Các chính trị gia Mỹ thời gian gần đây bắt đầu sử dụng mệnh đề “nếu” nhiều hơn khi nói về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Vậy “nếu Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn hạt nhân”, “phần thưởng” sẽ là gì?
Bỏ hạt nhân trước
“Những gì nhà lãnh đạo Kim Jong Un có được từ chúng ta sẽ là những thứ tốt nhất nước Mỹ – các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư rủi ro, những nhà cấp vốn. Dòng vốn tư nhân sẽ đổ vào Triều Tiên” – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời Đài CBS ngày 13-5.
Những đường nét cơ bản về cách Mỹ sẽ xử lý chương trình hạt nhân của Triều Tiên như thế nào đã bắt đầu hiện rõ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định Triều Tiên sẽ không được hưởng bất cứ lợi ích gì trước khi nước này hủy bỏ hoàn toàn tất cả thành phần của chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn Đài ABC ngày 13-5, ông Bolton tiết lộ trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6 tới, Mỹ sẽ đưa ra vấn đề hủy bỏ các trang thiết bị và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cũng như chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí sinh hóa của nước này.
Theo đó, Triều Tiên phải từ bỏ các năng lực tái xử lý plutonium và làm giàu uranium, đồng thời công khai và cho phép thanh sát các địa điểm thử hạt nhân và tên lửa. Ông Bolton nêu rõ các bước đi này sẽ dẫn tới mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ông Bolton nhấn mạnh việc phi hạt nhân hóa phải diễn ra trước khi Triều Tiên được hưởng các lợi ích và Mỹ sẵn sàng khởi động các hoạt động thương mại, đầu tư với Triều Tiên ngay khi có thể.
Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên thông báo sẽ mời phóng viên 5 nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nga và Hàn Quốc đến chứng kiến lễ phá hủy bãi thử hạt nhân duy nhất của nước này vào ngày 23 hoặc 25-5.
Trẻ em Triều Tiên bên bờ sông Yalu thuộc tỉnh Sinuiju, giáp giới với TP Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) trong ảnh chụp tháng 4-2017 –
Ảnh: REUTERS
Dỡ bỏ cấm vận sau
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh nếu Triều Tiên đồng ý từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân, điều này sẽ dẫn tới việc “giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt” nhằm vào nước này. Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ cho phép các doanh nghiệp tư nhân nước này đầu tư vào Bình Nhưỡng, hỗ trợ quốc gia Đông Bắc Á xây dựng hệ thống năng lượng phục vụ sinh hoạt.
“Chúng tôi có thể tạo ra sự thịnh vượng thật sự về kinh tế cho Triều Tiên ở mức như Hàn Quốc” – ông Pompeo đánh tiếng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ nói rõ Washington không sẵn lòng đổ ngân sách – tiền mà người dân Mỹ đóng cho nước Mỹ – để giúp tái thiết Triều Tiên.
Thay vào đó, Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các cấm vận, những rào cản cho phép lĩnh vực tư nhân Mỹ đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm cho người dân Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đáp ứng yêu cầu của Washington.
Cũng theo Ngoại trưởng Pompeo, mục tiêu của Mỹ vẫn là phi hạt nhân hóa Triều Tiên lâu dài, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ông Pompeo cũng cho biết việc Bình Nhưỡng loại bỏ chương trình hạt nhân sẽ cần tới “sự kiểm chứng chặt chẽ”.
Một chuyên gia nhận xét “phần thưởng” mà Mỹ dành cho việc từ bỏ hạt nhân của Triều Tiên xem ra vẫn chưa thực sự tương xứng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã gần như kiệt quệ sau hơn một năm hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, khả năng Triều Tiên đồng ý với một số điều chỉnh nhỏ không phải không có.
“Mỹ có nhiều bài”
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ rất phức tạp vì kho hạt nhân của Bình Nhưỡng lớn hơn Iran nhiều. Ông Gates cho rằng sẽ khó đạt được thành công ngay lập tức. Tuy nhiên, cựu quan chức trải qua hai đời tổng thống George W. Bush và Barack Obama nhận xét chính quyền Donald Trump hiện nay đang có “rất nhiều lá bài để thi triển”, bao gồm một thỏa thuận hòa bình với Triều Tiên, công nhận ngoại giao hay cam kết không lật đổ chế độ ở Bình Nhưỡng.