Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng tới ở Singapore, Tổng thống Donald Trump đã không giấu nổi nỗi quan ngại về khả năng cuộc gặp này biến thành một “vố bẽ mặt về chính trị”. Vì thế, ông này bắt đầu tham vấn ý kiến của các cố vấn về việc liệu ông có nên xúc tiến cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong Un hay không, tờ New York Times đưa tin.
Tờ New York Times dẫn lời các quan chức trong chính quyền Mỹ cho hay, Tổng thống Trump vừa ngạc nhiên vừa tức giận trước việc Bình Nhưỡng mới đây rút khỏi lời đảm bảo ban đầu về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sau khi nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Bình Nhưỡng vừa tuyên bố, Triều Tiên sẽ không bao giờ “trao đổi năng lực vũ khí hạt nhân để lấy viện trợ kinh tế”.
Ông Trump được cho là đã gặp gỡ với các cố vấn hồi cuối tuần trước để hỏi họ xem liệu có phải là hành động khôn ngoan khi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với đối tác Triều Tiên. Ông Trump còn điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để hỏi lý do tại sao Bình Nhưỡng lại đưa ra tuyên bố đầy bất ngờ, đi ngược lại với những lời đảm bảo mà Chủ tịch Kim Jong Un đưa ra trong các cuộc gặp riêng trước đó không lâu.
Các cố vấn của Tổng thống Mỹ được cho là đang ngày càng lo ngại về việc Tổng thống Trump tỏ ra quá háo hức với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới, tờ New York Times cho hay. Các cố vấn của ông Trump cũng lo ngại Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ lợi dụng sự háo hức của Tổng thống Trump để đưa ra những lời cam kết và đảm bảo mà họ có thể phá vỡ bất kỳ lúc nào.
Theo tờ báo của Mỹ, quyết định của ông Trump trong việc rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ làm gia tăng nguy cơ cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới.
“Nếu ông Trump đạt được ít hơn những gì Tổng thống Barack Obama từng có được – cụ thể Iran đã chuyển 97% nguyên liệu hạt nhân ra bên ngoài, thì sẽ rất khó để ông Trump thuyết phục bất kỳ ai rằng cuộc đàm phán của ông là một thành công”, tờ New York Time bình luận.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump – ông John Bolton đã khuyên Tổng thống tận dụng hội nghị thượng đỉnh sắp tới để yêu cầu Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân trước khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ.
Trong khi Seoul ủng hộ một phương pháp tiếp cận mềm dẻo hơn, dựa trên niềm tin, với đề xuất sự nhượng bộ của Bình Nhưỡng sẽ dẫn tới việc tháo bỏ dần các biện pháp trừng phạt, thì ông Trump thẳng thừng tuyên bố sẽ không đi theo lối mòn từng dẫn đến thất bại của 4 người tiền nhiệm trước đó.
Ông Bolton liên tục lấy dẫn chứng là mô hình của Libya để áp dụng với Triều Tiên. Theo đó, khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn các thiết bị liên quan đến hạt nhân thì nước này sẽ nhận được sự cam kết về việc hội nhập kinh tế với phương Tây. Đề cập đến đề xuất của cố vấn Bolton, Tổng thống Trump hứa hẹn, nếu Chủ tịch Kim Jong Un đồng ý phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, “ông ấy sẽ nhận được sự bảo vệ rất mạnh mẽ”.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới. Hội nghị này từng làm dấy lên rất nhiều kỳ vọng về viễn cảnh một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thế giới sẽ được tháo gỡ. Tuy nhiên, cuộc gặp được chờ đợi giữa ông Trump và ông Kim Jong Un đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Mỹ và Hàn Quốc hôm 11/5 vừa rồi đã khai hỏa một cuộc tập trận định kỳ hàng năm kéo dài 2 tuần – một hành động cực kỳ nhạy cảm vào thời điểm này bởi Bình Nhưỡng lâu nay vẫn coi các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là cuộc tập dượt cho một kịch bản xâm lược Triều Tiên.
Trong một phản ứng thể hiện sự phản đối mạnh mẽ hành động của Seoul và Washington, Triều Tiên đã ngay lập tức hủy bỏ cuộc gặp cấp Bộ trưởng với Hàn Quốc đồng thời đe dọa hủy luôn cả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.