác và cũng không phải lần đầu tiên người này thay đổi quan điểm mà đấy còn là sách lược của ông Trump. Cũng vì ba lý do sau:
Thứ nhất, phía Trung Quốc đã có ý là nếu Mỹ không nhượng bộ chuyện liên quan đến ZTE thì sẽ không cử đoàn sang Mỹ đàm phán nữa, tức là xung khắc về thương mại sẽ còn kéo dài và càng kéo dài thì càng bất lợi cho ông Trump khi cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ cứ ngày càng thêm gần.
Thứ hai, ông Trump nhả chuyện này để đòi Trung Quốc nhượng bộ trong chuyện khác và Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ làm như vậy. Cái mà ông Trump cần là Trung Quốc giảm xuất siêu với Mỹ, mở cửa thị trường cho sản phẩm của Mỹ, chấm dứt vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Ông Trump cũng còn muốn Trung Quốc không trả đũa nhằm vào những vùng miền ở Mỹ mà cử tri ở đó vốn luôn ủng hộ ông Trump và Đảng Cộng hoà.
Thứ ba, Trung Quốc còn có nhiều vũ khí thương mại và kinh tế khác nữa mà ông Trump không thể coi thường. Trong đó có việc Trung Quốc nhập khẩu hàng năm linh kiện bán dẫn điện tử ở mức độ trung bình 260 tỷ USD từ Mỹ.
Ông Trump thừa biết rằng cả Mỹ cũng lệ thuộc vào Trung Quốc nên chỉ cần không ý thức được điểm dừng và đi quá đà thôi là sẽ lợi bất cập hại và phản tác dụng ngay.
Cho nên trong chuyện xung khắc thương mại này, Mỹ và Trung Quốc dẫu bề ngoài có làm găng với nhau đến đâu thì thực chất sách lược của họ đều là “mềm nắn, rắn buông” với nhau.