Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLối ra nào cho hòa bình Trung Đông? Câu trả lời là......

Lối ra nào cho hòa bình Trung Đông? Câu trả lời là… không có câu trả lời

Máu đã đổ dữ dội ở Palestine trong những ngày đấu tranh chống việc khai trương đại sứ quán Mỹ ở Đông Jerusalem. Ý định thực sự của Mỹ là gì?

Nếu như các câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp báo chiều 14-5 ở Nhà Trắng, khi ngày tang tóc tại dải Gaza cùng lễ khai trương tòa đại sứ Mỹ ở Jerusalem đã kết thúc, phản ánh phần nào thái độ của báo giới thì các câu trả lời của phụ tá phát ngôn viên Raj Shah buộc người nghe phải thắc mắc liệu có phản ánh trung thực thái độ của chủ nhân Nhà Trắng hay không.

Điệp khúc Hamas

Phụ tá phát ngôn viên Raj Shah mở đầu: “Chúng tôi có biết các báo cáo về bạo lực tiếp diễn tại Gaza hôm nay. Trách nhiệm đối với những cái chết thảm khốc này thuộc về Hamas. Hamas đã cố tình kích động phản ứng này. Và như ngoại trưởng (Mỹ) đã nói, Israel có quyền tự bảo vệ mình”.

Hỏi: “Con số tử thương đã là hơn 50 người tại Gaza. Hoa Kỳ có kêu gọi Israel tự kiềm chế khi đối phó với các phản kháng đó?”.

 Ông Shah: “Chúng tôi tin rằng Hamas chịu trách nhiệm đối với những cái chết bi thảm này, rằng việc họ cay độc khai thác tình hình chính là điều đã dẫn đến những cái chết đó. Và chúng tôi muốn họ chấm dứt”.

Hỏi: “Vậy Israel không có trách nhiệm gì, không làm điều gì đó để dừng việc này lại sao?”.

Ông Shah: “Không, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quên mất sự thật rằng Hamas, thẳng thắn mà nói, phải chịu trách nhiệm về tình hình thảm khốc hiện nay tại Gaza”…

Cứ thế, có tới 5 lần điệp khúc “trách nhiệm thuộc về Hamas” được cất lên mà không kèm theo một sự chia sẻ nhân đạo nào, cho thấy sự lạnh lùng nghiêng về một phía trong một cục diện gồm hai phía dù rằng, theo ông Shah: “Những gì ngày hôm nay xảy ra chỉ là tiếp nối những gì tổng thống đã hứa và tin tưởng. Và cũng chỉ là sự công nhận một thực tế mà thôi”.

Cái thực tế mà vị phụ tá phát ngôn viên Nhà Trắng nói tới là việc Jerusalem là thủ đô của Israel. Và cũng theo ý ông này, mấy chục năm qua các tổng thống Mỹ tiền nhiệm của ông Trump đã “cứ rón rén như đang bước trên vỏ trứng, giả vờ rằng Jerusalem không phải là thủ đô của Israel, trong khi rõ ràng Jerusalem là như thế”.

Khó cho Palestine

Chính sự nghiêng về một phía lạnh lùng như thế làm khó dễ chính quyền Palestine vốn từ năm ngoái tới giờ vẫn còn loay hoay trong việc làm chủ chính quyền tại dải Gaza, mà phái Hamas đã “hùng cứ” từ năm 2007 sau một cuộc xung đột với Cơ quan quyền lực Palestine (tức Phong trào Fatah) khiến phong trào này phải rút về bờ Tây sông Jordan. 

Tháng 10 năm ngoái, phái Hamas, vốn bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, đã thỏa thuận nhường quyền lực cho Cơ quan quyền lực Palestine do ông Abbas lãnh đạo.

Trong thực tế, như nhận xét của một tờ báo Israel, tờ Haaretz, “ông Abbas cầm quyền trên mặt đất, Hamas cầm quyền dưới mặt đất”, một sự lên án phái Hamas, vô hình trung xem chiến dịch “Đại hồi hương” (trở lại những lãnh thổ mà người Palestine đã mất 70 năm trước) là “của riêng” của phái Hamas. 

Sự tập trung mũi dùi vào phái Hamas càng “phong thánh” phái này, mà ông Trump tuần trước, khi cáo giác Iran đã tạo ảnh hưởng tai hại ở Trung Đông, đã gọi đích danh phái này và phái Hezbollah là thủ hạ của Iran; càng tăng thêm uy tín “bảo vệ quê cha đất tổ” của phái này, càng gây thiệt hại cho uy tín của ông Abbas và Cơ quan quyền lực Palestine.

Một kế hoạch hòa bình can dự tới cả hai bên trong cuộc, chớ không chỉ “ăn thua” nơi mỗi một bên. Thái độ “nghiêng về mỗi một bên” này đã bị một nhà báo gài câu hỏi: “Về vấn đề hòa bình giữa người Israel và người Palestine, lần cuối cùng Nhà Trắng nói chuyện với giới lãnh đạo Palestine là khi nào? Và đứng trước số thương vong quá cao mà người Palestine gọi là “một vụ thảm sát”, Nhà Trắng sẽ ăn nói làm sao?”. Câu trả lời mà ông Shah đưa ra chỉ là: “Thành thật mà nói, tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này”.

Thế giới lo ngại

Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản ứng đồng loạt trước việc Mỹ khai trương đại sứ quán ở Jerusalem, dẫn đến làn sóng bạo lực ở Gaza. Hãng tin Reuters ngày 15-5 dẫn tuyên bố của Cơ quan Nhân quyền LHQ lên án việc Israel sử dụng bạo lực ở dải Gaza và lo ngại tình hình có thể tái diễn. LHQ kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về vấn đề này.

Điện Kremlin ngày 14-5 cũng bày tỏ quan ngại về vụ việc và hối thúc các bên tránh hành động có thể làm bất ổn khu vực Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước và đàm phán về quy chế của Jerusalem.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày phản đối việc giết hại người biểu tình Palestine cũng như việc Mỹ dời đại sứ quán tới Jerusalem, trong khi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, Thủ tướng Anh Theresa May, Bộ Ngoại giao Đức hối thúc Israel kiềm chế bạo lực.

Phản ứng gay gắt nhất diễn ra trong thế giới Hồi giáo. Reuters dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim kêu gọi các nước Hồi giáo xem xét lại quan hệ với Israel, trong khi Bộ Ngoại giao Iran cho rằng cộng đồng Hồi giáo đoàn kết chống lại quyết định trên của Mỹ. Các lãnh đạo Hồi giáo của Ai Cập cũng chỉ trích quyết định của Mỹ, coi việc Washington chuyển đại sứ quán tới Jerusalem là hành động khiêu khích tới 1,5 tỉ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới