Việt Nam cần học tập cách quản lý tài khóa của Mỹ. Một khi Quốc hội đã thông qua chính sách tài khóa năm thì không được tăng một đồng.
Nguy cơ vòng xoắn thu hẹp nền kinh tế
TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, thống kê 5 tỷ USD ngân sách bị chi sai là con số còn khiêm tốn.
Ông Hiển cho rằng, cần làm rõ khái niệm chi sai ở đây có bao gồm cả các khoản chi không đúng, chi lãng phí, chi không hiệu quả không? Nếu bao gồm cả những khoản chi này thì số tiền chi sai có thể chiếm tới 30% tổng nguồn ngân sách quốc gia chứ không phải là 10% như báo cáo.
Ông cho biết, ngay ở thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn đương chức, tình trạng chi sai, chi không đúng đã được nhận diện.
Khi đó, chưa xuất hiện những nhóm lợi ích kiểu như Vũ (nhôm) ở Đà Nẵng hay Út “trọc”, TP.HCM nhưng cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhận định, cứ 10 đồng đầu tư cho hạ tầng thì mất 3 đồng cho tham nhũng, chung chi.
Khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng chung chi, tham nhũng tại những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng được cảnh báo còn nghiêm trọng hơn, tỷ lệ thất thoát có thể chiếm tới 50%, thậm chí có dự án lên tới 80% tổng mức đầu tư toàn dự án.
“Trong xây dựng cơ bản thì có rất nhiều sai phạm tại các dự án đầu tư cầu, đường, các nhà máy, doanh nghiệp nhà nước…
Điển hình là sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km 123+105 đến Km 268 do công ty của nhóm Út “trọc”, tức Đinh Ngọc Hệ, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) thực hiện đang được Thanh tra Chính phủ làm rõ.
Giá trị được phê duyệt GPMB trong dự án này là 459 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế số tiền chi ra để GPMB chỉ có 32 tỉ đồng, tức chênh lệch số tiền lên đến hơn 420 tỉ đồng.
Trong khi đó, nhiều địa phương nghèo vẫn đua sang, chạy theo xây dựng quảng trường ngàn tỷ, trụ sở xa hoa, hoành tráng… Tình trạng dự án nghìn tỷ đắp chiếu như 12 đại dự án của Bộ Công thương. Vụ thổi khống giá trị khi mua bán thiết bị, máy móc như ụ nổi M83 trong đại án Dương Chí Dũng… Nếu nhìn vào bức tranh đó, tôi cho rằng đủ cơ sở khẳng định tình trạng chi sai, chi không đúng còn lớn hơn nhiều số liệu được công bố”, TS Đinh Thế Hiển chỉ rõ.
Theo vị TS, do tình trạng chi tiêu vô tội vạ như thời gian qua mà ngân sách dù tăng thu liên tục vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển an sinh xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia. Từ chỗ thiếu tiền, thu không đủ bù chi nên phải nghĩ ra nhiều giải pháp để cứu nguồn thu, từ việc tăng thuế, phí cho tới phải đi vay nợ.
“Việt Nam đang thực hiện hai giải pháp là tăng thuế, phí và vay thêm nợ. Trong đó, việc tăng thuế sẽ tăng chi phí lên người dùng cuối cùng, tác động tiêu cực đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, nhất là khi sức mua hiện nay mới vừa có dấu hiệu khởi sắc.
Hai là, dù là thuế gián thu nhưng khi tăng thuế thì làm tăng giá cả, chi tiêu giảm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm. Cứ như vậy, người dân không mua, hàng hóa sản xuất ra không bán được, lao động mất việc làm, nền kinh tế sản xuất sẽ dần bị thu hẹp lại.
Còn vay nợ về để chi tiêu và trả nợ chứ không phải vay để đầu tư phát triển sẽ càng làm nợ công tăng cao. Hiện nay, chúng ta đang phải vay tới 140 nghìn tỷ để trả nợ, áp lực trả nợ đã rất lớn, nếu vay thêm nữa thì nguy cơ tăng áp lực tới bội chi ngân sách, tăng nợ công rất rõ ràng. Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn chúng ta sẽ phải đối mặt với những quan ngại thực sự về bền vững tài khóa”, ông Hiển cảnh báo.
Áp dụng kỷ luật tài khóa…
Trước những mối quan ngại sâu sắc nói trên, TS Đinh Thế Hiển cho biết, nếu không có giải pháp chấn chỉnh lại kế hoạch thu chi thì khả năng Bộ Tài chính không thể cân đối được ngân sách chỉ là chuyện sớm muộn.
Theo đó, vị chuyên gia đề xuất phải áp dụng kỷ luật ngân sách của Nhà trắng.
“Chuyện Nhà trắng đóng cửa hoạt động vì Quốc hội không thông qua ngân sách tưởng như đùa ấy lại xảy ra tại nước Mỹ tới 8 lần, việc này cho thấy sự tuân thủ nghiêm ngặt trong việc thực hiện kỷ luật ngân sách tại quốc gia này.
Việt Nam cần học tập cách quản lý tài khóa của Mỹ. Một khi Quốc hội đã thông qua chính sách tài khóa năm thì không được tăng một đồng. Không thể có chuyện điều chỉnh dễ dãi, muốn tăng là tăng, thiếu lại đi vay được.
Ở Việt Nam, tôi thấy tình trạng chi tiêu ngân sách còn quá dễ dãi, lỏng lẻo, dự án nào cũng điều chỉnh tăng từ vài chục tỷ lên tới hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ mà gần như đều được thông qua. Cứ như vậy thì ngân sách nào chịu nổi”, ông Hiển nhấn mạnh.
TS Đinh Thế Hiển nói rõ, Việt Nam phải thiết lập lại kỷ cương ngân sách, trong đó, việc lên kế hoạch, lập dự toán chi tiêu ngân sách cần giao cho một cơ quan cụ thể là Bộ Tài chính. Bộ Tài chính có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ và phải chịu trách nhiệm về kế hoạch đó.
“Phải xử lý nghiêm trách nhiệm người lập ngân sách thì mới bảo đảm được chất lượng của kế hoạch chi ngân sách, không để tình trạng chi sai, chi lãng phí có cơ hội xảy ra”, ông Hiển nói thêm.