Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 18/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 18/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 18/05/2018.

Phủ Tổng thống Philippines: Chính phủ đã trao đổi với phía Trung Quốc về việc nước này triển khai các căn cứ quân sự trên Biển Đông

Ngày 17/5, GMA News đưa tin từ Phủ Tổng thống cho biết, Chính phủ Philippines đã trao đổi với phía Trung Quốc về việc nước này triển khai các hệ thống tên lửa và các cơ sở quân sự khác trên các cấu trúc mà Philippines cho là thuộc chủ quyền của mình. Cụ thể, phát ngôn viên Tổng thống Philipppines Harry Roque cho biết Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano đã thông báo rằng Philippines đã có cuộc thảo luận về vấn đề này với phía Trung Quốc trong buổi tham vấn song phương gần đây. Trước đó, ngày 16/5, Tổng thống Duterte đã có ghi nhận về hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm các khu vực mà Philippines có quyền chủ quyền song cho rằng “không cần thiết phải tranh cãi về việc Trung Quốc triển khai các khí tài quân sự trên các cấu trúc Philippines yêu sách”.

Trung Quốc lớn tiếng ngăn cấm mọi hoạt động dầu khí ở Biển Đông

Reuters đưa tin, ngày 17/5, phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, nhằm phản đối hoạt động khoan dầu của Công ty Rosneft Vietnam BV, một nhánh thuộc Tập đoàn dầu khí Nhà nước Rosneft của Nga, tại một khu vực trên Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lớn tiếng yêu cầu “không một quốc gia, một tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào được tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí tại vùng biển của Trung Quốc mà không có được sự cho phép từ nước này”, đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc hối thúc các bên liên quan nghiêm túc tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, không có những hành động làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hoà bình cũng như ổn định của khu vực”.

Học giả Mỹ: Philippines có thể sẽ mất các quyền trên biển của mình ở Trường Sa nếu Thoả thuận tăng cường hợp tác phòng thủ Mỹ – Philippines (EDCA) không được thúc đẩy

Ngày 18/5, trang Inquirer cho biết, ngày 16/4, trang War on the Rocks đã đăng tải bài viết “Những nguy cơ khi quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ – Phi xuống dốc” của Gregory Poling và Conor Cronin, các chuyên gia về biển thuộc Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ. Bài viết khẳng định, việc trì hoãn thực hiện Thoả thuận tăng cường hợp tác phòng thủ Mỹ – Phi (EDCA) sẽ khiến Philippines gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông. Không những vậy, nếu thoả thuận này không được thúc đẩy, lợi ích quốc gia của cả hai nước cũng sẽ bị ảnh hưởng: Philippines sẽ mất toàn bộ các quyền của mình ở Biển Đông, bị Trung Quốc đe doạ hoặc tấn công bằng vũ lực; trong khi đó, Mỹ sẽ bị xem là không khác gì “một con hổ giấy” không có khả năng phản ứng một cách nhanh chóng nhằm xử lý các mối đe doạ nhằm vào quân đội Philippines và bảo vệ đồng minh của mình cũng như các quyền tự do trên biển. Ngoài ra, các tác giả cũng nhấn mạnh rằng “Việc Mỹ có được khả năng để đưa ra phản ứng theo Hiệp ước sẽ là rào cản lớn nhất để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc sử dụng vũ lực. Hiệp ước cũng cho phép Philippines có thể có một số biện pháp nhằm đẩy lùi các hành động của Trung Quốc”. Ông Poling và Cronin cho rằng hai trong số các căn cứ chiến lược để có thể thực hiện các mục tiêu của EDCA là hai căn cứ không quân Basa và Antonio Bautista nhằm phản ứng một cách nhanh chóng đối với mọi mối đe doạ nhằm vào bãi cạn Scarborough (đối với Basa) và ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền và binh lính của Philippines ở quần đảo Trường Sa (đối với Antonio Bautista). Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở quân sự trên hai căn cứ này gặp phải một số khó khăn để có thể được tiến hành sớm hơn do các khu vực này được ưu tiên để nâng cấp xây dựng các sân bay dân sự gắn với các căn cứ quân sự nhằm thúc đẩy du lịch. Hai tác giả cũng cảnh báo rằng, với những thông tin gần đây về việc Trung Quốc bố trí các thiết bị chế áp điện từ gây nhiễu các tuyến liên lạc ở một số căn cứ gần Philippines, “các tàu và máy bay qua lại gần quần đảo Trường Sa đã trở thành mục tiêu trong tầm ngắm tên lửa cũng như bán kính chiến đấu của các oanh tác cơ Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới