Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiADIZ TQ trên biển Hoa Đông - tiền lệ có nguy cơ...

ADIZ TQ trên biển Hoa Đông – tiền lệ có nguy cơ xảy ra ở Biển Đông

Trung Quốc năm 2013 lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Hoa Đông bao phủ các thực thể có tranh chấp với nước khác, khiến quốc tế phản đối.

Chiến đấu cơ Trung Quốc diễn tập trên biển Hoa Đông tháng 12/2017. Ảnh: SCMP.

Trung Quốc trong tháng này điều máy bay ném bom diễn tập hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa và bố trí tên lửa tại các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng động thái này làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, tương tự như điều họ từng làm ở biển Hoa Đông.

ADIZ là vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Mục đích của ADIZ là cung cấp hệ thống cảnh báo sớm để giúp phát hiện những xâm nhập có thể xảy ra trong không phận của nước đó.

Các máy bay đi qua ADIZ của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung như nộp trước lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều với nước quản lý, thông báo vị trí, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định. Nếu không tuân thủ thì máy bay quân sự của nước lập ADIZ có thể can thiệp, yêu cầu nhận dạng hoặc buộc rời khỏi khu vực. Vì ADIZ không phải là không phận, bắn hạ máy bay xâm nhập là phi pháp.

Mỹ là quốc gia đầu tiên thiết lập ADIZ vào năm 1950 nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ từ Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. ADIZ của Nhật được quân đội Mỹ thiết lập sau Thế chiến II, bao trùm hầu hết vùng đặc quyền kinh tế. Quân đội Mỹ năm 1951 cũng thiết lập ADIZ cho Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, bao phủ hầu hết không phận của nước này.

Ngày 23/11/2013, Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc (Bắc Kinh gọi là Tô Nham Tiêu trong khi Seoul gọi là Ieodo). 

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên án hành động của Trung Quốc là nỗ lực nguy hiểm để thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông thông qua cưỡng chế. Ông yêu cầu Bắc Kinh “thu hồi mọi biện pháp có thể xâm phạm quyền tự do bay trong không phận quốc tế”. Nhật yêu cầu các hãng hàng không không cung cấp thông tin bay cho Trung Quốc, khiến Bắc Kinh cảnh báo Tokyo đang để sự an toàn của công dân bị đe dọa. Đáp trả, Tokyo tuyên bố Bắc Kinh mới chính là bên đe dọa sự an toàn của khách, theo Guardian.

Hàn Quốc cũng yêu cầu hãng hàng không không tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc nhưng hai hãng lớn của nước này Asiana Airline và Korean Air sau đó làm theo quy định của Trung Quốc vì lý do an toàn. Seoul tổ chức một cuộc tập trận kết hợp hải quân và không quân lớn vào tháng 12/2013 để phô diễn sức mạnh nhằm “bảo vệ quyền tài phán với Ieodo”.

Khác với Nhật và Hàn, Mỹ tư vấn cho các hãng hàng không thương mại tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc vì vấn đề an toàn nhưng nhấn mạnh Mỹ không công nhận ADIZ của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời điểm đó, Chuck Hagel, gọi hành động của Trung Quốc là “đơn phương”, “không qua tham vấn”, nhấn mạnh động thái đó sẽ không thay đổi cách Mỹ tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực. Ông cũng nhắc lại quan điểm chính thức rằng Mỹ sẽ ủng hộ Nhật Bản trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa họ với Trung Quốc vì Senkaku/ Điếu Ngư.

Mỹ điều hai máy bay ném bom B-52 từ Guam bay qua ADIZ vào ngày 26/11/2013 và Trung Quốc không có phản ứng. Trong khi đó, ba ngày sau, hai máy bay do thám Mỹ và 10 chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản đã bị các tiêm kích Trung Quốc Su-30 và J-10 bám đuôi sau khi đi vào ADIZ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc giải thích rằng họ sẽ có “hành động tương ứng phù hợp với tình hình và mức độ đe dọa”.

Australia và các nước châu Âu cũng bày tỏ quan ngại, cho rằng đây là động thái làm leo thang căng thẳng. Philippines cáo buộc Trung Quốc cố gắng biến khu vực này thành “không phận trong nước” đồng thời cảnh báo rằng Trung Quốc có thể cố gắng thiết lập ADIZ ở Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc gọi các nước phản đối là “đạo đức giả” khi chính họ cũng có ADIZ. Họ nói rằng hành động của mình không ảnh hưởng đến tự do hàng không theo luật quốc tế hay nhắm vào một quốc gia cụ thể nào mà chỉ nhằm cảnh báo sớm cho mục đích quốc phòng, theo Xinhua.

Trung Quốc thường xuyên tiến hành tuần tra kể từ sau khi thành lập ADIZ. Họ đã theo dõi, thu thập bằng chứng, nhận dạng và phát cảnh báo radio với các máy bay quân sự nước ngoài. Máy bay Trung Quốc và Nhật thường xuyên có các vụ chạm trán, chẳng hạn vào ngày 31/1/2014, Bắc Kinh điều hai tiêm kích Su-30MKK mang tên lửa để yêu cầu máy bay quân sự Nhật ra khỏi ADIZ.

Ngày 24/5/2014, hai chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc tiếp cận máy bay trinh sát OP-3C của Nhật ở khoảng cách 50 m, và cách máy bay trinh sát điện tử YS-11EB của Nhật chỉ 30 m phía trên Senkaku/Điếu Ngư. Tháng 3/2017, Trung Quốc cảnh báo và yêu cầu máy bay ném bom Mỹ B-1B Lancer rời khỏi khu vực khi nó đang bay gần đảo Jeju của Hàn Quốc.

Trang World Socialist Web Site nhận xét Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông nhằm chống lại hiện diện quân sự của Mỹ và Nhật Bản. Họ muốn hạn chế máy bay Mỹ tiếp cận gần bờ biển Trung Quốc và các căn cứ quân sự nhạy cảm của nước này để thu thập thông tin tình báo quan trọng.

Thiếu tướng, GS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng Việt Nam cho rằng tương tự những gì đã xảy ra ở biển Hoa Đông, nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, họ sẽ yêu cầu các hãng hàng không qua khu vực phải xin phép bay để đảm bảo an ninh. Điều này làm dấy lên nguy cơ Trung Quốc lấy đây làm cái cớ trong đàm phán để nói rằng đã có nước phải xin phép họ, tức là thừa nhận yêu sách chủ quyền của họ.

Giáo sư Seokwoo Lee từ đại học Inha, Hàn Quốc từng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể thiết lập ADIZ trên Biển Đông để gây sức ép buộc Mỹ phải rút ra khỏi khu vực này. Ý đồ của Trung Quốc nếu thiết lập ADIZ trên Biển Đông là “làm leo thang căng thẳng, tăng cường mức độ đối đầu đến một ngưỡng mà Mỹ không chịu đựng được và phải rút lui khỏi khu vực”. “Đây là một dạng ‘trò chơi thách đố’ trên Biển Đông, trong đó bên nào cảm thấy yếu thế hơn sẽ phải ngừng lại”, ông nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới