Theo Military Watch, Trung Quốc có lẽ là đối tác “vô giá” nhất đối với quốc gia này.
Theo tạp chí Military Watch, sau mối quan hệ hữu nghị ngắn ngủi với phương Tây, Iran có vẻ đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đối tác lâu đời và đáng tin cậy hơn, trong đó có Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.
Đặc biệt, Trung Quốc đang hứa hẹn sẽ đầu tư vào Iran, cũng như cung cấp cho nước này các phương tiện cần thiết để hiện đại hóa quân đội.
Trong những thập kỷ khi vẫn còn là khách hàng thân thiết của phương Tây, Iran – đồng minh chính yếu của Mỹ tại Trung Đông đã mang tới cho Washington những căn cứ quân sự quan trọng sát biên giới Liên Xô. Nhưng tới năm 1979, sau khi triều đại Pahlavi bị lật độ, chính sách đối ngoại của Iran đã có sự thay đổi đáng kể.
Trung Quốc – nhà cung cấp vũ khí “vô giá” với Iran
Cuộc chiến tranh giữa Iran với Iraq – quốc gia Ả Rập giàu dầu mỏ và có được sự hậu thuẫn từ Mỹ, Liên Xô, Pháp – đã buộc Tehran phải tìm kiếm các nguồn cung ứng vũ khí thay thế. Trong bối cảnh đó, Triều Tiên và Trung Quốc trở thành những nhà cung cấp quan trọng.
Các hệ thống pháo, tên lửa đạn đạo và súng trường của Triều Tiên đều được đưa vào biên chế quân đội Iran với số lượng lớn, nhiều loại khí tài còn tiếp tục hoạt động đến ngày nay.
Trung Quốc cũng chứng tỏ mình là một nhà cung cấp vũ khí “vô giá” với nước Cộng hòa Hồi giáo mới thành lập khi ấy. Ngoài vũ khí cá nhân, Bắc Kinh còn cung cấp cho Tehran các tên lửa đạn đạo để đối phó với tên lửa Scud-B (do Liên Xô sản xuất) trong trang bị của Iraq.
Tên lửa hành trình chống tàu Silkworm đã chứng tỏ nó là thứ vũ khí vô cùng quý giá trong tay Iran, và đã được sử dụng để tạo ra hiệu quả lớn tại vịnh Ba Tư, khiến Mỹ – Iraq đặc biệt lo ngại.
Trung Quốc còn cung cấp cho Iran một số lượng lớn các hệ thống vũ khí, từ súng trường tấn công Type 56 cho tới các tàu tên lửa lớp C 14 và Type 021, súng lục Type 54 và pháo WAC-21.
Mối quan hệ giữa hai phía vẫn được duy trì sau khi chiến tranh Iran-Iraq kết thúc. Trung Quốc đã bán cho Iran hàng chục phiên bản hiện đại hóa của tiêm kích một động cơ J-7. Điều này vô cùng cần thiết khi Không quân Iran phải hứng chịu thiệt hại nặng nề trong suốt 8 năm xung đột.
Sau đó, có thông tin Bắc Kinh đã hỗ trợ Tehran phát triển tiêm kích hạng nhẹ nội địa Saeqeh – phiên bản sao chép từ mẫu F-5 Tiger của Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là đã hỗ trợ Tehran phát triển phiên bản nội địa của mẫu máy bay không người lái tàng hình RQ-170 (Mỹ). Và Iran cũng cho phép các chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu mẫu máy bay này để tự phát triển thiết kế của riêng mình.
Cùng với Triều Tiên, Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Iran phát triển ngành công nghiệp quân sự. Nhiều hệ thống tên lửa của Iran dựa trên công nghệ Trung Quốc, trong đó có tên lửa Oghab, Nazeit và Nasr – phiên bản sao chép trực tiếp, gần giống với tên lửa C-704 của Trung Quốc.
Phần lớn các loại tên lửa chống tàu trong trang bị của Iran hiện nay đều là biến thể nội địa của các mẫu tên lửa do Trung Quốc thiết kế, chúng gần như là các bản sao chép giống hệt.
Một số hệ thống khác như Shahab 3 và Khorramshahr được dựa trên các mẫu tên lửa đạn đạo của Triều Tiên như Rodong-1 và Musudan.
Trung Quốc được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Iran thiết lập các cơ sở sản xuất tên lửa chống tàu Nasr vào năm 2010.
Đây là mẫu tên lửa được thiết kế để triển khai từ máy bay chiến đấu F-4 của Iran và được xem là “chìa khóa” để ngăn chặn các hoạt động quân sự của Mỹ tại vịnh Ba Tư, cũng như cho phép Iran thiết lập vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) hạn chế trên biển.
Hỗ trợ Iran phát triển chương trình hạt nhân
Ngoài hỗ trợ quân sự, Trung Quốc còn có những đóng góp quan trọng vào chương trình hạt nhân Iran trước khi thỏa thuận hạt nhân JCPOA được ký kết, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và giúp Iran đào tạo các kỹ sư hạt nhân, cũng như các chuyên gia nghiên cứu uranium.
Từ giữa những năm 1980, Trung Quốc đã cung cấp cho Iran các thiết bị và công nghệ hạt nhân quan trọng, giúp các kỹ sư Tehran làm chủ phương thức sử dụng laser để làm giàu uranium.
Các kỹ sư và kỹ thuật viên Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng giúp Iran thành lập Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Esfahan – cơ sở trọng yếu để Tehran phát triển chương trình hạt nhân.
Chưa hết, Trung Quốc còn hỗ trợ Iran khắc phục tác động do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra, như sử dụng thỏa thuận trao đổi hàng hóa để tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với các ngân hàng Iran. Điều này đã khiến chiến dịch gây áp lực của phương Tây nhằm vào Iran suy yếu đáng kể.
Theo Military Watch, Bắc Kinh có lẽ là đối tác “vô giá” nhất đối với Tehran. Họ vừa có khả năng cung cấp vũ khí, giao dịch thương mại và mua số lượng lớn dầu mỏ của Iran, đồng thời giúp quốc gia này đối phó với áp lực từ phương Tây.
Sau khi lệnh cấm nhập khẩu vũ khí tấn công đối với Iran được dỡ bỏ vào năm 2020, nước này có lẽ sẽ tìm đến Trung Quốc để tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Một số nguồn tin cho biết Iran đang có ý định mua số lượng lớn tiêm kích hạng nhẹ J-10, tiêm kích chiếm ưu thế trên không J-11.
Thậm chí tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc cũng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của các tiêm kích Sukhoi Nga nhằm giành chỗ trong kho vũ khí của Iran.
Hiện Tehran rất cần có các tiêm kích hiện đại để đối chọi với lực lượng tiêm kích F-15 của Saudi Arabia và Israel.
Suy cho cùng, những áp lực và đe dọa từ phương Tây ở một khía cạnh nào đó lại thúc đẩy Iran củng cố mối quan hệ với các đối tác châu Á, trên hết là Trung Quốc. Bắc Kinh có thể mang lại cho Tehran cả lợi ích về kinh tế và quân sự theo một cách mà các quốc gia khác như Nga hay Triều Tiên không thể.