Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ liên tiếp điều "pháo đài bay" B-52H đến Biển Đông dằn...

Mỹ liên tiếp điều “pháo đài bay” B-52H đến Biển Đông dằn mặt TQ

Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-52H đến Biển Đông lần này là để phản ứng với các hành động của máy bay ném bom H-6K Trung Quốc gần đây như bay quanh Đài Loan, cất hạ cánh phi pháp trên Biển Đông…

Máy bay ném bom B-52H Mỹ. Ảnh: QQ.

B-52H liên tiếp đến Biển Đông

Trang Twitter Aircraft Spot ngày 22/5 cho biết có 2 máy bay ném bom chiến lược B-52H của quân đội Mỹ đã cất cánh từ căn cứ không quân Anderson, Guam, bay đến Biển Đông thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.

Tốp máy bay ném bom B-52H này được gọi là LEGIT 01 và 02, ngoài ra, còn có hai máy bay tiếp dầu KC-135R tiến hành tiếp dầu cho các máy bay ném bom B-52H.

Trước đó đúng 1 tháng, vào ngày 22/4/2018, trang Twitter nêu trên cũng công bố có 2 máy bay ném bom B-52H từ Guam bay đến Biển Đông thực hiện nhiệm vụ “hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP). Khi đó, hai máy bay ném bom B-52H đã tiếp cận quần đảo Đông Sa (hiện do Đài Loan kiểm soát).

Từ tháng 3/2004 trở đi, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành nhiệm vụ CBP, phía Mỹ coi việc làm này là phù hợp với luật pháp quốc tế, là nhiệm vụ thường lệ.

Theo trang tin Sohu Trung Quốc ngày 22/5, căn cứ Anderson ở Guam là căn cứ quân sự chủ yếu nhất của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương hiện nay, đã triển khai lâu dài rất nhiều máy bay ném bom chiến lược, là cứ điểm quan trọng để quân đội Mỹ tiến hành răn đe ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Căn cứ không quân Anderson nằm ở chuỗi đảo thứ hai, cách đại lục châu Á khoảng 2.600 km. Những năm gần đây, để ứng phó với “đợt tấn công đầu tiên”, quân đội Mỹ đã bắt đầu di chuyển lượng lớn trang bị kỹ thuật và binh lực từ chuỗi đảo thứ nhất, chuyển sang triển khai ở các căn cứ thuộc chuỗi đảo thứ hai như Guam.

Do đó, địa vị quân sự của Guam nổi bật hơn, trở thành nơi xuất kích của máy bay ném bom quân đội Mỹ trong các hành động uy hiếp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đáp trả Trung Quốc

Trang tin Sohu Trung Quốc dẫn lời chuyên gia quân sự cho rằng việc Mỹ điều máy bay ném bom cất cánh từ Guam đến Biển Đông thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thường lệ được tiến hành định kỳ, các loại máy bay ném bom chiến lược do Mỹ sử dụng gồm có B-52H, B-1B và B-2.

Nhiệm vụ chính trong triển khai huấn luyện định kỳ này là để tập luyện phát động hành động không kích ở Biển Đông, mô phỏng phát động tấn công chính xác đối với các tàu chiến và đảo, đá ngầm trên biển.

Theo đánh giá của báo chí Đài Loan, Mỹ điều các máy bay ném bom B-52H đến Biển Đông lần này là để phản ứng với việc máy bay ném bom H-6K quân đội Trung Quốc tiến hành “huấn luyện bay thường lệ xung quanh Đài Loan”, góp phần tăng thêm “dũng khí” cho Đài Loan. Đáng chú ý, tên lửa AGM-86 trên máy bay B-52H có thể tấn công các đô thị chủ yếu của Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, trước động thái mới trên của Mỹ, báo Hải ngoại Trung Quốc ngày 22/5 lại liên tưởng đến việc không quân Trung Quốc tổ chức cho nhiều loại máy bay ném bom trong đó có H-6K tiến hành “huấn luyện cất, hạ cánh (phi pháp) trên đảo ở vùng biển phía nam” (Biển Đông) vừa qua.

Theo phân tích của các chuyên gia, clip và hình ảnh các máy bay ném bom H-6K tiến hành huấn luyện cất, hạ cánh vừa qua cho thấy, hoạt động huấn luyện này đã được tiến hành ở sân bay trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập tức lên tiếng phê phán Trung Quốc, cho rằng cách làm tiếp tục quân sự hóa của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng hơn căng thẳng và bất ổn khu vực.

Ngày 21/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phản đối hành động cất, hạ cánh phi pháp máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng hành động này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây bất ổn khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia cũng coi hành động cất, hạ cánh phi pháp máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc trên Biển Đông lần này là một hành động “phá hoại sự ổn định”.

Trong khi đó, ngày 21/5, đối với hành động trên của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Philippines đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình hình, “chúng tôi đang có các hành động ngoại giao thích hợp và cần thiết để bảo vệ chủ trương chủ quyền, trong tương lai cũng sẽ như vậy”.

Ngày 21/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết Philippines bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với việc máy bay ném bom Trung Quốc cất, hạ cánh trên Biển Đông, một vùng biển “tranh chấp”.

Nhưng hai ngày trước, ngày 19/5, ông Rodrigo Duterte còn cho biết Philippines không có thực lực để khai chiến với Trung Quốc, “đối đầu với Trung Quốc có nghĩa là rắc rối”. Trước đó, ngày 17/5, ông Duterte cũng nhấn mạnh, Philippines không thể “ngang cơ” với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông còn bày tỏ nghi ngờ Mỹ sẽ đứng về phía Philippines khi chiến tranh thực sự nổ ra. Do đó, ông cho rằng phương pháp giải quyết tương đối thực tế là đạt được “thỏa thuận hợp tác khai thác” với Bắc Kinh, cùng nhau thăm dò tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque và quan chức Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Philippines sẽ đề cập đến vấn đề “Trung Quốc quân sự hóa trái phép các đảo đá ngầm ở quần đảo Trường Sa” trong cuộc tham vấn song phương Philippines – Trung Quốc vào nửa cuối năm 2018.

Nhìn vào các phản ứng của Philippines, dư luận quốc tế cho rằng phản ứng của Philippines không đủ cứng rắn, “không lên án hay tiến hành phản đối Trung Quốc”.

Bên cạnh thái độ thân thiện với Trung Quốc gần đây, Philippines vẫn giữ “quan hệ đồng minh” với Mỹ. Người phát ngôn Harry Roque cho biết Philippines và Mỹ là đồng minh, Philippines sẽ không từ bỏ thỏa thuận phòng vệ an ninh 70 năm do hai bên ký kết trước đây.

Từ ngày 7 – 18.5.2018, quân đội Philippines và Mỹ cũng đã tiến hành một cuộc tập trận chung với sự tham gia của 5.000 binh sĩ Philippines và 3.000 binh sĩ Mỹ. Bên cạnh đó, có một phái đoàn cấp cao Philippines vừa có chuyến thăm Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, quân đội Mỹ ở Hawaii, “có thể bàn về vấn đề Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới